Kinh tế

Cha con đấu nhau, anh em tranh giành: Nhà đại gia suy sụp

Không có chuyên môn nhưng vẫn tham gia lãnh đạo, đưa người thân trong gia đình vào bộ máy, mâu thuẫn quyền lực giữa anh em nội tộc,... dẫn tới sự sụp đổ của Keangnam, Hanjin Shipping và bê bối tại Lotte.

Đại gia sụp đổ

Sau nhiều thông tin khác nhau, cuối cùng tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam Landmark 72 đã được bán cho AON Holdings. Tổng số nợ Keangnam vay để xây dựng tòa tháp Landmark 72 vào năm 2012 là 600 tỷ won (tương đương 510 triệu USD).

Ông chủ của tòa nhà này tại Hàn Quốc sụp đổ sau hàng loạt bê bối tại công ty xây dựng Keangnam Enterprises như lập quỹ đen, đưa hối lộ. Cựu chủ tịch Keangnam Sung Woan-jong là trung tâm của vụ bê bối tham nhũng liên quan đến sự thất bại của chính sách ngoại giao năng lượng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.

1 ap luc du luan
Nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn tại Hàn Quốc đang bị điều tra thẩm vấn vì bê bối kinh doanh

Ông này bị cáo buộc là bịa đặt khoản tiền lời của Tập đoàn Keangnam nhằm vay 80 tỷ won (74 triệu USD) để đầu tư cho các dự án năng lượng ở nước ngoài nhưng sau đó biển thủ 25 tỷ won lập quỹ đen. Cựu chủ tịch Tập đoàn Keangnam sau đó đã tự tử.
Một đại gia khác của Hàn Quốc là tập đoàn Hanjin Shipping cũng đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Vụ phá sản của Hanjin là lớn nhất từ trước đến nay trong ngành vận tải biển thế giới. Thời gian qua, hàng loạt tàu vận tải của hãng này phải lênh đênh trên biển, không thể cập cảng vì lo ngại bị bắt nợ và không có khả năng chi trả cảng phí.

Hanjin Group được sáng lập bởi ông Cho Choong Hoon năm 1945, là hãng vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc. Hanjin vận hành khoảng 60 tuyến vận tải thường xuyên trên thế giới, với 140 tàu container. Mỗi năm, hãng vận chuyển hơn 100 triệu tấn hàng hóa.

Cổ phiếu của Hanjin đã bị ngừng giao dịch tại thị trường chứng khoán Seoul vào hôm 30/8. Sáng 5/9, khi giao dịch trở lại, giá cổ phiếu này có lúc giảm kịch sàn biên độ 30%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2009.

Chính phủ Hàn Quốc đã công bố bơm cho Hanjin 90 triệu USD vốn vay dài hạn, lãi suất thấp để giúp vực dậy hãng này. Ngoài ra, nhà chức trách cũng đang xem xét bơm thêm 90 triệu USD vốn vay lãi suất thấp nữa nếu Hanjin có tài sản thế chấp.

Theo vết xe đổ của Keangnam, Hanjin, Lotte liên tiếp dính hàng loạt bê bối. Cuộc chiến trong nội bộ gia đình Lotte cũng tiếp tục cho thấy những “mảng tối” trong cơ cấu quản trị của các tập đoàn gia đình.

Cuộc khủng hoảng của các chaebol

Chaebol là tên gọi những tập đoàn gia đình tồn tại từ thập niên 1960 đến nay và chi phối phần lớn hoạt động kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, các tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc đang phải chịu nhiều áp lực nặng nề trong năm nay.

Theo BBC, vấn đề tồn tại ở các chaebol đó chính là quản trị điều hành. Các tập đoàn đều do các thành viên trong gia đình lãnh đạo nên dẫn tới nhiều mâu thuẫn tranh giành quyền lực.

2 chaebol
Sự khủng hoảng của các tập đoàn kinh tế ảnh hưởng lớn tới Hàn Quốc

Chủ tịch tập đoàn Lotte và các con trai đã đấu đá nhau trong việc tranh giành vị trí lãnh đạo tập đoàn này, thậm chí còn đưa nhau ra tòa. Phó chủ tịch tập đoàn Lotte phát hiện đột tử trước khi tới phòng công tố viên. Câu chuyện của Lotte là minh chứng cho việc cấu trúc chaebol thực sự có vấn đề.
Trong khi đó, Hanjin Shipping, thành viên của Hanjin Group - lại là nạn nhân của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhu cầu vận tải bằng tàu biển giảm sút, các công ty kinh doanh ngày càng khó khăn hơn. Câu hỏi đặt ra các tập đoàn này có tái cấu trúc và có những ứng phó nhằm xoay sở với thời cuộc hay không?

Nhà sáng lập tập đoàn này đã qua đời năm 2002, kể từ đó, các con cháu đã lãnh đạo. Tuy nhiên, họ lại gặp rất nhiều rắc rối. Đơn cử như vụ việc bà Cho Hyun-ah, con gái Chủ tịch Hanjin Group, đã ra lệnh máy bay quay lại cổng và đuổi tiếp viên trưởng xuống do phục vụ hạt mắc ca trong gói thay vì đổ ra đĩa. Korean Air cũng thuộc Hanjin Group và đã trở thành tâm điểm chỉ trích.

Trước sức ép của dư luận và truyền thông, Cho Hyun-Ah đã bị buộc phải rời khỏi vị trí phó chủ tịch tập đoàn Korean Air, công khai cúi đầu xin lỗi dân chúng và phải tham gia phiên điều trần với Bộ Giao thông Hàn Quốc.

Choi Eun-young, phu nhân thành viên trong gia đình sáng lập Hanjin cũng từng bị cáo buộc bán cổ phiếu trước khi có tin xấu. Bà làm chủ tịch Hanjin Shipping từ năm 2007 đến 2014.

Một luật sư thuộc Trung tâm nghiên cứu doanh nghiệp và luật Seoul cho rằng, điển hình của các Chaebol Hàn Quốc là không có chuyên môn nhưng vẫn tham gia lãnh đạo các lĩnh vực kinh tế lớn.

Theo một giáo sư đại học của Hàn Quốc, Kim Woo-chan, họ (những người lãnh đạo) thường không nghe theo ý kiến của đa phần cổ đông mà thiên về gia đình. Họ có xu hướng đưa những người thân lên lãnh đạo.

Các nhà làm luật đang tìm cách thay đổi điều này. Họ đưa ra các yêu cầu để người ngoài được tham gia lãnh đạo nhiều hơn trong các tập đoàn. Như tại Hanjin Shipping, các ngân hàng Hàn Quốc sẽ tham gia quản trị doanh nghiệp này để trục vớt trước khi phá sản.

Tuy nhiên, điều đó không hề dễ dàng. Văn hóa và cấu trúc kinh doanh của các tập đoàn này không thể thay đổi chỉ trong một đêm.

Tác giả bài viết: Nam Hải

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok