Xã hội

Câu chuyện về một gia đình bị ám ảnh vì bị mổ tử thi trong nhà ngày mùng 3 Tết

Đó là ngôi nhà của ông Nguyễn Đình Đại (58 tuổi, trú tại xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Suốt 3 năm nay, vì sự việc người nhà nạn nhân đem tử thi của nạn nhân và yêu cầu cơ quan pháp y mổ giữa nhà nên các thành viên trong gia đình bị ám ảnh...

Ngôi nhà ông Đại. Ảnh: Vũ Đồng

Từ mâu thuẫn ngoài đường

Chúng tôi gặp ông Đại khi ông đang ngồi trước thềm nhà xem lại tập hồ sơ về vụ việc cũng như nhiều đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng suốt 3 năm qua. Chia sẻ với PV về câu chuyện hy hữu của gia đình mình, ông Đại kể: “Từ sau khi xảy ra sự việc trớ trêu, đem tử thi nạn nhân vào mổ giữa nhà ngày 2/2/2014 (mùng 3 Tết Nguyên đán) thì cánh cổng nhà tôi luôn đóng kín. Vợ tôi thì ở bên nhà ngoại, còn đứa con trai ở nhờ bên nhà vợ. Tôi xin trú tạm nhà em gái sát vách để thỉnh thoảng còn qua nhà hương khói”.

Nhìn ngôi nhà khang trang mà gia đình đã vất vả nhiều năm tích góp xây lên, giờ cửa đóng im ỉm mà ông Đại không khỏi xót xa. Theo lời ông Đại, ngày khởi công xây nhà, các thành viên trong gia đình tụ về đông vui lắm. Dù vất vả nhưng ai cũng cố gắng công sức vì xây xong nhà là sẽ làm đám cưới cho người con trai đầu tại đây. Cận kề Tết Nguyên đán, ông quyết định lắp vội các cánh cửa để đón Tết trước rồi sẽ hoàn thiện sau. Thế nhưng, mới ở được 7 ngày thì xảy ra chuyện trớ trêu nêu trên.

Theo hồ sơ vụ việc, khoảng 17h ngày 2/2/2014, ông Đại chở người hàng xóm đi chúc Tết. Đến khu vực xóm 3, xã Nghi Hoa thì xe ông Đại va chạm với anh Hoàng Xuân Quy (27 tuổi) khi anh này đang băng qua đường. Lúc đó, giữa ông Đại và anh Quy có đôi lời qua lại. Đến tối cùng ngày, ông Hoàng Xuân Hoàng (bố anh Quy) đến nhà ông Đại để xin lỗi việc va chạm lúc chiều do con ông gây ra. 30 phút sau, bạn anh Quy là anh Nguyễn Văn Phượng chở anh Quy đến nhà ông Đại với mục đích xin lỗi. Đến cổng nhà ông Đại, anh Phượng và anh Quy thấy có đông người nên đi quá một đoạn rồi sau đó quay lại thì bị 4 người bịt mặt chạy ra chặn lại. Lo sợ bị đuổi đánh, anh Quy đã bỏ chạy ra hướng sông Phương Tích cách nhà ông Đại vài chục mét. Đến 1h30 ngày 3/2/2014, gia đình anh Quy phát hiện thi thể anh đang trôi trên sông Phương Tích. Kết luận giám định pháp y cho rằng nguyên nhân cái chết của anh Hoàng Xuân Quy là do “suy tuần hoàn hô hấp trên nạn nhân bị vỡ tim – ngạt nước”.

Do nghi ngờ ông Đại có liên quan đến cái chết của nạn nhân nên gia đình anh Quy đã phá đồ đạc nhà ông Đại và đưa thi thể đặt trong nhà ông. Lúc đó, các cơ quan chức năng đã vận động gia đình anh Quy không nên làm như thế nhưng không được. Trong khi đó, gia đình anh Quy lại buộc cơ quan chức năng phải mổ tử thi ngay tại nhà ông Đại.

Sau sự việc này, các thành viên trong gia đình ông Đại luôn bị ám ảnh và không dám ở lại trong chính ngôi nhà của mình. “Kể từ khi xảy sự việc đến nay đã gần 3 năm. Hai phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đã được mở và kết luận là tôi không liên quan đến vụ án, thế nhưng các cơ quan chức năng không làm rõ được việc làm trớ trêu của gia đình ông Hoàng khiến gia đình tôi phải ly tán mỗi người một nơi. Nhiều năm nay tôi vẫn kiên trì làm đơn gửi các cơ quan chức năng để đòi lại quyền lợi cho gia đình và để vợ con yên lòng quay về nhà”, ông Đại phân trần.

Ước mơ của người làm nhà không được ở

Mong muốn lớn nhất của ông Đại là sự việc phải được trả lời một cách rõ ràng.

Liên quan đến sự việc, Công an huyện Nghi Lộc đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Khắc Nam, Lê Văn Việt, Ngô Xuân Trường và Trần Văn An về tội gây rối trật tự công cộng. Đây là 4 người cùng chạy ra với 4 người bịt mặt truy đuổi anh Quy. Điều đang nói, cho tới thời điểm hiện tại, cơ quan công an vẫn chưa xác định được danh tính của 4 người lạ mặt này(?).

Ngày 3/4/2015, TAND huyện Nghi Lộc tuyên phạt bị cáo Trần Văn An 18 tháng tù, Ngô Xuân Trường 8 tháng 28 ngày tù, Nguyễn Khắc Nam bị phạt 10 triệu đồng và Lê Văn Việt cảnh cáo về tội gây rối trật tự công cộng. Tòa cũng buộc An, Việt, Trường, Nam phải bồi thường cho gia đình anh Quy số tiền gần 60 triệu đồng và phải cấp dưỡng mỗi tháng 1,2 triệu đồng nuôi con nạn nhân đến 18 tuổi.

Sau đó, 3 bị cáo Trường, Việt và Nam có đơn kháng cáo với nội dung, cái chết của anh Hoàng Xuân Quy không liên quan đến các bị cáo nên tòa sơ thẩm buộc các bị cáo bồi thường dân sự cho gia đình anh Quy là không đúng. Trong khi đó, ông Hoàng Xuân Hoàng có đơn kháng cáo toàn bộ bản án theo hướng có tội “giết người” chứ không phải là “gây rối trật tự công cộng” như cấp sơ thẩm đã tuyên.

Ngày 28/9/2015, tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Nghệ An không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo cùng đại diện hợp pháp người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tòa giữ nguyên bản án sơ thẩm về tội danh và mức hình phạt đối với các bị cáo. Ngoài ra, tòa yêu cầu VKSND Nghệ An khởi tố vụ án “giết người” để tiếp tục điều tra, làm rõ cái chết của nạn nhân Quy.

Sau hai phiên tòa này, ông Đại kiên trì gửi đơn thư tới nhiều cơ quan chức năng đề nghị làm rõ việc xâm phạm nhà ở, phá hoại đồ đạc trong nhà và mang thi thể vào nhà ông Đại khiến gia đình ông đang đoàn tụ lại phải ly tán. Nhưng đến thời điểm này, những yêu cầu của ông Đại vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Các thành viên trong gia đình vẫn không yên tâm về nhà. Ngôi nhà mới năm ấy vẫn vắng bặt bóng người.

Ông Đại thở dài nói: “Nhiều khi tôi đến nhà thông gia chở cháu nội đi học, khi quay về gửi lại cháu mà thấy nhà đóng cửa, người đi vắng thì tôi chỉ biết chở cháu lang thang ngoài đường chứ không dám đưa cháu về nhà mình. Giờ chỉ mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết vụ việc rõ ràng...”.

Thiếu tá Nguyễn Trọng Tuệ - Trưởng Công an huyện Nghi Lộc cho biết: “Vụ việc chúng tôi đã báo cáo với UBND huyện và đang đề xuất lên Công an tỉnh Nghệ An để có hướng giải quyết thỏa đáng trong thời gian tới”.

Tác giả: Vũ Đồng

Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội

  Từ khóa: mổ tử thi , ám ảnh , gia đình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok