Trong nước

Chính phủ đề nghị xóa 10.562 tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu hồi

Chính phủ trình UB thường vụ QH cho phép xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của 758.660 người nộp thuế với tổng số tiền 10.562 tỷ đồng.

Tại phiên họp UB Thường vụ QH cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của QH về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước sáng nay, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao.

Chính phủ đề nghị xóa 10.562 tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu hồi

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2018 là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ.

Cụ thể, số nợ do cơ quan thuế quản lý là 76.328 tỷ đồng; số nợ hải quan quản lý là 5.289 tỷ đồng.

758.660 người nộp thuế thuộc diện xóa nợ

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, trong số nợ đọng này, có 759.319 người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, đã tự phá sản, giải thể, người nộp thuế đã chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, người nộp thuế gặp khó khăn bất khả kháng…

Theo ông, luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, quy định này là chế tài xử lý cần thiết.

Tuy nhiên, do người nộp thuế đã chết, mất tích hoặc tự giải thể, phá sản,… nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng theo thời gian.

Tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cơ quan quản lý thuế đến ngày 31/12/2018 là 11.896 tỷ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi.

“Chính phủ trình UB thường vụ QH cho phép xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của các đối tượng được khoanh nợ nêu trên”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Theo đó, dự kiến có 758.660 người nộp thuế thuộc đối tượng xóa nợ, với số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đề nghị xóa là 10.562 tỷ đồng.

Trong đó, DN, tổ chức là 222.124 người, với số tiền là 9.658 tỷ đồng; cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh là 536.536 người, với số tiền là 904 tỷ.

Người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự là 2.635 người, với 174 tỷ.

Người nộp thuế tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể DN theo quy định là 24.113 người, với 869 tỷ.

Người nộp thuế mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản là 216 người, với 158 tỷ.

Người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh không hoạt động… là 731.696 người, với 9.361 tỷ.

Việc xóa nợ thuế nếu được thông qua sẽ thi hành kể từ ngày 1/1/2020 và được thực hiện trong 3 năm.

Làm rõ cơ chế, chính sách xóa nợ tránh bị lạm dụng

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhất trí về sự cần thiết ban hành nghị quyết.

Tuy nhiên, ông đề nghị Chính phủ rà soát lại việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các đối tượng không tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, ông Hải cũng đề nghị cân nhắc, làm rõ việc xử lý tiền nợ thuế đối với các DNNN. Lý do DNNN là pháp nhân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và hiện nay đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại nên việc khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế cần được xử lý trong quá trình cổ phần hóa.

UB Tài chính – Ngân sách cũng lưu ý cần rà soát, báo cáo rõ việc xử lý tiền thuế nợ đối với các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Theo đó sẽ khoanh nợ, xóa nợ đối với các trường hợp cụ thể nào liên quan đến đất đai.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn về các đối tượng được xóa nợ có một số đối tượng có thể tạo ra kẽ hở cho những người không đứng đắn lợi dụng.

“Ví dụ thủ tục đã nộp đơn xin phá sản nhưng chưa được phá sản. Được biết trong thời gian qua, thực hiện luật phá sản cũng vướng mắc, cũng khó khăn, rất ít DN thực hiện, có trường hợp người ta chỉ cần nộp đơn là được xóa nợ rồi thì xử lý việc này như thế nào?”, ông Thanh thắc mắc.

Chủ nhiệm UB Kinh tế nêu tình trạng đăng ký một nơi, hoạt động một nẻo để trốn thuế.

“Hay có trường hợp tinh vi hơn như mượn danh, núp bóng, không hoạt động thì giống buôn bán hóa đơn, mượn danh, núp bóng người khác để thành lập DN thì làm rõ như thế nào?”, Chủ nhiệm UB Kinh tế đề nghị làm rõ cơ chế, chính sách để xóa nợ hoặc thanh nợ thuế.

Chính phủ đề nghị xóa 10.562 tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu hồi

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề: “Liên quan tới số tiền nợ đọng thuế, việc xóa nợ đọng thuế đối với đối tượng nào, mức độ xóa tới đâu, trách nhiệm của người nộp thuế đặc biệt là trách nhiệm của người thu thuế như thế nào? Đã xử lý được cán bộ nào, cơ quan nào, về trách nhiệm đôn đốc thuế này chưa?”

Theo bà Hải, ở đây, cử tri có đặt vấn đề: “Có những con số mà cử tri cung cấp ví dụ như trong kỳ thi cán bộ ngành thuế năm 2012 có 40.000 hồ sơ đăng ký, năm 2014 là 30.000 hồ sơ đăng ký… tạo nên một hiện tượng trong xã hội.

Đăng ký vào chi cục thuế của Hà Nội, có 340 chỉ tiêu nhưng 8.000 hồ sơ, tỉ lệ chọi là 1/23,5 người. Có thể nói là ngành cao nhất. Cử tri đặt vấn đề là tại sao, ngành thuế có những ưu đãi gì, cán bộ thuế có những quyền lực gì?”, Trưởng ban Dân nguyện nói.

Bà Hải bày tỏ mong muốn việc xây dựng ban hành và triển khai nghị quyết càng rà soát chặt chẽ và tránh bị lạm dụng chính sách.

“Với số tiền 1 tỉ đồng thôi chúng ta đã có được 20 căn nhà tình nghĩa rồi. Đây là chúng ta lên tới 4.000 tỉ đồng thì lên tới khoảng 8.000 căn nhà tình nghĩa nếu số tiền này không bị thất thoát, không bị xóa nhầm”, bà Hải nói.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok