Trong nước

Chiếc Honda 67 và điệp vụ phá kho bom ở phi trường Đà Nẵng

Vào một ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến thăm gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang Võ Văn Minh (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) và được nghe kể chuyện ông dùng xe Honda 67 chở 8 kg thuốc nổ C4 cùng kíp nổ để phá hủy kho bom sân bay Đà Nẵng vào ngày 29/11/1974 như thế nào.

Bà Huỳnh Thị Hạnh (vợ của ông Võ Văn Minh) bên bằng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của chồng. Ảnh: VGP/Thế Phong

Chiến công của ông là một dấu son chói lọi trong hàng loạt chiến công của biệt động thành Đà Nẵng, làm tê liệt sân bay Đà Nẵng trong 1 tháng, cổ vũ mạnh mẽ cho quân ta giành thắng lợi to lớn trong chiến dịch Đông Xuân 1974-1975.

Ông Võ Văn Minh sinh năm 1952, quê quán xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình giàu truyền thống đấu tranh cách mạng.

Năm 1970, khi vừa tròn 18 tuổi, ông bị quân đội Sài Gòn bắt đi lính, phục vụ ở sân bay Đà Nẵng với cấp bậc hạ sĩ không quân, phân đoàn đạn dược, bảo vệ kho bom đạn ở sân bay.

Hằng ngày, chứng kiến máy bay quân sự chở nhiều bom, đạn ở sân bay Đà Nẵng giết hại đồng bào mình, ông tự nhủ phải làm gì đó để ngăn cản tội ác này.

Năm 1972, ông Minh chủ động liên lạc với cơ sở cách mạng của ta ở Đà Nẵng, mà trực tiếp là các đồng chí biệt động thành quận Nhất (nay là quận Hải Châu) để làm “tay trong” của cách mạng, tìm cách phá hủy kho bom đạn của địch.

Sân bay Đà Nẵng là một trong những căn cứ quan trọng của khu liên hợp quân sự lớn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Nơi đây đã cung cấp bom, đạn cho không quân Việt Nam Cộng hòa đi đánh các nơi mà lực lượng cách mạng làm chủ. Vì vậy, Thường vụ Khu ủy và Quân Khu ủy 5 coi đây là mục tiêu cần được phá hủy để tạo điều kiện cho quân ta giành thắng lợi trong chiến dịch Đông Xuân 1974-1975.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tháng 8/1974, trên căn gác gỗ số nhà 3/4 đường Hùng Vương (phố Vĩnh An-Vĩnh Trung), các đồng chí Nguyễn Ngọc Nhĩ, Phan Văn Thành là chiến sĩ biệt động thành đã họp với hạ sĩ không quân Võ Văn Minh bàn việc cấp bách là đánh kho bom đạn trong sân bay Đà Nẵng.

Sau khi thống nhất chủ trương, ông Minh xin nghỉ phép 3 ngày để trốn ra vùng căn cứ cách mạng (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) học cách sử dụng kíp nổ, đặt thuốc nổ C4. Hết thời gian nghỉ phép, ông trở về làm việc bình thường tại sân bay Đà Nẵng.

Tháng 9/1974, cơ sở cách mạng chỉ đạo giao liên Phan Thị Thuận bí mật chở 8 kg thuốc nổ C4 và 10 kíp nổ từ Điện Bàn ra Đà Nẵng giao cho ông Minh.

Sau khi tiếp nhận thuốc và kíp nổ, hằng ngày đi làm, ông bí mật cho một ít thuốc nổ vào trong hộp bên trái xe Honda 67 để đưa vào sân bay. Sau 3 tháng liên tục, ông đã vận chuyển hết số thuốc nổ C4 cũng như kíp nổ và giấu kỹ trong sân bay.

Đêm trước khi xảy ra vụ nổ, ông Minh hoá trang, xoa thuốc chống hơi tránh chó Berger phát hiện, mang 8 kg thuốc nổ C4 và kíp nổ bò ngược gió men theo đường cống thoát nước tiếp cận mục tiêu.

Vào 5h30’ ngày 29/11/1974, ông đặt xong 4 quả mìn và kíp nổ chậm vào vị trí trung tâm 4 kho bom cỡ lớn của địch, ấn định khai hỏa lúc 7h30’ - đây cũng là thời điểm tập hợp điểm danh quân số của Sư đoàn 1 không quân Việt Nam Cộng hòa. Biết nguy hiểm đến tính mạng, nhưng để tránh bị lộ, ông Minh vẫn có mặt điểm danh như thường lệ.

Chiếc xe Honda 67 ông Minh dùng để chở thuốc nổ đánh kho bom sân bay Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Thế Phong

Tuy nhiên, do trục trặc, đến 8h quả mìn đầu tiên vẫn chưa phát hoả. Đến 9h, phân đoàn đạn dược được nghỉ giải lao, ông Minh ra câu lạc bộ gọi ly cà phê, cố nghĩ cách thu hồi thuốc nổ và kíp nổ để tránh bị lộ. Trong lúc này, cơ sở cách mạng tại Điện Bàn vẫn nóng lòng theo dõi diễn biến của vụ đánh bom; lo sự việc bất thành, ông Minh bị phát hiện thì khó bảo toàn tính mạng.

Bất ngờ, đến 9h30’ một tiếng nổ lớn vang lên từ kho bom đạn ở sân bay Đà Nẵng, làm rung chuyển cả sân bay và một góc Đà Nẵng. Ông Minh bị hất văng ra khỏi chiếc ghế đang ngồi và sau đó lẩn trong đám lính phân đoàn đạn dược cũng như toàn bộ quân ở sân bay hốt hoảng bỏ chạy lên phía bắc.

Ba kho bom cháy nổ liên tục 3 ngày đêm. Hai đường băng của sân bay bị mảnh bom cày phá. Xe cứu thương, xe chữa cháy đến cứu chữa cũng bị cháy theo. Toàn bộ hoạt động của sân bay ngưng trệ, gây tổn thất nặng nề cho chính quyền Sài Gòn.

Theo thống kê, điệp vụ của ông Võ Văn Minh và đồng đội đã phá hủy 20.000 quả bom, đạn đại liên và rốc két, trong đó có hàng nghìn quả bom từ 250-1.000 kg; 2 đường băng sân bay, 4 máy bay CH47, 7 xe cứu thương và xe chữa cháy...

Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, báo chí phương Tây và Sài Gòn liên tục loan tin, bình luận, đặt ra các nghi vấn về vụ nổ này, nhưng không thể tìm ra câu trả lời. Cũng như binh lính phân đoàn đạn dược của Sư đoàn 1 không quân Việt Nam Cộng hòa, ông Võ Văn Minh bị bắt và thẩm vấn nhiều ngày. Song đối phương không thể tìm ra bằng chứng, nên cho ông về làm việc lại sau một tháng giam giữ.

Ba ngày sau chiến công ấy, ở căn cứ cách mạng, đồng đội của ông Minh đã nhận giúp ông Huân chương Chiến công hạng Nhất do Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng.

Do chưa bị lộ, ông Minh vẫn tiếp tục giữ thế hợp pháp làm việc tại sân bay cho đến ngày giải phóng Đà Nẵng 29/3/1975. Khi quân ta tiến vào, ông tham gia trong Ủy ban bảo vệ sân bay Đà Nẵng.

Tháng 4/1997 (lúc 47 tuổi), ông Võ Văn Minh qua đời do bệnh nặng.

Tấm gương và phẩm chất anh hùng của ông Võ Văn Minh luôn được chính quyền, nhân dân địa phương cũng như các chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng tự hào. Ngày 23/2/2010, ông đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chiếc xe Honda 67 của người anh hùng Võ Văn Minh dùng để chở thuốc nổ đánh phá kho bom sân bay Đà Nẵng được gia đình giữ gìn hơn 40 năm qua. Mới đây, gia đình quyết định trao tặng kỷ vật quý giá này cho Bảo tàng Khu 5 để trưng bày, nhằm giới thiệu, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh anh dũng, không ngại gian khổ và hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tác giả: Thế Phong

Nguồn: Báo Chính phủ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok