Cháy nổ xe khách |
Hàng loạt những vụ cháy ô tô
Gần đây nhất, trưa ngày 20/6, một ô tô chở khách đang di chuyển theo hướng Hà Nội -Thanh Hóa, đến cầu Nguyệt Viên, thành phố Thanh Hóa thì bất ngờ phát sinh lửa cháy trên xe. Người điều khiển vội dừng phương tiện cho hành khách, lái xe, phụ xe thoát ra ngoài.
Nhận được tin báo cháy, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an Thanh Hoá… đã nhanh chóng đến hiện trường triển khai chữa cháy. Mặc dù vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng chiếc xe ô tô khách bị hư hỏng nặng.
Cũng khoảng 19h30 cùng ngày trên đường vành đai 3 trên cao đoạn gần Công viên Yên Sở (quận Hoàng Mai) ô tô khách 45 chỗ BKS 29B-090.13 cũng bất ngờ bốc cháy. Ngọn lửa bốc nhanh đã thiêu rụi toàn bộ chiếc xe. Được biết, vào thời điểm xảy ra cháy tài xế đi sửa xe và trên xe không có người.
Tương tự, cũng liên quan đến cháy xe khách, vào ngày 18/6, chiếc xe khách BKS 29B-619.24 đang di chuyển trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai thì phát hiện có khói bốc ra. Lúc này, trên xe có 11 người. Tài xế cho xe tấp vào lề đường để mọi người xuống xe. Vụ cháy không có thiệt hại về người, tuy nhiên, chiếc xe khách Sao Việt bị cháy rụi hoàn toàn.
Một trường hợp khác, vào 14h chiều 31/5, một chiếc ô tô đang trên chạy trên tỉnh lộ 454, theo hướng từ huyện Hưng Hà đi TP Thái Bình. Khi đến chân cầu Tịnh Xuyên (thuộc địa phận xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư), ngọn lửa bất ngờ bốc lên từ phía sau xe, sau đó nhanh chóng cháy lan ra toàn bộ xe.
Do trời nắng nóng, nhiệt độ cao, ngọn lửa càng lúc càng bùng phát dữ dội. Rất may, hai người ngồi trong xe (một nam, một nữ) kịp thời thoát ra ngoài. Theo người dân có mặt tại hiện trường, nguyên nhân khiến chiếc ô tô bốc cháy có thể là do xe cuốn rơm rạ do người dân phơi trên đường vào dưới gầm xe rồi gây hỏa hoạn.
Nhìn lại các vụ cháy ô tô trên, có thể thấy những vụ việc này đều xảy ra trong thời điểm tình hình nắng nóng kéo dài, xảy ra trên diện rộng và trên khắp cả nước. Điều này cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các tài xế.
Nguyên nhân do đâu?
Trao đổi với báo chí về nguyên nhân dẫn đến cháy nổ ô tô, ông Bùi Đình Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP HCM cho biết: “Một xe khách và xe vận tải đều chạy đường dài nhưng xe khách lại có khả năng gây cháy, nổ cao hơn. Lý do là xe khách có vận chuyển thêm hành lý, có khi vận chuyển cả xe máy dưới hầm xe. Trường hợp xe khách vận chuyển xe máy nhưng chưa rút hết xăng, làm đổ xăng ra ngoài cũng có thể là nguyên nhân chính dẫn đến cháy, nổ. Ngoài ra, chập điện cũng là nguyên nhân gây cháy, nổ”.
Còn chuyên gia ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng thì cho rằng không những đối với ô tô, xe khách mà các loại xe nói chung (chạy bằng xăng, dầu) cũng dễ phát cháy nếu bị nhỏ nhớt ở bộ phận ống xả. Ông Đồng phân tích thêm, khi xe đang vận hành, gầm máy bị nóng, nhiều vị trí nóng lên đến 800-1.000 độ C (tùy theo vận tốc chạy hay khi lên dốc).
Trong khi đó, nhiều xe sử dụng tubor không đúng quy định của nhà sản xuất, mà các loại xe ở Việt Nam người dùng không chú trọng đến bộ phận này. Người dùng chỉ quan tâm rằng khi tubor bị chảy nhớt thì tháo ra và đi sửa mà không quan tâm đến việc thay thế này có đảm bảo an toàn hay không. Trong khi ở nước ngoài các tài xế rất quan tâm đến việc cân bằng tubor.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, nguyên nhân thường gặp nhất đó là hệ thống điện trên chiếc xe bị chập, chất lượng dây điện kém dẫn đến chiếc xe có thể bốc cháy. Để dây điện không gây ra tia lửa điện thì quan trọng nhất là vỏ dây. Vỏ dây sử dụng trong ô tô đảm bảo chất lượng thì phải có khả năng chịu được va đập và không bị xăng, dầu ăn mòn.
Tiếp đến đó là rò rỉ xăng, hiện tượng này không hiếm, thậm chí còn xảy ra ở cả xe máy. Bởi lẽ khi xăng bị rò rỉ, chúng sẽ bay hơi trong không khí. Nếu xe đang di chuyển thì có thể gặp phải sự xuất hiện của tia lửa điện. Điều này rất có thể dễ dàng gây ra cháy nổ. Lý do khiến xăng bị rò rỉ chủ yếu là bởi vòng đệm của vòi phun bị lỗi, chức năng không còn đảm bảo khiến xăng thoát ra ngoài.
Thêm nữa, một nguyên nhân khiến ô tô cháy nổ tại Việt Nam mà ít người có thể ngờ tới xuất phát từ những túi nilon được vứt một cách bừa bãi ra đường. Nếu xe vô tình chạy ngang, túi nilon bị cuốn vào gầm máy, khi gặp nhiệt độ cao rất dễ bị nóng chảy và bắt cháy.
Ngoài ra, một số nguyên nhân chủ quan có thể kể đến như nhiều chủ xe hiện nay thường có thói quen độ xe, lắp đặt thêm nhiều hệ thống đèn, điện. Trong khi đó các chủ xe lại sử dụng dây điện không chuyên dụng, những mối nối không kín rất dễ gây ra cháy nổ. Một số tài xế còn có thói quen xe cất giữ những loại vật dụng dễ phát nổ trong xe như sạc pin dự phòng, đèn pin điện, nước hoa…
Trao đổi với phóng viên về cách phòng chống cháy nổ ô tô, anh Hoàng Văn Thắng, một nhân viên bảo dưỡng ô tô cho hay, để phòng tránh cháy nổ ô tô, bản thân người tài xế phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện để đảm bảo cáp điện luôn trong tình trạng ổn định và an toàn, tránh việc rò rỉ điện gây nên việc ô tô bốc cháy.
Thêm vào đó, chủ xe cần hạn chế lắp thêm các thiết bị phụ kiện. Việc thay đổi thiết kế ban đầu của xe mà không phù hợp với các cấu trúc gốc, đặc biệt là thay thế phụ tùng không đạt chất lượng sẽ gây nên việc cháy nổ ô tô. Nếu có đam mê lắp thêm hoặc cần phải lắp thêm một số phụ kiện cần thiết thì nên tìm hiểu kỹ các loại hàng xuất xứ rõ ràng và lựa chọn cơ sở để thay thế có uy tín.
Một lưu ý khác, các loại nước hoa, bật lửa… là những vật dụng nên hạn chế để trên xe, nhất là vào mùa nắng. Các loại vật dụng như thế nếu để quá lâu trong xe mà lại trong nhiệt độ cao có thể sẽ gây nổ bất cứ lúc nào. Khi chủ xe bước vào xe nên quan sát trong vòng 1 – 2 phút trước khi nổ máy, nếu có bất kỳ mùi lạ nào bạn cần phải kiểm tra thật kỹ càng để tránh rủi ro cháy nổ gây nguy hiểm cho tính mạng…
Tác giả: Sinh Nguyễn
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam