Kinh tế

Cậu bé ăn xin thành giám đốc công ty du lịch

Tuổi thơ nghèo khó, lang thang xin ăn đã giúp Nguyễn Đình Hiếu hun đúc quyết tâm làm giàu bằng mô hình du lịch cộng đồng tại vùng đất “rừng thiêng nước độc”.

Sinh ra trong một gia đình gốc Bắc di dân vào miền Nam xây dựng kinh tế mới, tuổi thơ của Hiếu là những chuỗi ngày vất vả phụ giúp gia đình kiếm từng miếng ăn chống đói. Cuộc sống khắc nghiệt vùng “rừng thiêng nước độc” Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và những trận đòn roi của bố khiến chàng trai sinh năm 1983 nhiều lần chán nản, bỏ trốn để lang thang xin ăn và ngủ nhờ trong những ngôi chùa ở thị trấn.

Hiếu chia sẻ, thời niên thiếu cơ hàn giúp anh rèn luyện được khả năng thích ứng và tồn tại trong nhiều hoàn cảnh. Nỗ lực cố gắng đã giúp Hiếu vào được đại học. Nhưng tốt nghiệp với một chuyên ngành không có nhiều cơ hội việc làm, Hiếu bắt đầu hành trình lập nghiệp đầy gian nan ở Sài Gòn. Sau một năm vừa rải hồ sơ tìm công việc thích hợp, vừa làm nhân viên phục vụ và bán hàng online để trang trải cuộc sống, Hiếu được nhận vào một công ty dịch vụ lữ hành quốc tế. Ngoài thu nhập khá hơn và tạo dựng nhiều mối quan hệ thân thiết trong ngành du lịch, công việc mới giúp Hiếu nhận ra vùng quê nghèo của mình hội tụ đầy đủ những điều kiện để phát triển mô hình du lịch cộng đồng - một xu hướng trải nghiệm du lịch mới du nhập vào Việt Nam và rất được ưa chuộng.

Năm 2010, Hiếu quyết định bỏ công việc ổn định ở thành phố, trở về làm nhân viên Trung tâm sinh thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ để học hỏi kinh nghiệm làm du lịch sinh thái và nghiên cứu địa hình tại đây, chuẩn bị thực hiện ước mơ khởi nghiệp của mình.

Hai năm sau, Hiếu đánh liều vay mượn tiền bạn bè để làm vốn thành lập công ty du lịch. Số tiền vọn vẹn 10 triệu đồng chỉ đủ dùng đăng kí giấy phép kinh doanh, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu và mua sắm vài món thiết bị bảo hộ du lịch.

Hiếu hướng dẫn khách tham quan trong tour đạp xe 25 km băng rừng vượt suối. Ảnh: Phương Đông

“Mở công ty như một bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi. Nhưng gia đình, hàng xóm và chính quyền địa phương thì lại đều ngạc nhiên vì sao tôi bỏ tiền đầu tư một thứ vô bổ, do khi đó mọi người đều chưa hiểu du lịch cộng đồng là gì”, Hiếu chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp.

Tuy nhiên, niềm vui chưa kéo dài được lâu thì những khó khăn liên tiếp đến với chàng giám đốc trẻ. Việc nhận ra những kinh nghiệm tích cóp trong quá trình làm việc ở công ty du lịch cũ không phù hợp để áp dụng vào mô hình mới khiến Hiếu thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, áp lực. Thời điểm đó, tính cả Hiếu thì công ty chỉ có 4 nhân sự thay nhau phụ trách điều hành tour, hướng dẫn tour, truyền thông… nhưng vì thời gian đầu vận hành kém hiệu quả, doanh thu không đủ trả lương nên nhân viên rơi rụng dần. Có những chương trình chỉ 5 khách đăng ký tham gia nhưng Hiếu vẫn chấp nhận lỗ để duy trì hoạt động.

Hầu hết các tour trải nghiệm đều diễn ra trong rừng nên ngoài việc điều hành hoạt động của công ty, Hiếu phải dành thời gian tiền trạm những cung đường mới. Dù thuần thục kỹ năng sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng chuyện một mình đi lạc, đói khát vài ngày trong rừng vẫn thỉnh thoảng xảy ra. “Dường như tuổi thơ tôi quá cơ cực nên những khó khăn chỉ làm mình xao động chút ít, rồi lại càng mạnh mẽ và quyết tâm hơn để theo đuổi đam mê”, Hiếu tâm sự.

Sau gần 4 năm vật lộn để biết ưu nhược điểm và phát triển nhiều ý tưởng mới, hiện công ty Hiếu đã vào guồng quay ổn định khi mỗi tháng đều đặn tổ chức nhiều hoạt động như đạp xe 25 km băng rừng vượt suối, chạy bộ khám phá rừng nguyên sinh, cắm trại bên hồ thủy điện Trị An… Từ đối tượng khách ban đầu chỉ là du học sinh và Việt kiều yêu thích tận hưởng thiên nhiên theo phong cách mới lạ, đến nay đã thu hút thêm rất đông nhân viên văn phòng và sinh viên tham gia. Trước mỗi tour, Hiếu đều cẩn thận tư vấn và chọn lọc đối tượng khách, thường nhận không quá 30 người với chi phí dao động từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng mỗi người.

Hiếu tâm niệm ưu tiên hàng đầu khi kinh doanh là sự phát triển du lịch bền vững để chia sẻ sinh kế với người dân địa phương. Hiếu trăn trở tìm cách để thật nhiều hàng xóm cùng được hưởng lợi từ hoạt động của công ty, điển hình như các món ăn dân dã cung cấp cho khách đều được công ty thuê người dân nấu nướng.

Hiếu cho biết, hiện nhiều tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trẻ ra đời đều hướng đến khu vực thành thị nên anh khao khát thành công với mô hình này để chứng minh thanh niên nông thôn khởi nghiệp từ lợi thế sẵn có của địa phương tuy đi ngược xu thế chung nhưng cần được khuyến khích. Tính đến nay, có không ít quỹ khởi nghiệp liên lạc và đề nghị đầu tư cho mô hình này nhưng Hiếu vẫn chưa nhận lời do không có sự đồng nhất về định hướng phát triển lâu dài.

Tác giả bài viết: Phương Đông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok