Du lịch

Chiêm bái chùa Trấn Quốc - "đài sen" thiêng bên sóng nước Tây Hồ

Như một đảo ngọc xanh nằm soi bóng xuống Hồ Tây, chùa Trấn Quốc - ngôi chùa cổ nhất Hà Nội với trên 1.500 năm tuổi đã lọt vào danh sách 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do báo Daily Mail (Anh) bình chọn. Trấn Quốc cổ tự cũng lọt vào top đầu về những ngôi chùa ở Việt Nam có lượng khách tham quan, đi lễ nhiều nhất.

Nằm bên Hồ Tây mênh mang sóng nước có một ngôi chùa được xem là một trong những chốn cửa Phật linh thiêng không chỉ bởi địa thế mà còn bởi lịch sử gắn liền với dân tộc, với Phật giáo Thăng Long - Hà Nội.

Con đường tuyệt đẹp dẫn vào cổng chùa Trấn Quốc

Ai đến tham quan cũng đều rất ngạc nhiên trước không gian tĩnh lặng, vẻ đẹp nên thơ của “đóa sen” nổi trên mặt nước hồ Tây. Kết hợp hài hòa giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mông, chùa được coi là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và thời Trần.

Chùa Trấn Quốc toạ lạc trên Hồ Tây phong cảnh thanh tịnh, cổ kính và nên thơ

Trấn Quốc tự xưa thường là nơi các vua chúa ngự giá đến vãn cảnh và cúng lễ vào những ngày sóc, vọng, lễ Tết. Đặc biệt vào thời Lý và thời Trần, nhiều cung điện đã được xây dựng tại đây như cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên phục vụ cho việc nghỉ ngơi, thư giãn của nhà vua.

Các đời chúa Trịnh đã biến nơi đây thành hành cung (nơi ở của vua chúa khi đi chơi). Sau khi chúa Trịnh bị diệt, vua Lê Chiêu Thống hạ lệnh đốt hết những nơi chúa Trịnh đã ở. Nhờ sự bảo vệ của dân trong phường nên lính của vua Lê chỉ đốt những phòng dựng trên bè nổi quanh chùa do chúa Trịnh làm cho hoạn quan và cung nữ, còn chùa vẫn giữ được nguyên vẹn.

Cây bồ đề huyền thoại trong sân chùa Trấn Quốc được mang về từ Ấn Độ

Với lịch sử xây dựng trên nghìn năm, nơi kinh đô của Phật giáo trong thời kì Lý - Trần, chùa Trấn Quốc được xem là danh thắng chốn Kinh kì xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay.

Giống hầu hết những ngôi chùa khác ở Việt Nam, chùa Trấn Quốc được xây dựng theo trình tự và nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Chùa gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công (工).
Chùa được thiết kế theo hướng Tiền đường hướng về phía Tây. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính.

Vườn tháp cổ trong khuôn viên chùa

Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Trong chùa hiện nay đang lưu giữ 14 tấm bia. Trên bia khắc năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích ghi lại việc tu sửa lại chùa sau một thời gian dài đổ nát. Công việc này bắt đầu vào năm 1813 và kết thúc vào năm 1815.

Điểm nhấn tạo nên nét riêng cho chùa Trấn Quốc chính là vườn tháp với nhiều tháp cổ từ thế kỷ 18. Nổi bật là tòa Bảo Tháp lục độ đài sen, được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý.

Vẻ đẹp linh thiêng, huyền bí của chùa vào ban đêm

Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý. Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ tặng khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.Sự đối xứng đó được hiểu rằng: Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp.

Đánh giá cao những giá trị lịch sử, tôn giáo cũng như cảnh quan ngôi chùa, viện Viễn Đông Bác Cổ đã từng xếp chùa Trấn Quốc là công trình lịch sử thứ 10 trong toàn sứ Đông Dương. Đến năm 1962, nhà nước xếp hạng chùa là di tích lịch sử Quốc gia thu hút rất đông khách đến lễ Phật, tham quan.

Ngôi chùa được trùng tu gần đây nhất vào năm 2010 để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ 6 tổ chức tại Việt Nam vào 11/2010.

Trong tương lai, nhà chùa sẽ tiếp tục là nơi dành cho các phật tử và các sư tu học, thúc đẩy Phật giáo phát triển đồng hành cùng với dân tộc, đồng hành cùng đất nước tiến lên hội nhập quốc tế.

Tác giả: Quang Thuận

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok