Tài sản chia đôi, không có nghĩa là “hai phần bằng nhau”
Trước khi HĐXX bước vào phần nghị án kéo dài 3 ngày, phía ông Vũ yêu cầu được phân chia tài sản theo tỷ lệ 70-30. Phía bà Thảo sau nhiều lần đưa ra những đề nghị khác nhau, cuối cùng yêu cầu được phân chia tài sản, trong đó có cổ phần tại Trung Nguyên Legend, theo tỷ lệ 50-50.
Trong khi đó, Viện Kiểm sát nêu quan điểm xét đóng góp của hai người, đề nghị HĐXX xem xét phân chia tỷ lệ để đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của Trung Nguyên Legend và các công ty con.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo. |
Trao đổi với PV Infonet, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội – cho biết, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản chung của vợ, chồng gồm: Tài sản do vợ, chồng tạo ra; thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, những tài sản tranh chấp giữa vợ, chồng nhưng không có căn cứ để chứng mình là tài sản riêng của mỗi bên thì được coi là tài sản chung vợ chồng. Đối với tài sản chung, cả hai bên đều có quyền ngang nhau trong việc quản lý, sử dụng và định đoạt khối tài sản đó.
Về yêu cầu phân chia tài sản theo tỷ lệ 70-30 từ phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng là chia đôi - Chia làm hai phần, nhưng không có nghĩa là… hai phần bằng nhau.
“Pháp luật chỉ quy định là “tài sản chung vợ chồng chia đôi” nhưng không có quy định cứng là “chia làm hai phần bằng nhau”. Luật sư Cường nói.
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp. |
Hiện nay, việc chia tài sản chung vợ chồng căn cứ vào quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình, và hướng dẫn chi tiết tại Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP. Cụ thể việc chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn theo tỷ lệ nào phụ thuộc vào các yếu tố như sau:
Thứ nhất, hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng: được hiểu là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.
Thứ hai, công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung: được hiểu là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.
Thứ ba, bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập: được hiểu là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.
Thứ tư, yếu tố Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng: đây là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn. Ví dụ như người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.
“Trong vụ án giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tòa án sẽ căn cứ vào các yếu tố trên để làm căn cứ tính tỉ lệ phân chia sao cho phù hợp. Nếu bên ông Vũ và Luật sư của ông Vũ có đầy đủ các tài liệu, chứng cứ chứng minh rằng việc chia cho ông Vũ theo tỉ lệ 70/30 là phù hợp với các quy định pháp luật nêu trên thì tòa án mới có căn cứ để xem xét chấp nhận. Ngược lại, nếu bà Thảo muốn yêu cầu tỉ lệ chia cao hơn thì cũng phải chứng minh các yếu tố trên để tòa án xem xét trên cơ sở pháp luật.” Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Dù tỏ ra mệt mỏi nhưng ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn cho thấy ông rất "tỉnh" tại Tòa. |
Có 50%, bà Thảo có thể giành quyền lực tại Trung Nguyên?
Trong trường hợp giả sử HĐXX tuyên bà Thảo được hưởng 50% số cổ phần đang tranh chấp tại Trung Nguyên, có thể bà Thảo sẽ có thêm quyền lực tại Tập đoàn và có thể được bầu làm thành viên HĐQT, nhưng không dễ soán vị trí Chủ tịch HĐQT thay ông Vũ.
Khoản 1 Điều 152 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định Chủ tịch HĐQT: “Hội đồng quản trị bầu một thành viên của Hội đồng quản trị làm Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc công ty, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này và Điều lệ công ty, pháp luật về chứng khoán không có quy định khác.”
Như vậy, với tỷ lệ cổ phần là 50% vốn điều lệ, thì người đó có thể là cổ đông có số cổ phiếu cao nhất của công ty. Tuy nhiên, để bầu ra Chủ tịch Hội đồng quản trị không phải căn cứ vào tỷ lệ cổ phần.
“Để trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty, cần đáp ứng đủ các điều kiện để trở thành thành viên của Hội đồng quản trị. Tiếp theo, được lựa chọn là chủ tịch Hội đồng quản trị còn phụ thuộc vào số phiếu bầu của Hội đồng quản trị.” Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Tác giả: Hiền Anh
Nguồn tin: Báo Infonet