Chiều 6-5, chị Phạm Thị Hồng Hạnh (ngụ phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), cho biết cách đây ít hôm, gia đình chị phát hiện một số gốc nấm lạ phát triển rất nhanh chỉ sau ít giờ đồng hồ.
Theo đó, vào sáng 3-5, trong lúc mẹ chị đi thăm vườn nhà thì phát hiện một số cây nấm nhỏ mọc trong vườn. Đến chiều cùng ngày, chị Hạnh ra thăm vườn bỗng thấy cây nấm to lớn bất thường, bằng chiếc nón lá. "Bố mẹ tôi dặn mọi người trong nhà không lại gần. Hiện gia đình tôi lo lắng, sợ đây là nấm độc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người và gây hại cho cây trồng", chị Hạnh cho biết.
Theo quan sát của chúng tôi, loài nấm lạ thân mềm này có màu vàng nhạt. Một số phần trên thân nấm có dấu hiệu bị nứt, thối, tại đây có nhiều kí sinh trùng bám vào.
Để hiểu rõ về loài nấm này, chúng tôi đã tìm gặp PGS-TS Nguyễn Phương Đại Nguyên - Phó trưởng Khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Trường Đại học Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột). PGS Nguyên cho biết loài nấm này thuộc chi Boletus và thuộc họ Boletaceae.
Theo ông Nguyên, trước đây ông từng nhìn thấy loài nấm này ở Huế, tuy nhiên không to như thế; xuất hiện tại Tây Nguyên có thể là do có phôi nấm xuất hiện trong phân bón và người dân bón cho cây trồng, đến khi gặp mưa cây phát triển rất nhanh và thường mọc theo cụm.
Tuy nhiên loài nấm này chỉ tồn tại khoảng 1 tuần rồi tự thối và chết dần. "Loài nấm này không gây ảnh hưởng đến cây trồng của người dân. Muốn biết loài nấm này có độc tố hay không thì cần phải nghiên cứu. Người dân không nên ăn loài nấm lạ chưa rõ nguồn gốc này" - PGS Đại Nguyên khuyến cáo.
Tác giả: C. Nguyên
Nguồn tin: Báo Người lao động