Kinh tế

Chán cua biển, cua đồng, giới nội trợ lùng mua cua đá núi

Với giá thành dao dộng 150.000 - 220.000 đồng/kg kèm theo lời quảng cáo "ngon hơn cua biển, rẻ hơn cua đồng", cua đá núi đang là mặt hàng được giới nội trợ săn lùng, tìm mua ráo riết.

Dạo một vòng quanh chợ mạng, các tiểu thương luôn dùng những lời có cánh để miêu tả về loài cua đá là "ngon hơn cua biển, rẻ hơn cua đồng". Chỉ với 150.000 - 220.000 đồng, giới nội trợ có thể sở hữu được 1kg cua đá núi, được mệnh danh là đặc sản của núi rừng.

Theo người bán, đây là thời điểm ăn cua đá ngon nhất, bởi thịt chúng rắn, chắc và ngọt. Không những thế, chỉ có vào mùa mưa, cua đá mới bò ra khỏi hang để kiếm ăn. Thông thường, chúng hay sống ở các khe núi, hốc đá trong rừng sâu nên phải thợ chuyên mới câu hoặc bắt được.

Cua đá núi được các tiểu thương rao bán rầm rộ trên chợ mạng

Chị Nguyễn Thùy, tiểu thương trên chợ mạng tâm sự, trung bình mỗi ngày, chị bán ra thị trường 5 - 10kg cua đá. Đa phần, mọi người thường mua về hấp bia, hấp sả, rang mẻ, làm mồi nhậu hay thả lẩu. Do cua đá có nguồn gốc tự nhiên, không qua chăn thả nên thịt có vị đặc biệt hơn các loại khác.

"Ngoài ra, giá thành của loại cua này so với cua đồng thì rẻ hơn nên nhiều người cũng chuộng. Nếu biết ăn, biết làm thì chế biến được kha khá món hấp dẫn" - chị nói.

Giá cho mỗi cân cua đá núi dao động 150.000 - 220.000 đồng

Hiện giá bán ra thị trường cho loại cua đá loại 5 - 6 con/kg là 190.000 - 220.000 đồng/kg, loại 7 - 9 con/kg là 160.00 - 180.000 đồng/kg, còn loại nhỏ là 150.000 đồng/kg. Khách muốn ăn phải đặt trước đó 2 - 3 ngày, nếu đặt gấp sẽ phải chịu thêm mức giá 15.000 - 20.000 đồng/kg.

"Bên cạnh những ưu điểm thì loài cua này ăn hay bị đau bụng nên tôi thường khuyến khích khách hàng phải đun chín, nấu sôi tránh hiện tượng ký sinh trùng gây bệnh. Thực ra, thực phẩm nào cũng thế thôi, đặc biệt đồ từ núi, vì chúng sống trong hoang dã, ăn cỏ cây hoa lá nhiều" - chị Thùy cho hay.

So với cua đồng, cua biển thì thịt cua đá núi có phần đậm hơn

Đồng quan điểm, chị Thu Uyên (Thái Nguyên) chia sẻ, quê chồng chị vốn ở Tuyên Quang nên không lạ gì món cua đá núi. Hồi mới về làm dâu, chị ăn còn bị đau bụng và dị ứng nhưng sau biết cách chế biến thì cảm thấy rất ngon. Bởi phần thịt cua rất thơm và lạ miệng, khác hẳn cua nuôi thông thường.

"Bắt đầu từ tháng 5 - 6 là người dân ở Tuyên Quang thường đi bắt cua về bán cho thương lái. Do quá trình bắt kỳ công, lại hiếm nên giá cua rất cao, đôi khi có tiền mà cũng không mua được. Thế nên, cứ vào đầu vụ, nhà tôi lại tranh thủ đặt mua mấy cân về bỏ tủ lạnh ăn dần" - chị Uyên nói.

Tác giả: An Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: cua đồng , Cua đá , cua biển

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok