Xã hội

Chất thải chăn nuôi đầu độc môi trường

Việc nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và lớn trên địa bàn thị trấn Văn Giang (Hưng Yên) không đáp ứng được các yêu cầu vệ sinh môi trường, đang là nguyên nhân chính đầu độc nguồn đất và nguồn nước tại địa phương trên.

Ô nhiễm ở mức báo động

Thị trấn Văn Giang (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) nằm ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng có địa thế cận thị, cận giang (cách Hà Nội theo đường chim bay 10km). Thị trấn có 3 thôn -1 phố, nền kinh tế của nhân dân trong thị trấn chủ yếu sống bằng nông nghiệp kết hợp với ngành nghề dịch vụ. Diện tích tự nhiên 684,36 ha, trong đó diện tích canh tác là 485,5 ha.Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, giúp cho Văn Giang có thể đẩy mạnh sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và phát triển nghề chăn nuôi.

Nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn tại Văn Giang không được đầu tư xử lý chất thải

Trong những năm trở lại đây, chăn nuôi lợn là một trong những nghề mũi nhọn tạo công ăn việc làm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân ở Văn Giang. Nhiều hộ gia đình đã đẩy mạnh đầu tư chuồng trại với quy mô vừa và lớn, từ vài trăm con đến hàng nghìn con. Tuy nhiên hầu hết chất thải từ các hoạt động chăn nuôi trên địa bàn lại chưa được sử lý như làm hầm Biogas, chôn lấp rác thải… mà một lượng lớn chất thải đang xả trực ra các kênh mương xung quanh. Hoạt động xả thải chăn nuôi này đang gây ô nhiễm lớn cho môi trường sống của cộng đồng dân cư nơi đây.

Có mặt tại thôn Đan Nhiễm (thị trấn Văn Giang), phóng viên ghi nhận được hình ảnh những kênh mương chứa đầy nước thải, bốc mùi hôi thối chạy quay các khu vực chăn nuôi và tràn ra các cánh đồng xung quanh. Người dân địa phương cho biết, hệ thống kênh mương này trước đây được sử dụng để dẫn nước cho các ruộng lúa và hoa màu. Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây hoạt động chăn nuôi xả thải khiến các kênh mương này trở nên ô nhiễm và tắc ứ. Những người dân canh tác hoa màu phải dùng giếng khoan bơm nước ra vườn mới có thể trồng trọt được.

Chất thải được đổ thẳng ra môi trường xung quanh

Đồng ruộng bỏ hoang vì nguồn nước ô nhiễm

Nguồn nước thải từ hoạt động chăn nuôi cứ ngày một tăng lên khiến các con kênh trở nên ùn ứ không có lối thoát. Dẫn đến hiện tượng nước thải chảy ngược trở lại những khu vực đất trũng của bà con, khiến nhiều diễn tích đất không thể sử dụng phải bỏ hoang. Cô Nguyễn Thị Th (thị trấn Văn Giang) cho biết: ”Đa phần các chuồng trại chăn nuôi lợn ngoài cánh đồng đều không xử lý chất thải mà đổ trực tiếp ra kênh mương, khiến đất đai ngày càng bị ô nhiễm không thể làm được gì. Nhiều người dân phải bỏ đồng ruộng đi làm nghề khác, đồng ruộng bây giờ bỏ hoang nhiều”.

Còn theo anh Nguyễn Văn Ch (thị trấn Văn Giang): ”Vào những thời điểm giá lợn cao các trang trại đẩy mạnh chăn nuôi, khiến tình trạng tắc ứ chất thải tại các kênh rạch, ao tù lại càng trở nên trầm trọng. Những dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Nếu các trang trại chăn nuôi lớn có hầm Biogas thì cũng đỡ hơn vì nước thải ra nó đã loãng đi, thải ra đồng ruộng ngấm hết chứ không dẫn đến tình trạng ô nhiễm như hiện nay”.

Hệ thống kênh dẫn nước tưới tiêu bị ô nhiễm nặng và nhiều khu đất trũng bị nước thải xâm lấn không thể trồng cấy hoa màu, bị bỏ hoang hóa

Các hoạt động xả thải chăn nuôi không chỉ là gây ra ô nhiễm môi trường, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Theo điều 69 Luật Bảo vệ môi trường quy định về việc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp quy định, khu chăn nuôi tập trung phải có phương án bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu sau: Bảo đảm vệ sinh môi trường đối với khu dân cư; Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải; Chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ; bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh; Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.

Khi chăn nuôi mà làm phát tán rác thải ra môi trường là vi phạm quy định pháp luật. Hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: Cảnh cáo; Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

Tác giả: Tuấn Anh

Nguồn tin: Báo Dân sinh

  Từ khóa: chất thải , môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok