Giới trẻ

Câu chuyện cảm động về bộ ảnh kỷ yếu bên cha

“Có con ở đây rồi, hạnh phúc sẽ đến sớm thôi! Khi con bắt đầu viết những dòng này thì ngoài kia trời có mưa như chính hôm con sắp tốt nghiệp...”, Trần Lan, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở đầu bức thư gửi cha.

“Đêm trước ngày chụp kỷ yếu. Ở hai thành phố cách nhau, con biết có hai người trắng đêm. 2 giờ 10 phút sáng là lúc con chuẩn bị xong mọi thứ, bộ áo cử nhân đã xếp gọn, bó hoa tự tay con làm, vòng đội đầu tự tay con kết.

Đóng cửa phòng thật nhẹ, ngồi ngoài hiên phòng trọ, con đợi chờ cho đến ngày mai, ngày mà chúng ta gặp lại nhau chính tại nơi này.

Rõ là chuyện vui mà nước mắt con cứ nhòe đi, phải cố mím môi thật chặt để khỏi phát ra tiếng, dẫu chỉ là một tiếng động nhỏ. Mùa kỷ yếu này con đầy nước mắt, từng khoảnh khắc bất chợt lại ùa về trong con, có những khoảnh khắc chỉ mình con biết! Vâng… mình con thôi…”

Trần Lan tâm sự về khoảnh khắc đánh dấu bước ngoặt của quãng đời sinh viên, được khoác lên mình tấm áo cử nhân và đặc biệt có bố lặn lội từ quê lên cùng cô chụp kỷ yếu. Với mọi người, có thể đó không phải là điều quá đặc biệt nhưng với Lan đây lại là sự kiện trọng đại trong cuộc đời.

Trong đầu cô sinh viên năm cuối, hình ảnh người cha ngồi tập viết “bằng một bàn tay không cảm giác - bàn tay mang khuyết tật sau một tai nạn khi đi làm, để có thể kí tên vào tờ giấy bố đi làm cho con” khiến sống mũi Lan cay xè mỗi lần bố nhăn lên vì đau.

Rồi hình ảnh “chiếc khoan tay bị chệch, xẻ vào bàn tay phải khiến máu chảy thành dòng mà bố vẫn tiếp tục làm, con vội vàng, hốt hoảng… rồi bất chợt nhận ra bàn tay ấy cũng đã chẳng còn cảm thấy đau, tim con như lạnh ngắt”.

Bố Lan bị tai nạn lao động đã 6 năm nay, bàn tay phải không còn cảm giác. Là người chứng kiến từng nỗi đau của bố, hơn ai hết Lan hiểu và biết bố vất vả nhường nào. Ước mơ của cô sinh viên trường ĐH Kinh tế quốc dân là một lần được đưa bố đến bệnh viện, nhen nhóm hy vọng chữa lành bàn tay.

Ngày ra trường gần kề, Lan muốn thực hiện bộ ảnh với bố, người đàn ông vĩ đại của cuộc đời Lan. “Kỉ yếu với em giống như một ngưỡng của trưởng thành. Khoảnh khắc ấy thực sự lúc em rất cần thêm động lực để chuẩn bị bắt đầu với những chọn lựa.

Suốt quãng thời gian qua, em đã cố gắng vì vậy em muốn bố - người làm chỗ dựa cho em xuất hiện trong ngày của em để bố yên tâm về con gái bố, để bố thấy rằng con gái của bố rồi sẽ là một cô gái hạnh phúc!”, Lan nói.

Chính vì vậy, trong toàn bộ buổi chụp hình, Lan chỉ tranh thủ chụp với bạn bè một vài tấm rồi “chạy về phía gốc cây, nơi có bố đang chờ” với đôi tay gầy guộc, chai sạn vì sương gió, rám nắng vì bươn chải dù mới ở tuổi 44.

Với Lan, bố luôn là một người mang nhiều tâm trạng, kể từ sau tai nạn, bố ước mong được như một người bình thường để vui với công việc “đi làm thợ hồ, trưa về ăn vội bát cơm và buổi chiều kết thúc với những câu chuyện vu vơ góp nhặt”.

Một bộ ảnh kỷ yếu không quá rực rỡ, cô con gái bé nhỏ của bố ngày nào giờ đã lớn, chuẩn bị bước ra cuộc đời, tự lập. Giây phút xúc động ấy tưởng chỉ ý nghĩa với một người nhưng thực tế lại là niềm hạnh phúc “chẳng bao giờ quên trong cuộc đời 2 con người”.

Ảnh: NVCC

Tác giả: Kim Bảo Ngân

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok