Đẹp

Chị em làm tóc diện Tết cần lưu tâm

Cận Tết, các tiệm làm tóc, spa chăm sóc sắc đẹp nhộn nhịp khách làm các dịch vụ uốn, sấy, phục hồi, tạo kiểu tóc; những mong có mái tóc thật đẹp và ưng ý nhất để đón Tết. Tuy nhiên, việc hấp, ủ tóc bằng máy cũng ẩn chứa những tai nạn rất khó lường.

Viện Bỏng quốc gia từng tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị Thu H, 17 tuổi, trú tại Hà Nội bị tai nạn do uốn tóc. Cô gái trẻ và gia đình không thể nghĩ rằng, món quà mừng năm mới của mẹ tặng con gái- là 1 buổi đi làm tóc tại tiệm lại khiến cô phải nhập viện trong tình huống dở khóc như vậy.

Được biết, khi đến tiệm làm tóc, H lựa chọn phương pháp uốn tóc sử dụng hơi- được chủ tiệm giới thiệu đang là xu hướng làm tóc thời thượng. Do hệ thống ống dẫn nhiệt bị thủng rất nhanh sau khi cắm điện nguồn nên ngồi uốn tóc được ít phút, H cảm thấy nóng rát vùng đầu. Thấy H kêu nóng, bà chủ đã bôi thuốc cho H một loại thuốc gì không rõ. 25 ngày sau, khi bôi thuốc cho con, mẹ H mới phát hiện tổn thương bỏng nặng hơn mình nghĩ khi ấn vào có nhiều mủ phía dưới vết thương. H lập tức được gia đình chuyển Viện Bỏng quốc gia với chẩn đoán: Bỏng nhiệt khô 2% độ IV vùng đầu tháng thứ 2.

Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt hoại tử và ghép da 2% vùng đầu. Tổn thương này hồi phục khá nhanh nhưng đã ảnh hưởng tới chức năng và thẩm mỹ do sẹo vùng đầu sau đó không mọc được tóc. Để khắc phục tình trạng trên, người nhà H sẽ phải trải qua nhiều can thiệp chuyên khoa đòi hỏi thời gian và chi phí điều trị. Như vậy là tóc đẹp đâu chưa thấy, nạn nhân phải gánh thương tích nặng; vừa khiến bản thân đau đớn; vừa khiến gia đình lo lắng, tốn kém.

Coi chừng tai nạn khi đi làm tóc

Coi chừng tai nạn khi đi làm tóc . Ảnh: L.N

Việc bị bỏng sâu vùng da đầu của Nguyễn Thị Thu H không phải là quá cá biệt bởi từng có không ít bệnh nhân nhập viện vì nguyên nhân bỏng da đầu, bỏng tai do đi làm tóc. Chị T.T.T 38 tuổi, trú tại TP HCM là một trong những bệnh nhân gặp tai nạn bất đắc dĩ đó. Trước khi nhập viện, chị T có đi hấp dầu tại một cửa hàng tóc. Sau khi hấp dầu xong, chị có cảm giác vành tai mình nóng rát sau đó thì sưng và đỏ lên. Sau 3 tuần vết bỏng trên đầu chị T không khỏi và có mủ nên phải nhập viện điều trị. Các bác sỹ xác định chị T bị bỏng sâu 1/2 vành tai bên trái. Trong đó, 1/3 vành tai đã bị hoại tử đen và phần hoại tử đen này phải cắt bỏ. Có thể, bệnh nhân bị bỏng do hóa chất hấp dầu ở nhiệt độ quá nóng chảy xuống vành tai.

Hay Nguyễn Thị S, 16 tuổi, trú tại Lâm Đồng cũng từng nhập viện điều trị do bỏng sâu vùng da đầu phía sau. Vùng bỏng có diện tích 5x10 cm và nguyên nhân được xác định do ống lô uốn tóc quá nóng. Sau 4 tuần tự chăm sóc vết bỏng tại nhà nhưng không khỏi, bệnh nhân này mới vào viện điều trị. Kết quả, các bác sĩ phải thực hiện phẫu thuật ghép mảng da đầu bị bỏng cho bệnh nhân vì tình trạng quá nặng.

Qua những tai nạn không mong muốn xảy ra khi đi làm đẹp cho mái tóc kể trên, các bác sỹ Viện Bỏng quốc gia đưa ra những lưu ý cho chị em khi đi làm tóc. Đó là, khi uốn, tạo kiểu tóc bằng máy, chị em cần cần chọn cơ sở uốn tóc và phương pháp uốn tóc đảm bảo an toàn cho bản thân. Cần chắc chắn người thợ uốn tóc kiểm soát tốt kỹ thuật cũng như tính năng của máy, đặc biệt những thông số như nhiệt độ, thời gian, khoảng cách và các biện pháp bảo hộ khác.

Mặt khác, cần biết rõ thuốc sử dụng uốn tóc, làm tóc. Trong quá trình uốn tóc, chị em nên ngừng ngay khi thấy có bất kỳ biểu hiện gì bất thường để phát hiện nguyên nhân và cần phải xem xét da đầu, tai một cách cẩn thận. Những vết thương do bị trầy xước hoặc viêm nhiễm trên da đầu, vành tai có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ. Trong trường hợp bị bỏng hoặc nghi bị bỏng, cần nhanh chóng tới cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn, chăm sóc và điều trị kịp thời; tránh những hậu quả đáng tiếc.

Tác giả: Nam Du

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok