Những người phụ nữ của bộ tộc Massai.
Làm nhà từ phân bò
Phong tục này xuất hiện ở Bộ tộc Massai của Kenya. Đây là nhóm dân tộc thuộc chủng tộc Nilotic bán du mục sinh sống ở Kenya và phía bắc Tanzania. Họ là một trong những dân tộc nổi tiếng ở châu Phi do phong tục, cách ăn mặc và nơi sống riêng biệt. Dân số của dân tộc này là khoảng 840.000 người (vào năm 2009). Lãnh thổ Massai bao gồm hầu như toàn bộ thung lũng Great Rift và vùng đất liền kề từ phía Bắc Mount Marsabit đến phía Nam Dodoma.
Người Massai thường sống theo kiểu bán du mục, mọi người nơi đây thường sống tập trung với nhau tạo thành những ngôi làng đông đúc. Làng của người Masai thường là những ngôi nhà thấp nhỏ quây thành hình tròn xung quanh và tạo ra một mảnh sân chung cho cả làng sinh hoạt. Xung quanh làng và khoảng giữa các ngôi nhà được rào bằng cành gai để ngăn thú dữ vào làng lúc ban đêm. Các ngôi nhà của người Massai thường làm bằng đất sét, nhánh cây, phân bò, nước tiểu bò kết nối với nhau tạo thành những vòng khép kín bao quanh. Hỗn hợp phân bò, nhánh cây có tác dụng còn có tác dụng chống thấm nước.
Với người Massai, làm như vậy không chỉ xua đuổi ruồi, muỗi, rắn, mà ngôi nhà còn ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè. Mỗi nhà chỉ có một cửa sổ bằng bàn tay để tránh thú dữ tấn công. Sân chung vừa là chỗ nhốt gia súc lúc ban đêm vừa là chỗ tập trung vui chơi và làm việc lúc ban ngày.
Cuộc sống của người Massai gắn bó với các loài động vật hoang dã, kể cả những con sư tử và họ rất xem trọng chúng. Người nào dám nhận nhiệm vụ giết loài vật hung dữ này, lấy da và lông của chúng làm trang phục sẽ được xem như anh hùng và sẽ nhận được những lời ca ngợi của các thành viên trong bộ tộc.
Tộc người Massai kiếm sống bằng cách chăn nuôi gia súc. Thịt bò và cừu mà họ nuôi là thực phẩm chủ yếu của người dân địa phương. Những người phụ nữ Maasai đều cạo trọc đầu và mang rất nhiều loại trang sức nặng nề, nhiều màu sắc. Tùy theo thứ bậc trong gia đình và tuổi tác mà người phụ nữ sẽ đeo những vật trang sức khác nhau, nhìn vào số trang sức đeo trên người có thể đoán được tuổi của người đó.
Cô dâu của bộ lạc Massai trong trong đám cưới của mình.
Nhổ nước bọt để chúc phúc
Cho đến giờ, đàn ông Massai có thể cưới rất nhiều vợ nếu như anh ta có nhiều của cải đủ nuôi sống các cô vợ của mình, các cô vợ đều sống trong cùng một làng trong những ngôi nhà do chính tay mình xây nên. Đa phần các cuộc hôn nhân của bộ tộc Massai ở Kenya là xếp đặt và thông thường, các cô gái trẻ sẽ phải cưới những người đàn ông lớn hơn mình rất nhiều tuổi mà không được biết mặt.
Của hồi môn của các cô vợ là bò, vợ càng trẻ xinh thì càng phải trả nhiều bò. Những người đàn ông của bộ tộc Massai dù đã rất nhiều tuổi, nhưng nếu muốn có vợ đẹp thì họ vẫn sẵn sàng “mua” vợ bằng cách tặng cho cha vợ gia súc hoặc dê. Chính vì thực tế này mà rất nhiều những cô gái trẻ chưa đầy 20 tuổi nhiều khi phải cưới những người đàn ông đến 70 tuổi làm chồng.
Hôn lễ của người Massai được tổ chức như một lễ hội. Tất cả dân trong làng đều được cô dâu chú rể mời đến tham dự lễ cưới mà không có bất cứ một sự phân biệt nào. Trong ngày thành hôn, cô dâu có lẽ là nhân vật xinh đẹp nhất, rực rỡ và nổi bật nhất với đủ loại trang sức đeo trên người từ quần áo, vòng cổ, vòng tay, khuyên tai nhiều màu sắc và vô cùng cầu kỳ.
Theo phong tục của người Massai, cha của cô dâu sẽ nhổ nước bọt lên đầu và ngực con gái như một lời cầu phúc.
Nghi thức này sẽ được thực hiện trước khi cô gái được rước về nhà chồng. Tất cả những cô gái đến tuổi lấy chồng của bộ lạc đều trải qua nghi thức độc đáo có một không hai này.
Nước bọt của người cha sẽ tượng trưng cho tất cả những gì tốt đẹp nhất mà người cha, người mẹ của cô dâu muốn gửi gắm cho con gái mình. Cô dâu cũng cảm thấy hạnh phúc và biết ơn cha mẹ vì lời chúc đặc biệt này.
Sau khi được cha chúc phúc, những người lớn tuổi của cả làng cũng sẽ cùng chúc phúc cho đôi vợ chồng mới cưới. Và trước khi rời làng của mình, những người lớn tuổi đặt trước ngực cô dâu một cây cỏ tươi tượng trưng cho đồng cỏ xanh tươi và cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Khi nghi lễ nhổ nước bọt được tổ chức xong, cô dâu khi bước ra khỏi nhà sẽ không được phép ngoái đầu lại nhìn cha mẹ, bởi người Massai quan niệm rằng, nếu ngoái đầu lại cô dâu sẽ bị hóa đá. Không những thế, để rũ bỏ hết sự xui xẻo, đôi khi, những người phụ nữ trong gia đình nhà chồng sẽ sỉ nhục và lăng mạ nàng dâu vừa chân ướt chân ráo đến nơi, để sau này cô dâu có thể hưởng một cách trọn vẹn nhất hạnh phúc của mình.
Ngoài ra, khi rước dâu, đoàn rước dâu thường sẽ đi thật chậm. Vì thế, dù chỉ cách nhà nhau không xa, nhưng đám rước phải mất đến vài tiếng mới đưa được cô dâu đi về nhà chồng.
Khi bước chân vào nhà chồng, người đầu tiên cô dâu phải gặp mặt đó là cha mẹ chồng và món quà mà cô sẽ được nhận đó là bị hất một cốc sữa dê thẳng vào mặt. Đây là một cách để chúc phúc cho cô dâu mới sẽ được may mắn trong chuyện con cái sau này. Sữa dê tượng trưng cho sự kiên trì và lòng can đảm, nếu như cô dâu sớm sinh được con trai thì hẳn người con này sẽ dũng cảm và mạnh mẽ hơn tất cả.
Sau khi cưới, người phụ nữ sẽ chịu trách nhiệm chăm lo cho gia đình, đi lấy nước và làm các công việc giặt giũ, kiếm củi, vắt sữa bò và nấu ăn cho gia đình. Ngoài ra họ thường đan vòng cườm và các đồ trang sức khác để dùng và mang bán. Đàn ông Massai thường sẽ đi săn bắn thú và chăm lo, bảo vệ đàn gia súc khỏi sự tấn công của những con thú ăn thịt.
Được phép có bạn trai sau khi kết hôn
Khế ước hôn nhân của người Masai bắt đầu từ rất lâu trước ngày cưới. Bộ tộc này cũng quy định rằng, sau khi cưới hai vợ chồng không được phép ly dị. Chính vì điều này mà những người phụ nữ sau khi lấy chồng phải chấp nhận cuộc sống đầy đau khổ hiện tại của mình bởi họ không có một sự lựa chọn nào khác.
Nhiều người đã phải sống một cuộc sống khổ cực bên người chồng vũ phu hay những bà vợ ghê gớm. Chính vì điều này mà có nhiều người không chịu đựng nổi đã tìm đến cái chết, bởi vậy mà tỷ lệ chết trẻ của tộc người Massai cũng khá cao.
Mặc dù nổi tiếng là vùng đất có văn hóa gia trưởng rất mạnh. Nhưng rất lạ là người phụ nữ sau khi kết hôn có thể được phép có bạn trai bên ngoài hôn nhân với điều kiện là không được có thai. Tuy nhiên, nếu có thai, cô sẽ khiến người chồng rất tức giận. Các ông chồng bị “cắm sừng” có thể cho phép vợ giữ lại đứa con, nhưng sẽ không thực hiện nghĩa vụ gì với đứa trẻ này.
Ngày nay, khi được tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài, cuộc sống bộ tộc Massai đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại hơn. Nhưng cho dù là vậy thì họ vẫn giữ những phong tục độc đáo của riêng mình. Chính những điều đó đã thu hút khá nhiều khách du lịch đến với ngôi làng đặc biệt này.
Tác giả bài viết: Bùi Mến (dịch tổng hợp)