Giếng Ngọc lớn nhất Việt Nam nằm dưới chân núi chùa Bái Đính cổ (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Theo sử cũ ghi lại, giếng có cách đây khoảng 1.000 năm.
Xưa kia không ai biết đến, thiền sư Nguyễn Minh Không (người sáng lập chùa Bái Đính) được thần linh báo mộng có nguồn nước quý dưới chân núi gần chùa. Sau đó, ngài đã lấy nước giếng để sắc thuốc chữa bệnh cho dân.
Ngày nay, khi chùa Bái Đính cổ và mới được tôn tạo và xây dựng, giếng Ngọc cũng được cho tu sửa lại. Hiện giếng có hình mặt nguyệt, đường kính rộng gần 30m, độ sâu khoảng 6m. Xung quanh miệng giếng được xây bằng đá núi Đính.
Khuôn viên quanh giếng được xây dựng hình vuông có diện tích lên đến 6.000m2, bốn góc là 4 lầu bát giác. Cảnh quan xung quanh được trồng cây xanh bóng mát. Để đến được giếng, phải đi qua một cổng đá rất đẹp.
Nước giếng Ngọc quanh năm trong xanh, mát lành, uống vào dễ chịu. Kỳ lạ là từ xưa đến nay giếng không bao giờ cạn nước (cho dù trước kia chỉ là một giếng đất nhỏ). Nước giếng hàng năm vẫn được dùng để làm nước cũng lễ ở chùa.
Được biết, trong quá trình xây dựng chùa Bái Đính mới – ngôi chùa lớn nhất Việt Nam với nhiều kỷ lục Châu Á, Đông Nam Á và Việt Nam; hàng trăm công nhân, kỹ sư, người lao động đều dùng nước giếng để sinh hoạt, nấu ăn, tắm giặt, trộn bê tông… nhưng cứ dùng đến đâu nước giếng lại đầy lên đến đó, không bao giờ cạn nước.
Vì giếng Ngọc không bao giờ cạn nên người dân địa phương thường gọi đây là “giếng thần” hay “mắt rồng”. Vào mùa lễ hội chùa Bái Đính đầu năm âm lịch, hàng nghìn người đổ về đây chiêm bái, tham quan lễ chùa đã đến Giếng Ngọc xin nước về sử dụng để cầu bình an và may mắn.
Vào tháng 12/2007, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã cấp bằng xác nhận kỷ lục “Ngôi chùa có giếng lớn nhất Việt Nam” (Giếng Ngọc – chùa Bái Đính).
Tác giả: Thái Bá
Nguồn tin: Báo Dân trí