Thế giới

Chiến dịch vô vọng lật đổ Trump bằng đại cử tri phản bội

Những người phản đối Trump gửi hàng nghìn bức thư, email kêu gọi các đại cử tri quay lưng với tỷ phú, dù triển vọng thành công gần như không có.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Khi phát hiện hòm thư trước cửa nhà mình đầy hơn bình thường, bà Joyce Haas chỉ nghĩ rằng đó là những thiệp chúc mừng Giáng sinh bạn bè gửi tới sớm. Thế nhưng người phụ nữ 70 tuổi này sớm nhận ra đó là những tấm bưu thiếp, thư tay thúc giục bà trở thành một đại cử tri bất trung.

Bà Haas sống ở bang Pennsylvania là một trong 538 đại cử tri sẽ trực tiếp bầu ra tổng thống Mỹ vào cuối tháng này. Chỉ một thời gian ngắn sau khi tỷ phú Donald Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống, bà đã nhận được 150-200 lá thư, bưu thiếp cùng hàng nghìn email kêu gọi bà góp phần tước đoạt chiến thắng từ tay nhà tài phiệt New York, theo Washington Post.

Trong hòm thư của bà Haas có nhiều bức thư được gửi từ một địa chỉ ở Stockton, California nhưng có tên người gửi khác nhau. "Đây là những lý do vì sao bà phải bầu cho Ngoại trưởng Clinton", các bức thư viết. Người viết thư cho rằng ông Trump đã có những hoạt động kinh doanh "phi đạo đức", bổ nhiệm các vị trí cấp cao trong Nhà Trắng cho những người thích tung tin đồn nhảm, đồng thời chỉ ra rằng bà Clinton là người dẫn đầu về số phiếu phổ thông.

Kimba Livesay, 52 tuổi, thừa nhận mình là người tiên phong trong nỗ lực soạn thảo và gửi những bức thư như vậy cho các đại cử tri. Bà cho biết đã tập hợp được khoảng 240 phụ nữ trong vùng ngay sau ngày bầu cử để phát động chiến dịch chống lại "người nguy hiểm" Trump. Livesay nói rằng bà dùng địa chỉ gửi từ thị trấn Stockton vì "mọi người thường ngại đề địa chỉ thật lên thư".

"Chúng tôi chỉ muốn tiếng nói của mình được lắng nghe. Tôi có cho rằng nó sẽ thay đổi kết quả không ư? Tôi không biết. Tôi có nghĩ rằng họ có thể nghĩ khác đi một chút từ lúc này không ư? Có lẽ vậy. Đó chính là hy vọng của chúng tôi", Livesay nói.

Bret Chiafalo, đại cử tri đảng Dân chủ ở bang Washington, lập ra nhóm Đại cử tri Hamilton và thực hiện hướng đi hoàn toàn khác. Anh không khuyến khích mọi người liên hệ trực tiếp với các đại cử tri. Thay vào đó, anh trò chuyện riêng với họ, hy vọng sẽ thuyết phục được họ bầu cho một ứng viên đảng Cộng hòa khác ngoài Trump.

"Donald Trump là một trường hợp nguy cấp chưa từng có", Chiafalo nói.

Nhóm của Chiafalo rất tâm đắc với bài viết của Alexander Hamilton trên tờ Federalist Papers rằng hệ thống cử tri đoàn cần phải là một tấm khiên chắn chống lại việc để những người không phù hợp lên làm tổng thống Mỹ.

Ebby Amir, 28 tuổi, kỹ sư phần mềm ở New York, đã thu thập thông tin liên lạc của các đại cử tri trên mạng, sau đó cùng bạn bè lập website "Ask The Electors" (Chất vấn đại cử tri), hướng dẫn mọi người gửi email đến các đại cử tri để trực tiếp trình bày nỗi quan ngại của mình. Thông qua nhóm này, hơn 90.000 email đã được gửi cho các đại cử tri, Amir cho hay.

"Sau bầu cử, nhiều người tỏ ra tức giận và muốn tiếng nói của mình được lắng nghe", Amir nói, thừa nhận rằng triển vọng thay đổi kết quả bầu cử của nỗ lực này là "rất xa vời".

Nỗ lực vô vọng
Đại cử tri là những người trực tiếp bầu ra tổng thống Mỹ. Ảnh: AP.

Charles Potts, 72 tuổi, một đại cử tri đảng Cộng hòa ở Oklahoma, nói rằng ông đã nhận được tin nhắn từ hai người – một phụ nữ ở bang Texas và một "người đồng tính ở Boston" không xưng tên. "Hãy bầu cho Hillary. Hãy làm điều đó đi, Charles", người ở Boston thúc giục ông trong tin nhắn.

Khi Potts nhắn lại, hỏi vì sao ông phải làm vậy, người này trả lời: "Vì Trump là kẻ cuồng phát xít sẽ cắt giảm quyền lợi và thành quả của rất nhiều người Mỹ". Lúc Potts hỏi danh tính của người này, ông không còn nhận được bất cứ tin nhắn nào nữa. Khi ông gọi điện, người cầm máy bên kia nhanh chóng ngắt cuộc gọi.

Nhiều đại cử tri ở các bang mà ông Trump giành chiến thắng cũng phải chịu áp lực tương tự, khi các nhà hoạt động chống Trump và các nhóm vận động tổ chức một chiến dịch khẩn cấp nhằm ngăn chặn tỷ phú bước chân vào Nhà Trắng.

538 đại cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu vào ngày 19/12 để bầu ra Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Ông Trump sẽ đánh bại bà Hillary Clinton với tỷ lệ phiếu đại cử tri 306-232 nếu các đại cử tri thực hiện đúng cam kết.

Tuy nhiên, trên lý thuyết, ông Trump có thể đánh mất chiến thắng ở những thời khắc cuối cùng, nếu các đại cử tri đồng loạt không bỏ phiếu cho ông như cam kết. Trên thực tế, một đại cử tri đảng Cộng hòa ở bang Texas hồi đầu tuần đã công khai tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho Trump.

Trong bài viết trên NYTimes, đại cử tri bang Texas Christopher Suprun khẳng định sẽ không bầu cho Trump vì tỷ phú "không thể hiện được phẩm chất" của một tổng thống. Suprun kêu gọi các đại cử tri khác dồn phiếu cho một thành viên đảng Cộng hòa khác, chẳng hạn như Thống đốc bang Ohio John Kasich.

Thế nhưng các quan sát viên và cả các đại cử tri đảng Cộng hòa khẳng định chiến dịch lật đổ ông Trump bằng lá phiếu đại cử tri chỉ là một nỗ lực vô vọng.

Robert Asher, đại cử tri đảng Cộng hòa ở bang Pennsylvania, cho rằng ông thấu hiểu cảm giác thất vọng của nhiều người khi ông Trump đắc cử, nhưng bất cứ ai tìm cách chống lại kết quả cuộc bầu cử hợp pháp này chỉ là "những kẻ thất bại cay cú".

"Đó chính là cách các cuộc bầu cử diễn ra. Tôi không hiểu sao họ không thể nhận ra điều đó. Nhưng thật không may là họ đã không nhận ra", Asher nói.

Mark Weston, chuyên gia về cử tri đoàn, nói rằng khả năng các đại cử tri đồng loạt phản bội Trump là "không thể xảy ra", bởi nó cần đến sự phối hợp lưỡng đảng ở mức độ chưa từng thấy trong thời kỳ chia rẽ sâu sắc này.

"Muốn hạ bệ ông Trump, ít nhất 38 trong tổng số 306 đại cử tri của ông phải quay lưng với tỷ phú để bầu cho một ứng viên đảng Cộng hòa khác, chẳng hạn như John Kasich. Nhưng muốn có 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử, Kasich cần có sự ủng hộ của các đại cử tri đảng Dân chủ. Nếu các đại cử tri đảng Dân chủ không tham gia, sẽ không có ứng viên nào giành đủ đa số phiếu, và quyền quyết định thuộc về Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa đang kiểm soát", Weston phân tích.

Dù khó có khả năng đe dọa đến khả năng bước vào Nhà Trắng của Trump, chiến dịch vận động đại cử tri bội phản đã gây thêm căng thẳng chính trị cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, dù nó đã đi qua gần một tháng. Nó cũng có thể làm gia tăng những nghi ngờ vào hệ thống cử tri đoàn hiện nay cũng như tương lai của nó.

"Với tôi, nó lại là một hình thức quấy rối", bà Haas, một đại cử tri đảng Cộng hòa kiên trung cam kết bầu cho Trump, tuyên bố.

Tác giả bài viết: Trí Dũng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok