Ảnh minh hoạ. |
Giá chát vẫn chấp nhận
Chị Nguyễn Thị Huyền trú tại Thanh Xuân, Hà Nội kể chị bị nhân xơ tuyến giáp, nhân nhỏ nên chị phải theo dõi khám thường xuyên 6 tháng 1 lần. Mỗi lần đi khám chị đều chọn khám giáo sư đầu ngành vì chị cảm thấy như thế mình sẽ yên tâm hơn.
Để vào “gặp” giáo sư và được giáo sư chỉ định các xét nghiệm khác là mất 400 - 450 nghìn đồng/lượt. Mỗi lần khám chị chi 3- 4 triệu đồng. Tuy nhiên chị cảm thấy yên tâm nên vẫn duy trì suy nghĩ khám bệnh phải khám giáo sư.
Tại Khoa khám bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai, dù là khám theo yêu cầu nhưng bệnh nhân rất đông và bảng giá khám bệnh cũng phân chia từng “hạng mức” học hàm, học vị của người khám. Ví dụ khám bác sĩ thường 100 nghìn đồng thì khám PGS, GS người khám phải trả gấp đôi số tiền.
Tại khoa Khám theo yêu cầu của Bệnh viện Da liễu trung ương cũng tương tự, bảng giá khám giáo sư, phó giáo sư được bệnh viện niêm yết ngày cửa ra vào để bệnh nhân và người nhà có thể lựa chọn khám.
Chị Ngô Thu Hà, trú tại Hà Đông, Hà Nội đưa con gái 3 tháng tuổi bị viêm da cơ địa lên đây khám, chị Hà đang băn khoăn mua phiếu khám bác sĩ hay giáo sư. Chồng chị vội vàng gạt tay “đã lên đến đây rồi thì cứ giáo sư mà khám”. Vợ chồng chị nhanh chóng vào bàn mua phiếu đăng ký khám và khám giáo sư với 350 nghìn đồng.
Bảng giá khám tại Bệnh viện Da liễu trung ương |
Tại đậy, Bệnh viện Da liễu trung ương thông báo rõ phí khám giáo sư trong giờ là 350 nghìn đồng, phó giáo sư là 250 nghìn đồng ngoài giờ, thứ bẩy và chủ nhật và các ngày nghỉ là 500 nghìn đồng đối với giáo sư, 300 đồng với khám phó giáo sư.
Trong khi đó, khám bác sĩ trưởng khoa, tiến sĩthường là 150 nghìn đồng trong giờ, ngoài giờ là 200 nghìn đồng, khám bác sĩ thường là 100 nghìn đồng, ngoài giờ là 150 nghìn đồng.
Tại Bệnh viện Mắt trung ương, giá mỗi lần khám giáo sư là 300 nghìn đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là 400 nghìn đồng ở khoa khám bệnh Quốc tế.
Đắt nhưng có “ra bệnh”?
Chị Hoàng Thị Hương trú tại Cầu Giấy, Hà Nội vẫn bức xúc một lần chị đặt khám tiêu hóa của một vị giáo sư được giới thiệu đầu ngành khám tiêu hóa. Chị Hương mua phiếu khám và được bác sĩ chỉ định nội soi. Chi phí khám giáo sư và nội soi hết gần 2 triệu đồng. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm dạ dày do vi khuẩn Hp và nấm dạ dày và cho chị Hương đơn thuốc.
Điều chị Hương cảm thấy không hài lòng là bác sĩ khám hời hợt, không tư vấn cho bệnh nhân kỹ vào bệnh nhân nào vào phòng giáo sư đó khám cũng được chẩn đoán bệnh na ná giống nhau viêm dạ dày có vi khuẩn HP và có nấm, đơn thuốc khủng không kém. Ví dụ đơn của chị Hương là 5,6 triệu đồng cho uống 1 tháng.
Lần sau, chị Hương không khám giáo sư hay phó giáo sư gì nữa chị chỉ đi khám ở bác sĩ thường, chị cảm thấy hài lòng vì được bác sĩ tư vấn kỹ trong ăn uống và chị chỉ bị viêm dạ dày, dịch dạ dày đục hơn chứ không có nấm hay HP như trước đó chị được phán bởi giáo sư đầu ngành.
Trả lời trên báo Infonet.vn, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - đang sinh sống tại Úc chia sẻ việc đề bạt chức lên chức vụ giáo sư là một hình thức tưởng thưởng và ghi nhận những đóng góp của ứng viên cho khoa học và cho trường đại học. Khi đóng góp của ứng viên đạt được tiêu chuẩn sàn thì họ có quyền yêu cầu được đề bạt. Ở nước ngoài, giáo sư hưởng lương cao hơn giảng viên đại học, nhưng mức độ khác biệt không quá đáng kể. Do đó, lương bổng không phải là một động cơ để người ta phấn đấu trở thành giáo sư.
“Tuy nhiên, ở Việt Nam, tôi nghĩ động cơ để xin công nhận chức danh giáo sư có khi xuất phát từ nhu cầu thực tế của cơ sở. Theo tôi biết thì có qui định trường đại học phải có giáo sư hay phó giáo sư và số tiến sĩ mới có thể mở ngành đào tạo. Ở các bệnh viện thì giáo sư được trả tiền khám cao hơn bác sĩ không có danh xưng giáo sư. Tất cả những yếu tố đó có thể giải thích tại sao ngành y có nhiều người xin chức danh giáo sư so với các ngành khác”.
Hiện nay, trong số các giáo sư được công nhận thì số giáo sư y khoa chiếm nhiều nhất. Chẳng hạn như trong năm nay, số người được công nhận giáo sư thuộc ngành y chiếm lệ này cao nhất so với các chuyên ngành khác. Điều này có thể giải thích được, vì công bố quốc tế ngành y sinh học chiếm gần 1/4 tổng số công bố quốc tế từ nghiên cứu khoa học Việt Nam.
Tuy nhiên, có một sự thật khác là đa số những bài báo ngành y từ Việt Nam là do người nước ngoài đứng tên tác giả chính (có lẽ vì họ chủ trì đề tài nghiên cứu) và người Việt chỉ đứng tên tác giả phụ. Theo tôi biết thì hội đồng chưa xem xét đến vị trí và vai trò của tác giả trong các công bố quốc tế. Sự thiếu sót này có thể giúp cho những người chẳng nghiên cứu gì, nhưng do có vai trò quản lí, nên họ có tên trong rất nhiều bài báo khoa học, và do đó họ rất dễ dàng đáp ứng tiêu chuẩn về công bố quốc tế.
Tác giả: Khánh Ngọc
Nguồn tin: Báo Infonet