VietNamNet trao đổi với ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) về câu chuyện bổ sung bằng cấp, chứng chỉ của hàng triệu công chức, viên chức đã và đang thực hiện trong thời gian gần đây.
Các chứng chỉ không có tội gì cả
Không chỉ câu chuyện yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong việc xếp hạng giáo viên đang được dư luận quan tâm mà vừa qua còn xuất hiện câu chuyện hàng triệu viên chức của nhiều ngành nghề khác cũng ồ ạt đi thi, đi học để bổ sung các loại chứng chỉ vào hồ sơ của mình theo yêu cầu của các bộ chuyên ngành. Việc này, được hiểu như thế nào, thưa ông?
Tôi khẳng định luôn trong Luật Viên chức không quy định chứng chỉ là tiêu chuẩn mà chỉ yêu cầu phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp khi tuyển dụng. Như vậy không có vấn đề gì vướng mắc ở luật với câu chuyện quy định yêu cầu hay không yêu cầu chứng chỉ của các bộ ngành.
Ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ). Ảnh: H.T |
Nhưng ở đâu cũng thế, làm bất kể việc gì cũng phải có những tiêu chí, tiêu chuẩn. Muốn vào công tác ở một vị trí nào thì phải có một tiêu chuẩn nhất định.
Ví dụ như công chức nhà nước thì bắt buộc ngạch chuyên viên phải là đại học trở lên. Đối với một số ngành nghề thì người ta yêu cầu còn cao hơn như giảng viên đại học thì đương nhiên phải là tiến sĩ, thạc sĩ, không thể nào lấy người có bằng cử nhân đi dạy cử nhân được. Đấy là những tiêu chuẩn rất cụ thể của từng ngành nghề cụ thể.
Còn hồ sơ của viên chức, ngay từ đầu khi tuyển dụng, viên chức đã phải đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết. Việc này Luật Viên chức quy định phải “có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm”.
Khi các bộ chuyên ngành yêu cầu tuyển viên chức và từng vị trí một có những yêu cầu khác nhau và phải có những bằng cấp, chứng chỉ gì kèm theo.
Chẳng hạn như cùng bác sĩ nhưng bác sĩ nhưng chuyên ngành khác nhau thì yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ khác nhau. Còn câu hỏi cụ thể vì sao có việc giáo viên ồ ạt đi thi, đi học để bổ sung các loại chứng chỉ thì tôi khẳng định không phải là quy định vướng trong Luật Viên chức. Cái này chắc chắn có nguyên nhân và nên chờ giải thích của bộ quản lý chuyên ngành.
Qua thực tiễn làm công tác tham mưu cho bộ về quản lý viên chức, ông thấy các văn bằng, chứng chỉ mà ngành này ngành kia yêu cầu hiện nay có đáp ứng được các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như Luật Viên chức đặt ra?
Để trả lời câu hỏi này thì phải nắm rất chắc về chương trình đào tạo, về nhu cầu của từng vị trí việc làm, nhu cầu của từng ngạch... Có những chứng chỉ chính là thể hiện đã đạt tiêu chuẩn, có những chứng chỉ nếu không gắn với tiêu chuẩn của ngành nghề đó thì không thể hiện đúng bản chất.
Ví dụ một bác sĩ không phải cứ ra trường là được mổ ngay, mà phải qua bao nhiêu giờ phụ mổ, bao nhiêu giờ làm công tác chuyên môn liên quan trực tiếp đến hoạt động nghề nghiệp của mình. Và chứng chỉ hành nghề y là chứng chỉ xác nhận cho một con người cụ thể đã hoàn thành yêu cầu đó. Khi đó, chứng chỉ đó chính là chứng chỉ đã đáp ứng tiêu chuẩn, và quy định tiêu chuẩn phải bắt buộc phải có chứng chỉ trong trường hợp này là hợp lý.
Bản thân các tiêu chí, tiêu chuẩn chắc chắn là cần thiết, các chứng chỉ không có tội gì cả nhưng cần chứng chỉ gì, nhu cầu đến đâu và mối liên hệ giữa chứng chỉ với tiêu chuẩn như thế nào thì tùy vào trường hợp cụ thể.
Bộ ngành phải rà lại tiêu chuẩn đối với từng chức danh nghề nghiệp
Vừa rồi, Luật Viên chức sửa đổi đã có một bước tiến là bỏ chế độ “viên chức suốt đời” chuyển sang chế độ hợp đồng. Vì vậy có ý kiến cho rằng, chỉ nên quy định yêu cầu những văn bằng, chứng chỉ cơ bản còn lại hãy trao quyền tự chủ cho người đứng đầu trực tiếp sử dụng lao động thỏa thuận với viên chức về câu chuyện bằng cấp, chứng chỉ?
Đấy cũng là một ý kiến cần nghiên cứu. Hoạt động của viên chức là hoạt động nghề nghiệp, quan trọng nhất là làm sao họ có đủ năng lực, trình độ để thực hiện công việc nghề nghiệp của mình. Bằng cấp hay chứng chỉ cũng đều phải gắn với việc thực hiện sao cho thật tốt nhất hoạt động nghề nghiệp của họ.
Tuy nhiên, nói gì thì cũng phải có yêu cầu đảm bảo được một mặt bằng chung. Chẳng hạn như cùng là cấp phổ thông thì không thể nói, yêu cầu giáo viên chỗ này thì khác chỗ kia theo quy định của hiệu trưởng từng trường được.
Nhưng việc chứng chỉ có phản ánh đúng thực trạng năng lực hay không thì lại là một câu chuyện khác. Quan trọng nhất là xây dựng những bộ tiêu chuẩn, chuẩn mực và làm sao cứ ai đạt được tiêu chuẩn này thì được vào dạy, bao nhiêu năm thì được thăng hạng, mỗi hạng có yêu cầu khắt khe hơn.
Như luật sư, công chứng viên hay một số ngành nghề khác họ đưa ra yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề có bị phản ứng đâu, vì cái chứng chỉ đó đúng là cần thiết và là điều kiện bắt buộc để họ được hành nghề, nó gắn với hoạt động nghề nghiệp của họ.
Để câu chuyện văn bằng, chứng chỉ đi vào thực chất, tránh tình trạng “làm đẹp hồ sơ” viên chức, theo ông cần phải có giải pháp gì?
Theo tôi, từng bộ ngành phải rà lại tiêu chuẩn đối với từng chức danh nghề nghiệp và trong từng chức danh nghề nghiệp phải rà lại tiêu chuẩn tương xứng với từng hạng chức danh nghề nghiệp. Căn cứ vào đó cần rà soát lại toàn bộ chương trình đào tạo, bồi dưỡng để tránh trùng lắp.
Nếu chứng chỉ bồi dưỡng, chương trình bồi dưỡng đúng với nhu cầu của viên chức, không được bồi dưỡng thì không đạt được trình độ, tiêu chuẩn của hạng chức danh và không được thực hiện một số nhiệm vụ ở mức độ yêu cầu cao hơn thì tôi nghĩ sẽ đi vào thực chất.
Hiện các bộ ngành đều có hệ thống về vị trí việc làm và các chức danh nghề nghiệp. Vì vậy, việc rà soát rồi hệ thống lại là hoàn toàn có thể làm được để đưa ra những yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ phù hợp với tiêu chuẩn của từng ngành, nghề.
Ngoài ra, phải xem bản thân viên chức ngành đó cần những gì để có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ cho họ đáp ứng công việc đặt ra.
Chứng chỉ bản thân nó không có tội tình gì cả, quan trọng là nội dung bên trong chương trình bồi dưỡng cái gì, có đáp ứng được cho đúng hoạt động nghề nghiệp hay không và phải xuất phát từ nhu cầu của viên chức đó không.
Sắp bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhiều lần cam kết trước Quốc hội kiên quyết loại bỏ những văn bằng, chứng chỉ không phù hợp như chứng chỉ ngoại ngữ, tin học... Vậy đến nay, Bộ Nội vụ đã hiện thực cam kết của Bộ trưởng như thế nào?
Theo chức năng quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ quản lý về ngạch công chức hành chính nhà nước liên quan đến các tiêu chuẩn của các ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp.
Trước đây quy định ở các thông tư 05, 13 về tiêu chí bắt buộc ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Khi quy định này đi vào thực tế khá rườm rà cho đội ngũ công chức, vì không phải mọi vị trí đều cần một chứng chỉ như nhau.
Vì vậy, Bộ đang sửa thông tư theo hướng bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Tuy nhiên, đặt ngược lại vấn đề, không phải không quy định về chứng chỉ thì hạ thấp yêu cầu về nâng cao trình độ ngoại ngữ và tin học.
Trong dự thảo thông tư sửa đổi mà Bộ Nội vụ sắp ban hành vẫn quy định, phải có trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng vị trí việc làm. Quan trọng nhất là tới đây các bộ, ngành, các địa phương sẽ xây dựng vị trí việc làm cần phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, tin học như thế nào.
Việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học là một yêu cầu và quan trọng nhất là xuất phát từ yêu cầu tự thân của mỗi người. Nếu không tự nâng cao thì họ sẽ không thực hiện được công việc và sẽ bị bỏ lại một khoảng cách rất xa. Vì vậy, không nên đưa ra một tiêu chí chung để áp dụng cho tất cả.
Tóm lại, bằng cấp, chứng chỉ là một nền tảng để đào tạo nhưng bằng cấp, chứng chỉ cũng không hoàn toàn phản ánh năng lực thực chất của mỗi người. “Chiếc áo không làm nên thầy tu” là vì thế, quan trọng nhất vẫn là năng lực thực chất của mỗi người ở mỗi ngành nghề.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet