Xã hội

Chật vật tìm việc cận Tết

Dịch COVID-19 khiến người lao động nếm đủ một năm vất vả, Tết cận kề, nhưng nhiều công nhân vẫn thất nghiệp, lo kiếm việc. Nhắc đến Tết, đa số chỉ lắc đầu buồn nản.

Nhiều công nhân tranh thủ tìm việc làm thêm dịp cận Tết để mong có thêm thu nhập

Dù chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết, anh Lê Văn Hùng (34 tuổi, Thanh Hóa) vẫn đang mải miết đi tìm việc. Anh đang làm công nhân Cty sản xuất phụ tùng ở KCN Khai Quang (thị xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) thì dịch COVID-19 bùng phát, Cty cắt giảm sản xuất. Đợt đó, cứ một ngày đi làm, anh Hùng phải nghỉ hai ngày, thu nhập của anh giảm hơn một nửa.

Vào đợt dịch COVID-19 thứ hai, Cty thông báo tiếp tục cắt giảm nhân sự, trong đó có anh. “Lúc đó, tôi buồn hẳn. Từ đầu năm, hai vợ chồng đi làm chẳng dư được đồng nào gửi về quê nuôi con ăn học. Các khoản chi tiêu đều phải mượn chỗ này, bù chỗ kia mới đủ sống qua ngày”, anh Hùng tâm sự.

Vừa rồi, anh xin được công việc đánh bóng sơn cho một xưởng nội thất với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Nhưng chỉ khoảng 2 tháng, xưởng hết việc phải đóng cửa, anh lại thất nghiệp.

Hơn nửa tháng nay, trên chiếc xe máy Wave 110 cũ, anh lân la quanh KCN để tìm việc. Là công nhân gần 10 năm, anh hiểu thời gian này các Cty trong ngành hầu như không có nhu cầu tuyển lao động. “Giờ chỉ mong tìm được công việc thời vụ, chắt bóp được ít tiền mua đồ cho con, nếu không hai vợ chồng chẳng có tâm trí về quê ăn Tết”, anh Hùng ngậm ngùi nói.

Ở KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội), những ngày này, bảng tin thông báo tuyển dụng vắng hoe. Không như các năm trước, cứ vào dịp này, các Cty đua nhau dán chi chít thông báo tuyển hàng nghìn công nhân đi làm dịp trước và sau Tết.

Trong bộ đồ công nhân mang tên Cty TNHH Sản xuất và Thương mại bao bì nhựa TL, chị Trần Thị Tuyết thấp thỏm đứng chờ chồng - anh Nguyễn Văn Tiến (Duy Tiên, Hà Nam) nộp hồ sơ xin việc. “Họ có nhận không anh?”, chị Tuyết hỏi ngay khi anh Tiến bước ra, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu thất vọng.

Chị Tuyết cho biết, trước đây cả hai vợ chồng làm cùng Cty, nhưng tháng 8, Cty cắt giảm hàng loạt công nhân, trong đó có chồng chị. Cty hứa sẽ sớm tuyển lại nhưng chờ hơn 2 tháng nay, chồng chị vẫn chưa được gọi đi làm.

“Suốt mấy tháng nay thu nhập của anh Tiến đều không có, phải dựa vào trợ cấp thất nghiệp. Trong khi, tiền phòng, tiền học và chi phí sinh hoạt cho hai đứa con thì tăng chóng mặt. Những lúc con muốn ăn thịt gà, thịt vịt nhưng vợ chồng cũng chẳng biết làm sao vì làm gì có tiền mua. Đợt này, vì áp lực xin việc, chồng chị cũng sút mất mấy cân, gầy gò xanh xao hơn trước”, chị Tuyết nói.

Làm thêm đủ việc

Đối với những công nhân may mắn vẫn duy trì được việc làm, thời điểm cận Tết, không ít người tranh thủ làm thêm để kiếm thu nhập sau một năm đói kém. Với họ, kiếm được đồng nào lúc này đều quý.

Trong khi người ở các phòng trọ xung quanh đang tất bật chuẩn bị cho bữa cơm tối, anh Trần Xuân Nguyên, công nhân Cty TNHH Chitwing Việt Nam (KCN Yên Phong, Bắc Ninh), hì hụi với chiếc mỏ hàn, cuộn thiếc để gắn nối dây điện vào các bảng mạch điện tử.

Anh Nguyên cho biết, đã nhận làm công việc này tại nhà được gần 1 tháng. Đợt này, vì công việc không tăng ca nên anh thường dành vài tiếng buổi tối để hàn mạch điện tử. Nhờ làm thêm, mỗi tháng anh cũng kiếm được 1 - 2 triệu đồng, có thêm tiền mua sữa, sắm đồ cho con. “Nhiều người làm ở Cty tôi, đợt này rảnh cũng chạy xe ôm, giao hàng, hay buôn bán thêm một vài mặt hàng đặc sản ở quê. Sắp đến Tết, các khoản lương thưởng phập phồng nên ai cũng cố gắng xoay xở, kiếm chút tiền về quê ăn Tết", anh Nguyên nói.

Nhiều công nhân vẫn chưa tìm được việc làm thì nhập quần áo, hoa quả mang ra chợ bán. Chị Hoàng Thị Mai (Nghệ An) nói rằng, chị chưa thể tìm được việc nên cùng một người bạn nhập quần áo từ một nhà máy để bán lại cho anh chị em công nhân tại khu công nghiệp. "Năm nay, công nhân không hi vọng có tiền thưởng Tết, giờ chỉ mong kiếm được đồng nào sắm đồ cho con đã là quý lắm rồi", chị Mai chia sẻ.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hà Nội cho biết, trước tình hình công nhân thất nghiệp đi tìm việc vào cuối năm, Trung tâm liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Tính đến hết tháng 11, Trung tâm tổ chức 153 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 6 phiên lưu động, thu hút khoảng 3.808 doanh nghiệp tham gia tư vấn với nhu cầu tuyển dụng trên 54.600 người.

Theo ông Thành, đến nay 128.221 lượt lao động đăng ký tìm việc thông qua trung tâm. Trung tâm đã giới thiệu việc làm cho 40.181 người, cung ứng lao động cho 5.936 doanh nghiệp ở Hà Nội. Ông nhận định, thời điểm này, lao động không có tư tưởng thôi việc như mọi năm, nhiều người mong mỏi lương Tết và chế độ thưởng tháng 13 từ các doanh nghiệp.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hết tháng 11, cả nước có khoảng 1 triệu người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 35% so với 11 tháng đầu năm 2019. Riêng tháng 11, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là gần 100.000, tập trung ở các tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Long An...

Tác giả: DƯƠNG HƯNG

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok