Giáo dục

Châu Á kêu gọi du học sinh về nước như thế nào

Miễn thuế thu nhập, hỗ trợ tài chính, công nhận bằng cấp… là những chính sách hiệu quả các quốc gia châu Á áp dụng để kêu gọi du học sinh, nhà khoa học, doanh nhân… trở về đóng góp cho đất nước.

Những năm gần đây, một số nước châu Á đã đưa ra nhiều chính sách thu hút nhân tài trở về nước làm việc. Trong báo cáo Triển vọng di cư quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã liệt kê một số chính sách đang được áp dụng hiệu quả.

Thứ nhất, miễn thuế đối với thu nhập nước ngoài. Malaysia áp dụng chính sách miễn thuế 2 năm với thu nhập nước ngoài. Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Singapore cũng đưa ra các hình thức miễn thuế.

Thứ hai, áp dụng chính sách trả trước lương hoặc trợ cấp tài chính cho những nhân tài trở về nước làm việc. Chương trình “Hàng trăm tài năng” của Học viện khoa học Trung Quốc hỗ trợ tài chính cho các du học sinh Trung Quốc đang theo học ngành khoa học và công nghệ, đảm bảo cơ hội việc làm cho họ trong các viện nghiên cứu trong nước. Trung Quốc còn đưa ra một loạt chính sách thu hút du học sinh trở về để mang công nghệ mới về xây dựng đất nước.

Ấn Độ áp dụng chương trình trả trước 5 năm tiền lương cho các giảng viên nếu trở về giảng dạy tại các trường đại học trong nước. Từ năm 2010, Singapore tập trung phát triển lực lượng chuyên gia y tế, thu hút bác sĩ được đào tạo ở nước ngoài về nước làm việc bằng nhiều hỗ trợ tài chính.

Thứ ba, công nhận bằng cấp và chứng chỉ nước ngoài. Philippines không yêu cầu các chuyên gia có bằng nước ngoài phải thi kiểm tra chất lượng đầu vào. Đây được coi là chính sách đặc biệt cho những nhân tài hồi hương.

Thứ tư, một số nước còn áp dụng chính sách thu hút nhân tài không phải công dân nhưng có gia đình hay gốc gác ở nước mình. Trung Quốc đưa ra hỗ trợ về nhà ở và vợ con đi cùng. Trong khi đó, Philippines cho phép những người tài được nhập quốc tịch để làm việc.

Đề án “Các nhà khoa học Singapore trở về” tìm cách thu hút những nhà khoa học hàng đầu gốc Singapore ở nước ngoài về nước hướng dẫn thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Theo đề án, Quỹ Nghiên cứu quốc gia (National Research Foundation - NRF) sẽ mời các nhà khoa học tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu của mình ở Singapore và sau đó đưa họ lên vị trí quản lý.

scientist2610e 2x 8253 1468371136
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tham dự hội thảo RIEC lần thứ 7 vào ngày 25/10/2013. Ảnh: Strait Time.

“Để duy trì lực lượng vững mạnh các nhà nghiên cứu tài năng, chúng ta cần thu hút nhân tài quốc tế cùng với nuôi dưỡng những tài năng trong nước”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu, đổi mới và kinh doanh (RIEC), phát biểu tại hội thảo RIEC lần thứ 7 ngày 25/10/2013.

Đầu tháng 7/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có văn bản chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tổng thể và đề xuất các cơ chế, giải pháp thu hút, sử dụng có hiệu quả học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp, đóng góp xây dựng đất nước.

Các giải pháp phải được báo cáo Chính phủ trong phiên họp tháng 7/2016.

Tác giả bài viết: Quỳnh Linh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok