Ảnh minh họa từ internet. |
Trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có khoảng 800 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Cứ 8 tiếng trôi qua lại có thêm 1 em bé trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại này. Theo thống kê, trong 1.000 vụ XHTD, số trẻ em gái ở độ tuổi 12 -15 chiếm tới 57,46%, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm 13,2%. Vậy vai trò của nhà trường, phụ huynh trong công tác phòng ngừa và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại ra sao?...
Thay vì chống, tại sao chúng ta không phòng?
Về phía nhà trường, giáo dục về giới tính vẫn là “vùng cấm” mà mọi người ngại chia sẻ. Thực tế, nhiều giáo viên các vùng, miền không dám dạy về giới tính cho cả lớp, mà tách riêng nam một lớp, nữ một lớp, vì lo không khống chế học sinh, kỹ năng chưa đủ dày để dạy học sinh. Hơn nữa, chương trình giáo dục giới tính trong nhà trường khá rời rạc, trong khi chính các phụ huynh chưa đủ kiến thức để trang bị cho con. Chính vì vậy, khi có nguy cơ xâm hại hoặc bị xâm hại, các em không dám chia sẻ với người lớn.
Nhà báo BTV Minh Ngọc cho biết, chị có nhiều cơ hội và thường xuyên làm các chuyên đề về tham vấn tâm lý trong nhà trường. Vậy nên, điều mà chị thường gặp là hầu hết các trường cử giáo viên dạy Sinh để dạy về giới tính và lồng bài giảng qua các môn học. Vấn đề là ở chỗ, trẻ khi không đủ niềm tin, khi bị phản đối, trẻ sẽ im lặng. Và theo chị, ngay tại Hà Nội, con số 19% trẻ đã từng bị xâm hại từ 30 trường học có phải chỉ là phần nổi của tảng băng. Bởi 19% chỉ là các em đã nói ra, còn bao nhiêu em sẽ lặng im?.
Cũng từ những chuyến thực tế, chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Lan Minh kể những câu chuyện mình đã gặp và bày tỏ lo ngại khi hiện nay trẻ em ở tuổi mẫu giáo, tiểu học đã có nhưng hành động gây sốc. Chẳng hạn có 2 bé lớp 2 ở một trường thuộc huyện Bố Trạch (Quảng Bình), suốt 2 tuần liền, cứ giờ ra chơi lại vào nhà vệ sinh làm chuyện “người lớn”. Sự việc chỉ được phát hiện khi mẹ tắm, thấy con gái có nhiều vết tím ở vùng kín. Hỏi thì em hồn nhiên kể về việc 2 bạn thường làm giờ ra chơi. Cô bé nói, không thích nhưng thấy thương bạn ấy nên đã chấp nhận. Bởi nếu không thế, bạn trai ở trong lớp rất nghịch và thường bị cô la mắng (!).
“Có em lớp 9 hỏi tôi những câu như: Con trót quan hệ tình dục với một bạn lớp 5. Con lo lắng không biết bạn ấy có bầu hay không? Khi gặp riêng các em, tôi hỏi sao không nói với cha mẹ, thầy cô thì các em trả lời không dám vì “hỏi là chết ngay”. Tôi nghĩ rằng, thay vì chống, tại sao chúng ta không phòng bằng cách hỗ trợ trẻ những vấn đề giáo dục giới tính?” bà Lan Minh đặt câu hỏi.
Nên là môn học riêng biệt
Để giải quyết thực trạng này, ông Phạm Ngọc Tuấn - Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, nhà trường cần phải kết hợp với phụ huynh để có định hướng sớm giúp trẻ đảm bảo đời sống sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, trong đó có vấn đề phòng chống xâm hại tình dục. Để hòa nhập với tâm lý học sinh, giáo viên có thể tâm sự với các em về những câu chuyện tình yêu hay những vấn đề giới tính.
Tuy nhiên, thực tế, ông Tiến cho biết, khi có sự việc gì bất thường, ở trường thường phải hàng tuần mới báo cáo, thậm chí tảng lờ. Đơn cử, gần đây, sự việc 4 em bạo lực học đường ở Hoài Đức, hỏi nhà trường tại sao không báo cáo ngay, nhà trường giải thích, vì đó là tai nạn trên đường đi học về, không thuộc phạm vi trường học. Do đó, các sự cố phía Sở thường biết qua truyền thông là chính. Hơn nữa, phía nhà trường thường “tảng lờ” vì lo ảnh hưởng đến các danh hiệu của trường. Do đó, việc khó khăn nhất theo ông Tiến là người bị hại và phụ huynh phải lên tiếng tố cáo.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, theo Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 28/8/2017, các trường học trên toàn quốc phải thành lập Phòng tham vấn tâm lý. Tại đây những vấn đề luôn bị né tránh cũng sẽ được giải thích và giúp các em “gỡ rối”. Tuy nhiên, các thầy cô phải là người nghiêm túc bền bỉ với công việc và phải được tập huấn bởi những chuyên gia hàng đầu. Chẳng hạn ở Đà Nẵng, theo ông Tiến, một đơn vị nọ tuyển được 10 thầy cô tâm lý, nhưng sau 1 năm, 6 người đã nghỉ việc…
Từ phía nhà trường, bà Nguyễn Phương Liên - Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội cho biết, trong năm học 2016-2017, Phòng tham vấn của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã thực hiện được hơn 50 ca tư vấn. Ngoài ra, giáo viên cũng cần theo dõi và tham gia vào các diễn đàn mạng xã hội của học sinh để kịp thời nắm bắt và đưa ra giải pháp khi có vấn đề nảy sinh.
Ở góc độ khác, chị Lan Phương, cán bộ phụ trách truyền thông phòng ngừa bạo lực giới Woman cho rằng: Tất cả những vướng mắc hiện nay không phải lỗi ngành giáo dục mà lỗi do hệ thống. Bởi hầu hết chúng ta lớn lên, 100% đều không được trang bị về giáo dục giới tính. Trong gia đình, bố mẹ hoàn toàn vô tư, không ai nói về việc làm sao để phòng ngừa. Tới trường thì thầy cô cũng như vậy, không có đầy đủ kiến thức và vô cùng ngại ngần khi phải nói về những điều tế nhị đó.
Thêm nữa, thông thường chúng ta chỉ dành nhiều thời gian cho các bạn nữ trong giáo dục giới tính mà không thành lập những CLB riêng cho con trai. Bởi vậy, Bộ GD&ĐT cần đưa phòng tham vấn hoạt động thực sự có hiệu quả, phải có chất lượng và giúp ích được cho học sinh, chứ không phải hời hợt để đó.
(Còn tiếp)
Tác giả: Uyên Na
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam