Ông cụ Nguyễn Văn Dần 80 tuổi hằng ngày vẫn buôn thúng, rổ nuôi con bị tâm thần. Ảnh: Như Sương |
Những người dân sống ở xóm 7, xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) ai cũng cảm thấy xót lòng khi nhắc đến gia cảnh của ông Nguyễn Văn Dần (SN 1938), ngày ngày vẫn đội nắng mưa đi bán thúng kiếm tiền nuôi đứa con trai độc nhất bị bệnh tâm thần.
Chúng tôi tìm hẹn gặp ông cụ Nguyễn Văn Dần sau một phiên chợ quê. Con đường làng dẫn về nhà ông ngập những rơm rạ, thóc lúa phơi của ngày mùa. Mái nhà cũ kỹ ẩn mình dưới hàng mít sum xuê.
Thấy khách lạ đến nhà, ông Dần với chiếc xe kéo chất đầy những rổ, rá, thúng mủng nặng nhọc lôi lên từ đầu ngõ. Hôm nay chợ phiên kết thúc muộn nhưng trông ông có vẻ không vui. Bởi đã vào mùa nhưng chẳng mấy ai hỏi mua thúng rổ của ông cả.
Quệt những giọt mồ hôi trên trán, ông cụ mời chúng tôi vào nhà và chạy đi tìm thằng con sáng nay đã phá xích, chui cửa sổ đi đâu mất. Khuôn mặt khắc khổ chất chứa đầy nỗi niềm, đôi gò má nhô cao càng khiến đôi mắt nhọc nhằn ấy thêm trũng sâu hơn. Những nếp nhăn đan chi chít trên lớp da đen sạm vì sương gió.
Loay hoay chạy khắp vườn nhà, ông trở vào với ánh mắt buồn rầu rồi nói: “Mấy người hàng xóm họ bảo nó lại chạy xuống xóm dưới quậy phá, bị công an xã giữ lại rồi!”.
Đã 80 tuổi nhưng chưa một ngày ông cụ Nguyễn Văn Dần được nghỉ ngơi. Ảnh: Như Sương |
Gia đình ông Nguyễn Văn Dần đông anh chị em nên tuổi thơ ông là chuỗi ngày tháng vất vả. May mắn cho ông khi lấy được người vợ hiền lành, chịu khó nên vợ chồng lúc nào cũng ấm êm. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, sau khi sinh cậu con trai, ông đặt tên là Nguyễn Văn Ất (SN 1964), người vợ của ông bị lâm bệnh nặng mà qua đời.
Tháng ngày trôi qua, Ất cũng dần lớn khôn, biết phụ bố nên cũng bớt đi phần cực nhọc. Đến năm hơn 30 tuổi, anh Ất cũng yên bề gia thất cùng cô gái miền biển xứ Thanh tên Đặng Thị Hằng.
Tuy nhiên, lúc tưởng như ông Dần sẽ được nghỉ ngơi, cũng là lúc những tai hoạ liên tiếp dồn dập lên gia đình. Bắt đầu là tháng ngày ông Dần bị bệnh tật “hỏi thăm” với 2 lần bị bục dạ dày và một lần đi mổ mắt.
Oái ăm thay, khi ông Dần vừa bình phục cũng là lúc anh Ất rơi vào trạng thái u mê, lúc mơ lúc tỉnh rồi về sau chuyển dần thành những cơn điên dại.
“Hồi tui bệnh, nó lo lắng cho tôi lắm. Nào nghe ở đâu có thầy giỏi, thuốc hay là nó lại đưa tôi đến nhờ người ta. Suốt mấy năm liền chạy khắp Đông Tây, sau về uống thuốc Nam của một ông dân tộc, bệnh của tui mới dần thuyên giảm rồi khỏi hẳn cho đến giờ” - ông Dần kể lại.
Nhưng rồi, chứng thần kinh của anh Ất ngày càng nghiêm trọng, từ việc nói năng luyên thuyên lảm nhảm cho đến những cơn điên dại, phá phách đồ đạc trong nhà và thậm chí là cầm dao đuổi chém cha. Mỗi lần lên cơn, Ất lại biến căn nhà nhỏ thành bãi chiến trường.
Ông Nguyễn Văn Dần và con dâu cùng đứa con trai bị tâm thần. Ảnh: Như Sương |
Ông Dần nghẹn giọng cho biết, nhiều lần anh phát bệnh dữ dội cả ngày ngồi trong nhà la hét, hết chửi bới rồi xé màn, vò chăn gối… Người nhà phải mua xích về trói lại ở góc cột nhà để anh không chạy đi lung tung nhưng rồi ổ khoá to mấy cũng bị anh phá hỏng. Nhiều hôm khoá cửa nhốt trong nhà nhưng Ất lại cui đường cửa sổ thoát ra. Ất chạy ra đường gây sự với người ta khiến cha anh phải đi vay tiền về bồi thường cho họ. Hay có lần anh dắt theo đứa con gái út đạp xe sang tận bên nhà ngoại ở Thanh Hoá. May thay có người biết mà báo tin về cho gia đình ông...
Thương con bệnh tật, các cháu còn tuổi ăn học, dù đã 80 tuổi, ông vẫn thức khuya dậy sớm phụ con dâu ra đồng cấy hái và tranh thủ đi buôn thúng, rổ ở chợ làng. Nhưng cái nghề bán buôn ấy cũng chẳng ăn thua vì mặt hàng ông bán ít người dùng đến. Mỗi hôm đi chợ, ông chỉ kiếm được một hai chục nghìn.
Vất vả là vậy nhưng ban tối về giấc ngủ của ông cũng không được trọn vẹn, tâm trạng luôn bất an và nơm nớp lo sợ cơn điên dại trong người anh Ất sẽ bùng lên trong đêm khuya thanh vắng.
“Dạo trước, không kể ngày hay đêm, nó lên cơn điên dại mà phá phách mọi thứ trong nhà. Chơi rồi cười hả hê xong lại chạy ra đường, ra chợ. Hễ thấy hàng hoá người ta bán là nó sà vào lấy rồi vứt ra đường, rồi có xe đạp dựng bên bờ rào nó cũng lấy trèo lên đi, chán nó quăng luôn xe ở đấy. Hay có những lần thấy ô tô đi ngang là nó ra giữ đường chắn ngang đầu xe..." - ông dần khổ sở kể. Ông còn nói trong nghẹn ngào: "Nhiều người không biết nó bị bệnh quay sang đánh nó, có hôm đi về thấy nó máu mũi máu mồm be bét. Lúc nó lên cơn, tôi chỉ có thể cho uống thuốc ngủ để cắt cơn chứ không có cách nào khác”.
Cũng vì anh Ất bị bệnh nên từ lâu nay, mọi của nả, tài sản đội nón ra đi, lại chỉ mình vợ anh tần tảo nuôi 4 đứa con. Đất sản xuất của nhà chỉ được hơn 1 sào nên quanh năm thiếu ăn, chị Hằng phải tranh thủ đi làm thuê khắp làng trên xóm dưới kiếm gạo nuôi con. Cuộc sống khốn khó, vất vả nhưng vì các con, chị cũng gắng gượng bươn chải. Song, thân cò lặn lội cũng chẳng chỉ đủ ăn.
Cũng may thay gia đình chị được bà con lối xóm thương tình mà sẻ chia, giúp đỡ. Người giúp cân gạo, con gà giống, và mới đây là khoản tiền 30 triệu vay vốn thoát nghèo, ông Dần mua được con nghé để nuôi. Tuy nhiên, công chăm sóc cả năm trời chỉ vừa đủ để mua thuốc ngủ cho anh Ất.
Dẫu cuộc sống vất vả, cực nhọc và thậm chí là những lần tử thần từ chối thì ông Dần vẫn hàng ngày nặng nhọc mưu sinh bên chiếc xe lôi đầy những rổ rá. Ứơc mơ lớn nhất của ông là những phiên chợ ngày mùa, sẽ có nhiều người thương tình mà mua giúp ông dăm ba đôi rổ, thúng để ông có tiền mua thịt về cho thằng con trai độc nhất vô cùng đáng thương.
Tác giả: Như Sương
Nguồn tin: Báo Nghệ An