Du lịch

CEO các nước chỉ điểm mạnh - yếu của du lịch Việt trước diễn đàn

Trước Diễn đàn Cấp cao Du lịch, các nhà đầu tư trong, ngoài nước đóng góp ý kiến với Bộ trưởng Văn hoá nhằm tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt.

Sáng 5/12, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện có buổi tiếp các đại biểu quốc tế và nhà đầu tư trước thềm khai mạc Diễn đàn Cấp cao Du lịch diễn ra chiều nay tại Hà Nội.

Đoàn đại biểu do ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia làm trưởng đoàn. Các đại biểu quốc tế gồm ông Chang Chee Pey - Phó Tổng cục trưởng Du lịch Singapore, ông Brent Hill - Hội đồng Du lịch Nam Australia, bà Sandra Leech - CEO SLC Representation (Anh), bà Wendy Wu - CEO Wendy Wu Tours (Anh), ông Olivier Muehlstein - CEO BCG Singapore.

Các nhà đầu tư lớn trong nước cũng tham gia buổi gặp, gồm đại diện BIM Group, tập đoàn Mường Thanh.

Buổi gặp gỡ diễn ra tại Văn phòng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Ảnh: Ngọc Thành.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện giới thiệu với đại biểu quốc tế và nhà đầu tư đôi nét về thực trạng du lịch Việt Nam. Chính phủ xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là thế mạnh để ngành phát triển nhanh hơn so với các ngành kinh tế khác. Ba năm gần đây, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế của Việt Nam đạt khoảng 30% mỗi năm. Năm nay Việt Nam dự kiến đón 16 triệu lượt khách.

Tuy vậy, ông Thiện đánh giá con số này chưa lớn so với tiềm năng du lịch Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Nguyên nhân nằm ở thể chế, cơ sở hạ tầng, các điều kiện khác như visa, quảng bá xúc tiến... và đặc biệt là chính sách với khu vực kinh tế tư nhân. Việc cần làm là tìm ra giải pháp và Bộ trưởng muốn nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Olivier Muehlstein - Giám đốc điều hành BCG Singapore.

Ông Olivier Muehlstein - CEO BCG Singapore đại diện cho nhóm doanh nghiệp, nhà đầu tư đồng ý rằng Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Để cạnh tranh với các nước trong khu vực, du lịch Việt Nam cần xác định thị trường mục tiêu và xây dựng thương hiệu, thu hút khách đoàn và khách quay lại.

Theo đề xuất của ông Brent Hill - Giám đốc Marketing Hội đồng Du lịch Nam Australia, du lịch Việt Nam cần xác định thị trường mục tiêu và xây dựng thông điệp cho mỗi thị trường. Hiện Việt Nam làm tốt ở thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng cần duy trì quảng bá ở ASEAN, lựa chọn thêm các thị trường có khả năng cung cấp khách, chi trả cao... để đầu tư.

"Các bạn cần làm rõ sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Trong cảm nhận của tôi, Việt Nam là những thành phố cổ nhưng năng động. Khi xác định được lợi thế, hãy có chiến dịch quảng bá bền vững và kiên trì đi theo nó", ông Brent Hill cho biết.

Giám đốc điều hành Công ty SLC Representation (Anh) - bà Sandra Leech.

Bà Sandra Leech - CEO SLC Representation (Anh) đề xuất Việt Nam tổ chức các đoàn fam trip mời các blogger, nhà báo và nhà làm phim để quảng bá tốt hơn. Ngoài chiến dịch maketing, CEO Wendy Wu Tours nhấn mạnh Việt Nam cần có cơ sở hạ tầng tốt, đặc biệt là đường bay.

"Để hút khách và cạnh tranh với các nước trong khu vực, chính sách visa rất quan trọng. Nhiều nước trong khu vực không hạn chế visa. Do đó, chính sách này cần được cải thiện", ông Olivier nói.

Ông Phạm Hồng Dũng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh cho rằng ngành du lịch nên quan tâm đến việc hút khách Âu và Mỹ.

Ông Lê Minh Dũng - Phó Tổng giám đốc BIM Group mong chính phủ sẽ tạo sự thông thoáng và minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư trực tiếp vào bất động sản du lịch.

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia, ông Trần Trọng Kiên cho rằng mục tiêu của du lịch Việt Nam phải là đứng thứ ba ở ASEAN. Tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch diễn ra chiều 5/12 và sáng 6/12, lãnh đạo chính phủ, Bộ, ngành liên quan cùng gần 1.000 doanh nghiệp sẽ cùng thảo luận để tìm hướng giải quyết.

Tác giả: Vy An

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok