Xã hội

Chi 10 triệu đồng/tháng thuê "bảo mẫu voi" cho voi nhà sắp sinh con

Trong suốt gần 30 năm qua, tại tỉnh Đắk Lắk chưa ghi nhận được trường hợp nào voi nhà sinh sản. Vì vậy, việc voi cái Ba Nang đang mang thai sắp sinh con vào cuối tháng 9 này là sự kiện đang rất được chờ đợi. Các chuyên gia đang chuẩn bị những bước quan trọng để chào đón chú voi con ra đời.

Voi nhà mang thai sau 30 năm

Theo số liệu của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, tình trạng voi nhà của tỉnh suy giảm nghiêm trọng, từ 502 con vào năm 1980, đến nay chỉ còn 44 con voi nhà, trong đó có 19 con voi đã hơn 40 tuổi không còn khả năng sinh sản.

Voi suy giảm vì nhiều nguyên nhân như: xung đột với voi rừng, phục vụ du lịch quá sức, tuổi già…

Voi Ba Nang đang ở trong những tháng cuối của thai kỳ (ảnh V.T)


Việc suốt 30 năm không có voi nhà sinh sản và voi chết dần dẫn đến việc voi nhà đứng trước nguy cơ có thể tuyệt chủng.

Năm 2016, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã triển khai và được cấp kinh phí thực hiện đề tài “Nghiên cứu khả năng sinh sản trên voi thuần dưỡng tại Đắk Lắk”, trong đó, chú trọng việc lấy mẫu máu voi cái để xác định chu kỳ động dục và thời gian rụng trứng rồi thông báo cho chủ voi biết, triển khai ghép cặp với voi đực giao phối để nâng cao khả năng đậu thai.

Sau một thời gian nghiên cứu, thông tin hết sức vui mừng cho công tác bảo tồn là voi cái Ban Nang (38 tuổi) ở Buôn M’Liệng (huyện Lắk) của chủ voi Y Mứ Bkrông đã mang thai.

Ngay sau khi mang thai, voi Ban Nang đã được dừng mọi công việc phục vụ du lịch, được tháo cởi bành to trên lưng.

Trung tâm bảo tồn voi đã phối hợp với Tổ chức Động vật Châu Á(AAF) cử bác sỹ thú y, các chuyên gia khám, tư vấn, chăm sóc, dương thai cho “nàng” voi.

Dự kiến voi Ban Nang sẽ sinh voi con vào cuối tháng 9 này và sẽ được sinh theo phương pháp tự nhiên.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho voi Ban Nang sinh con, Trung tâm bảo tồn voi đã chọn khu rừng thuộc khu 1341 (Ban quản lý Rừng Lịch sử - Văn hóa - Môi trường hồ Lắk quản lý), đây là khu rừng nằm cách xa khu dân cư có khí hậu ôn hòa với những hồ nước mát mẻ thuận tiện cho voi nghỉ dưỡng.

Thuê “bảo mẫu” chăm sóc voi

Trước nhu cầu tự nhiên của voi là sinh nở sẽ có sự hỗ trợ của đồng loại nên Trung tâm bảo tồn voi đã tìm hiểu về nguồn gốc của voi Ban Nang. Các nài voi địa phương cho biết, ngay từ bé voi Ban Nang đã mất mẹ và được voi cái H’Băn (55 tuổi) chăm sóc. Chính vì vậy cả 2 con voi đã rất thân thiết với nhau, cho đến khi voi Ban Nang trưởng thành thì voi H’Băn chuyển qua nơi khác sinh sống.

Qua đó, Trung tâm đã trao đổi với chủ voi H’Băn và “mạnh tay” chi 10 triệu đồng/tháng để thuê voi H’Băn (buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) về làm “bảo mẫu” cho voi Ban Nang sắp sinh con.

Để chuẩn bị cho voi sinh con, voi cái được thuê hẳn một “bảo mẫu” (ảnh V.T)


Từ tháng 7/2017, voi H’Băn về sống chung với Ba Nang, 2 con voi quấn quýt nhau không rời sau một thời gian dài xa cách. Cả 2 cùng ăn, cùng tắm, cùng vượt sông…

Các cán bộ của Trung tâm bảo tồn voi cùng chủ của các con voi theo dõi mọi hoạt động của voi nhằm có những phương án hỗ trợ tốt nhất cho “bà bầu” Ban Nang.

Ngày 29/8 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Trung tâm bảo tôn voi Đắk Lắk đã đại diện trao số tiền 171 triệu đồng cho ông Y Mứ Bkrông - chủ voi cái Ban Nang nhằm hỗ trợ cho các chủ voi yên tâm chăm sóc voi nhà sinh sản, góp phần vào công tác bảo tồn voi.

Chủ voi Y Mứ Bkrông được hỗ trợ 171 triệu đồng khi có voi nhà mang thai


Ông Vũ Văn Đông – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk - cho biết: “Sự kiện voi nhà sắp sinh sản sau 30 năm là một tín hiệu rất đáng mừng cho công tác bảo tồn voi của tỉnh nhà. Sở đã làm việc với Trung tâm bảo tồn voi và liên hệ với các chuyên gia thuộc Tổ chức Động vật Châu Á để chăm sóc voi cái Ban Nang nhất là trong thời điểm voi sắp sinh. Những thành quả bước đầu cho kết quả tốt nhưng sẽ vẫn phải theo dõi chặt chẽ quá trình sinh sản vì voi cái đang mang thai tuổi đã cao”.

Tác giả: Thúy Diễm

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok