Sau vụ việc gây xôn xao phóng viên VTV bị chém trong khi tác nghiệp việc sản xuất chè Thái Nguyên, nhiều người đặt câu hỏi, liệu quá trình sao tẩm, đánh mốc có an toàn. PV Infonet đã về khu vực này để tìm hiểu thực hư...
Máy quay để lấy hương chè
Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, nhiều người dân tại vùng chè Đại Từ, Thái Nguyên khẳng định không sử dụng hóa chất lạ cho vào chè.
Tuy nhiên, với những loại chè đắng, chát người ta có thể pha ít mì chính cho vào lúc sao chè hoặc lấy hương. Mục đích tạo ra vị ngọt.
Ông Nguyễn Hữu Hà, Trưởng công an Thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ, Thái Nguyên) xác nhận: “Tôi cũng có nghe nói có loại bột cốm cho vào để chè để xanh nhưng có ai làm láo mới cho vào, còn ở đây họ chỉ cho lá dứa thơm và mì chính nhưng ít thôi, cho 1 ít để khi uống chè ngọt đầu lưỡi, đó là chè ngon".
Bà Oanh cũng ở thị trấn Hùng Sơn cho biết, "thông thường với loại chè cũ, để lâu thì người ta thường cho thêm lá dứa, nếu chè đắng thì cho thêm một chút mỳ chính". "Mì chính cũng không độc hại gì nên người ta mới cho vào".
“Thông tin nói người làm chè cho hóa chất vào chè là thông tin thất thiệt, gây bức xúc cho chúng tôi”, bà Oanh nói.
Chia sẻ với PV Infonet, Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn khẳng định, địa phương kiên quyết xử lý nếu có tình trạng dùng hóa chất trong chế biến chè, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đến thương hiệu, cây mũi nhọn của địa phương.
“Nghi vấn dùng có hóa chất hay không phải đợi kết luận chính thức. Nếu có tình trạng dùng hóa chất, chúng tôi kiên quyết đấu tranh bằng được”, ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ, Thái Nguyên) nhấn mạnh.
Có hay không sự hiểu lầm "đánh mốc" chè?
Ở Đại Từ, Thái Nguyên, rất nhiều người dân bức xúc vì thông tin “nghi vấn dùng hóa chất trong quá trình đánh mốc chè” đã ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ chè của người dân địa phương.
Cụm từ “đánh mốc” có thể gây ra hiểu nhầm cho thương hiệu chè, người làm chè Thái Nguyên.
Với loại chè cũ, kém thơm, người dân sử dụng lá dứa thơm để sao cùng
Ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ, Thái Nguyên) cũng cho biết, từ “đánh mốc” là cách nói dân gian. Khi chè mới sơ chế chưa đủ độ giòn, chín nên cần có công đoạn tiếp là đánh mốc hoặc cách gọi khác là lên hương. Chè mộc lúc đầu có màu đen nhưng khi lên hương sẽ chuyển sang màu nhìn hơi trắng như mốc.
“Nhiều người băn khoăn liệu bà con có ướp chất gì không thì có thể họ ướp hoa nhài, sen, lá dứa thơm, có loại phải xay lá dứa lấy nước để lên hương”, ông Tiến cho hay.
Bà Nguyễn Thị Hào, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ, Thái Nguyên) cũng khẳng định, việc sử dụng lá dứa thơm chỉ với trường hợp chè kém thơm thì họ mới dùng.
“Chẳng ai cho chất gì vào chè cả vì sẽ làm mất đi mùi thơm của chè. Thi thoảng ai có nhu cầu, thích thì người ta cho nắm lá dứa thơm vào sao cùng”, bà Hào nói.
Bà Hào cho biết công đoạn đánh mốc chè yêu cầu lửa phải đều, đảo sấy liên tục khoảng 15- 30 phút, lúc nào chè xoăn lại, sờ vào nắm chè bóp giòn tan và ngửi có mùi thơm là chuẩn.
Tác giả bài viết: Nhóm Phóng viên