Anh Trần Tuấn Anh (Đình Thôn, Mỹ Đình, Hà Nội) coi việc gắn bó với hoa lan như cái nghiệp và yêu lan đến mức đã từng đánh đổi tất cả vì nó. Anh không quản ngại khó khăn, tự mình lặn lội khắp chốn núi rừng xanh thẳm, sang cả nước bạn để học hỏi và sưu tầm từng giò lan. Chính vì lẽ đó nên giới chơi lan trong cả nước vẫn gọi anh với cái tên “Vua phong lan” hay “kẻ sĩ mê lan”.
Năm 1976, khi theo chân người họ hàng đến công trường của nhà máy xi măng Hoàng Thành, anh Tuấn Anh vô tình bắt gặp một giò lan nằm lăn lóc, lẫn trong đất cát. Tò mò, anh đem về trồng thử thì chẳng bao lâu sau, lan bắt đầu nở hoa rất đẹp. Mọi người đến chiêm ngưỡng hoa, ai cũng khen anh khéo léo và mát tay. “Mối nhân duyên giữa tôi và hoa lan cũng chính thức bắt đầu từ đó”, anh Tuấn Anh cho biết.
Những tháng ngày đi bộ đội, chỉ chờ hết giờ trực sở chỉ huy là anh lại cầm con dao quắm, trèo đèo, lội suối để đi tìm lan. Sau hơn 20 năm dày công, anh Tuấn Anh giờ đã sở hữu cả một gia tài lớn. Anh không thể thống kê hết số lan có ở trong vườn, nhưng ước tính có khoảng 400 loài với rất nhiều cây quý hiếm, khó tìm. “Ông vua lan” bày tỏ, nếu sau này có thể mua được mảnh đất rộng cả ha thì sẵn sàng sưu tầm đủ tất cả các loài có trên Thế giới.
Cũng chính vì trót say đắm “nàng lan” nên anh Tuấn Anh đã phải đánh đổi rất nhiều thứ. “Tôi cứ ham mê đến mức có bao nhiêu tiền lại dồn sạch cho lan, thậm chí đánh đổi cả nhà, cả cửa. Hai người vợ trước cũng chỉ đi được với tôi đoạn đường đầu, nhưng rốt cuộc không thể song hành trọn vẹn. Nhiều lúc tôi tự hỏi, không biết mình có sai lầm không vì chưa quan tâm gia đình đúng mực, nhưng tôi sẵn sàng nghèo nữa để thực hiện công việc này”, anh chia sẻ.
“Có những giò lan quý hiếm, người không biết thì nghĩ chỉ như đồ bỏ đi, nhưng nếu có chút am hiểu thì sẽ không ngớt trầm trồ trước báu vật ngàn năm có một. Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là đã tự mình khám phá và phát hiện ra vài loài hoa mới được Thế giới công nhận, trong đó có 3,4 loài mang tên của chính mình”.
Hiện tại, giò lan tai trâu trong khu vườn của anh đang nở hoa khá đẹp. Theo anh Tuấn Anh cho biết, cây lan này được mua cả gốc từ trong Bình Thuận với giá khoảng 1000 USD. Khi có người hỏi mua, tùy vào chất lượng của hoa mà chủ nhân sẽ định giá, trung bình dao động trong khoảng 40 – 50 triệu đồng hoặc hơn.
“Có thể khách hỏi cùng 1 loài lan nhưng giá bán sẽ có sự chênh lệch. Thông thường, tôi sẽ dựa trên sự phán đoán chất lượng hoa mà định giá. Chính vì vậy mà có những chậu địa lan chỉ vài trăm nghìn, nhưng có chậu lên đến cả chục triệu. Với loài quý hiếm, nếu có khách nước ngoài muốn hỏi mua đem về nhân giống thì giá bán lên đến cả trăm triệu đồng”, ông vua lan khẳng định.
Anh Tuấn Anh cũng không quên kể về một cây lan khá lạ được mua từ Lào. Dù đã 15 năm trôi qua nhưng cây chưa một lần nở hoa, mặc cho anh đã thử đủ mọi cách, cho cây sống ở đủ môi trường. Lá của cây vẫn phát triển xanh và tốt, hình dáng đẹp nhưng anh Tuấn Anh chưa thể xác định được tên gọi của loài này.
Ở góc vườn, anh dành riêng một khu đất rộng khoảng 30m2 cho các chậu lan quý hiếm hoặc bị đột biến, có giá bán rất đắt đỏ. Khu vực này được che chắn, rào kín, lắp đặt camera khá cẩn thận. Những chậu lan tuy chỉ bé bằng bàn tay nhưng lại được chủ nhân định giá lên đến cả chục, cả trăm triệu đồng.
“Đây là một cây lai giữa cây hài mốc với cây hài giáp. Quá trình này diễn ra hoàn toàn trong tự nhiên nên cây rất quý. Theo ước tính, cả khu vườn có tổng trị giá khoảng 1 tỷ đồng”, anh Tuấn Anh cho biết.
“Ông vua lan” tự nhận xét rằng, cách sống của mình khá “quái dị”. Trên mảnh đất rộng 3000m2, anh chỉ dành khoảng 15 – 20m2 để dựng cho mình một căn gác nhỏ. Vật dụng sinh hoạt chẳng có gì đáng giá, không “ăn nhập” với nhau nhưng lại rất hợp với khung cảnh nơi đây. Thậm chí cho tới giờ, anh vẫn rất thích đun nấu bằng bếp củi.
Trong “tổ chim” của anh Tuấn Anh có rất nhiều sách, hầu hết là những tài liệu về lan trên thế giới. Tất cả đều được anh cố công mua về tìm hiểu dù giá thành có lên đến vài trăm đô. Bên cạnh đó, “ông vua lan đất Hà Thành” cũng có sở thích thưởng trà và đặc biệt ưa chuộng các loại trà đặt riêng từ Tây Côn Lĩnh, Tà Xùa,…
Anh Tuấn Anh tiết lộ thêm, ngôi nhà của anh là nơi tụ họp thường xuyên của những người yêu hoa lan, là địa chỉ thân thuộc của nhiều nghiên cứu sinh hay các chuyên gia về hoa lan trong nước và quốc tế.
Tác giả: Hoàng Ngọc
Nguồn tin: Báo Dân trí