Giáo dục

Cậu sinh viên Lào mê Việt Nam từ thời “bố mẹ anh”

Kỳ thi Tiếng Việt vừa được Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị phối hợp với các trường đại học tổ chức, Chittavanh Kongnamvong - sinh viên Khoa công nghệ thông tin, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh - đã vượt qua nhiều thí sinh khác để giành giải nhất.

Chittavanh phấn khởi chia sẻ: “Em không nghĩ là mình được giải nhất, vì có nhiều anh chị học ở các trường CĐ, ĐH khác ở Việt Nam lâu hơn, nói tiếng Việt giỏi hơn em. Em chỉ biết chia sẻ những gì em nghe, nhìn thấy và cảm nhận thôi”.

Câu chuyện cảm động về bố mẹ nuôi người Nghệ An

Trước khi lọt vào vòng trong, Chittavanh phải vượt qua hơn 90 sinh viên khác (đều đến từ đất nước Lào) tại vòng thi cấp trường. Cậu sinh viên đã gây xúc động và thuyết phục tất cả thành viên ban giám khảo khi viết và nói câu chuyện về bố Vinh, mẹ Liễu - là bố mẹ nuôi của em từ những ngày đầu sang Việt Nam học tập.

Chittavanh được bố mẹ nhận “nuôi” qua chương trình giao lưu Homestay do quân tình nguyện Việt – Lào và Hội Hữu nghị Việt – Lào tỉnh Nghệ An tổ chức.

Bố mẹ rất thương yêu, quan tâm em, mấy tháng trước, em bị tai nạn, đứt dây chằng ở chân, bố mẹ nuôi đã đến bệnh viện thăm hỏi, rồi sau khi em ra viện thì 2 người đã đón em về ăn ở trong nhà, chăm sóc em tận tình, chu đáo khiến em thấy đúng là mình có thêm một gia đình thứ 2, một ngôi nhà để trở về.

Sau khi viết xong bài luận, khi đứng trên sân khấu để kể lại câu chuyện của mình, em đã không thể nén được sự xúc động. Tính đến nay đã 3 năm em được làm con nuôi của bố mẹ. Em không nghĩ rằng, từ những người xa lạ, mà bác lại thương yêu em như vậy, xem em như con cái trong nhà.

Ở gia đình bố Vinh – mẹ Liễu, Chittavanh được gọi thân mật là Ô lê. Bạn bè của em ở chung ký túc xá cũng xem bố Vinh – mẹ Liễu là người thân. Cuối tuần, các em lại đến nhà bố mẹ ở phường Hưng Dũng (TP Vinh, Nghệ An) để chơi, nấu các món ăn Lào cho bố mẹ nuôi thưởng thức.

Lọt vào vòng trong cuộc thi Tiếng Việt giữa các trường đại học, Chittavanh tiếp tục gây ấn tượng với khán giả qua bài nói về bãi biển Cửa Lò, những ý kiến của một người vừa đang sống tại xứ Nghệ vừa là khách du lịch: những tiềm năng và mong muốn bãi biển xanh sạch đẹp và thu hút. Lời chia sẻ rất tâm huyến bởi biển cũng là một trong những lý do đầu tiên mà Chitavanh chọn đến nơi đây học tập: “Em thích biển, mà ở đất nước em lại không có”, cậu sinh viên thật thà nói.

Chittavanh chia sẻ thêm, ở vòng thi cuối cùng để chọn ra người giải nhất, em đã kể câu chuyện “Quả táo Bác Hồ”. Đây là câu chuyện em rất thích đã được bố mẹ kể cho em nghe từ lúc nhỏ, để lại ấn tượng sâu đậm về hình ảnh Bác Hồ rất thân thương, giàu tình cảm với thiếu niên nhi đồng không chỉ ở Việt Nam mà ở quốc tế. Cuộc trò chuyện với cậu sinh viên Chittavanh còn hé lộ, hóa ra hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam đã được Chittavanh biết đến từ sớm bởi lý do rất đặc biệt: bố mẹ em đã học tập và gặp nhau tại Việt Nam.

Biết đến Việt Nam từ thời khi tập đếm

“Bố mẹ của em đã có quãng thời gian rất dài học phổ thông và học đại học ở Việt Nam. Hai người đã gặp nhau rồi yêu nhau ở Hà Tây (Hà Nội bây giờ). Sau đó, trở về Lào cưới nhau và làm việc tại quê nhà tỉnh Viên Chăn. Dù xa Việt Nam rất lâu nhưng trong gia đình em bao giờ cũng có hình ảnh của Việt Nam. Khi em mới tập nói, câu đầu tiên bố mẹ dạy cũng là đếm số bằng tiếng Việt 1..2…3…4. Đến 16 tuổi, sau khi được cùng bố đi du lịch đến Việt Nam”, Chittavanh kể.

Vì vậy, sau khi học xong cấp III dù đã có giấy báo nhập học ở Trường Cao đẳng tài chính ngân hàng ở Lào nhưng em vẫn quyết định xin bố mẹ đến Việt Nam học tập. Trong năm anh em, Chittavanh cũng là người con duy nhất đưa ra lựa chọn này.

Trước khi trở thành sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Chittavăn mất gần một năm học Tiếng Việt. Trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, để có thể “nói thông, viết thạo”, em đã phải nỗ lực rất nhiều bởi với em “Tiếng Việt quá khó, đặc biệt là nói cho đúng dấu thanh và các từ chuyên ngành”.

Đến Việt Nam, nhất là đến với mảnh đất “gió Lào cát trắng”, Chittavanh và các bạn cũng phải tập làm quen rất nhiều điều bởi ở đây “mùa hè thì quá nóng, mùa đông thì quá lạnh”. Đến thăm ký túc xá của Chitavanh, trời đã sang xuân nhưng thời tiết vẫn lạnh, phòng ở của các bạn sinh viên Lào như sân khấu đủ màu sắc. Giường nào cũng được quây chăn, thảm kín xung quanh: “Lạnh quá, phải làm như thế cho đỡ gió. Còn mùa hè, chúng em phải mua đá lạnh về để tắm”.

Chittavanh còn kể: Hồi mới sang Việt Nam, em ăn cơm mãi không thấy no, hôm nào cũng phải ăn 6, 7 bát. Thế mà vẫn nhanh đói. Ở quê em thường ăn xôi, no lâu hơn, sang đây em phải tập mãi mới quen ăn cơm. Bây giờ ăn gì cũng được”.

Hơn 3 năm sống và học tập Nghệ An, em đã làm quen với nhiều con người thân thiện, được học chuyên ngành mà em yêu thích, được đến với những vùng đất mới. Em cũng tự nhận, hiện em rất thích ăn các món ăn đặc sản ở miền Trung như cháo canh, cháo lươn, bún bò Huế…

Ngoài một số khác biệt “thú vị” trong cuộc sống, học tại trường, Chitavanh được thầy cô quan tâm và tạo mọi điều kiện để giúp đỡ. Em còn được tin tưởng bầu là Phó bí thư của lớp và tham gia nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực. “Em sẽ cố gắng hơn nữa để đem những điều mình được học tại trường và cũng như trong cuộc sống khi sống ở Việt Nam để về làm việc, nuôi sống bản thân, giúp ích cho quê hương, đất nước mình”, Chitavanh bày tỏ.

Tác giả bài viết: Hồ Lài/ theo: Giáo dục thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok