Thế giới

Catalonia tuyên bố độc lập: Không lo xa, ắt có họa gần

Catalonia muốn tách khỏi Tây Ban Nha để phát triển theo con đường của họ, nhưng sự thật cho thấy, Catalonia có thể rơi vào suy thoái.
Catalonia muốn tách khỏi Tây Ban Nha để phát triển theo con đường của họ, nhưng sự thật cho thấy, Catalonia có thể rơi vào suy thoái.

Hàng trăm nghìn người dân Catalonia xuống đường ăn mừng sau tuyên bố độc lập.

Ngay sau khi Chính phủ Tây Ban Nha kích hoạt Điều 155, cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puidgemont tuyên bố, ông không công nhận việc Madrid bãi nhiệm chính quyền vùng tự trị này và sẽ tiếp tục kế hoạch xây dựng "một đất nước tự do".

Trong tuyên bố của mình hôm 28/10, ông Puidgemont kêu gọi người dân Catalonia kháng cự lại chính quyền Trung ương một cách "ôn hòa".

Chỉ ít giờ sau khi Nghị viện Catalonia thông qua nghị quyết tuyên bố độc lập, Madrid đã tước bỏ quyền lực của chính quyền tự trị này. Theo đó, Tây Ban Nha đã phế truất Thủ hiến, Nội các, cũng như giải tán Nghị viện của Catalonia.

Thượng viện Tây Ban Nha hôm 27/10 cho phép Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy nắm quyền quản lý trực tiếp khu vực Catalonia. Sau đó một ngày, quyền kiểm soát Catalonia tiếp tục được trao cho nữ Phó Thủ tướng đầy quyền lực Soraya Saenz de Santamaria.

Bà Santamaria (46 tuổi) giữ chức Phó Thủ tướng Tây Ban Nha vào năm 2011 và được xem là người phụ nữ quyền lực nhất Tây Ban Nha từ năm 1978 đến nay. Được biết, bà cũng chính là người kiểm soát các cơ quan tình báo của Tây Ban Nha.

Theo các nhà quan sát, những diễn biến trên có thể sẽ kích động nhiều cuộc biểu tình khác ở quốc gia này, trong đó có cuộc tuần hành mang tên “Vì sự thống nhất của Tây Ban Nha và Hiến pháp” diễn ra tại Madrid.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rojoy cũng kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử mới và sa thải Cảnh sát trưởng Catalonia và khẳng định rằng đó là một phần của hàng loạt biện pháp chưa từng có nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng trong nhiều tháng qua.

“Vào thời khắc này, chúng ta cần bình tĩnh và thận trọng, nhưng chúng ta cũng cần có niềm tin rằng đất nước có những công cụ được hỗ trợ bởi luật pháp và lẽ phải, nhằm khôi phục sự thượng tôn pháp luật và loại bỏ những mối đe dọa gây phương hại tới nền dân chủ”, ông Rajoy nêu rõ.

Trước đó, Nghị viện khu vực Catalonia ngày 27/10 đã chính thức bỏ phiếu thông qua tuyên bố độc lập tách khỏi Tây Ban Nha với kết quả 70 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 2 phiếu trắng.

Sau khi nghị viện Catalonia bỏ phiếu ủng hộ tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha, hàng chục nghìn người dân ở khu vực này đã xuống đường ăn mừng.

Phản ứng trước động thái đơn phương này, Thượng viện Tây Ban Nha đã thông qua việc kích hoạt Điều 155 Hiến pháp, cho phép Chính phủ Tây Ban Nha tước quyền tự trị Catalonia và nắm quyền trực tiếp. Dự kiến các biện pháp cưỡng chế sẽ sớm được chính quyền thực hiện.

Nghị viện Catalonia có sự chia rẽ dù phe đa số vẫn chọn ly khai.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy kêu gọi tất cả người dân bình tĩnh, đồng thời tuyên bố sẽ "phục hồi tính hợp pháp" ở Catalonia. "Tôi yêu cầu tất cả người Tây Ban Nha giữ bình tĩnh. Luật pháp sẽ khôi phục tính hợp pháp ở Catalonia", ông Rajoy viết trên Twitter.

Những diễn biến bất ngờ ở Catalonia đang đẩy Tây Ban Nha vào một cuộc khủng hoảng Hiến pháp lớn nhất trong vài thập kỷ qua. Hậu quả hiện tại xuất phát từ cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10, khi 90% cử tri Catalonia đã đồng ý với việc tách chính quyền tự trị này ra khỏi Tây Ban Nha. Trong khi phía Madrid đã huy động lực lượng cảnh sát ngăn cản và tuyên bố cuộc trưng cầu vi hiến.

Theo giới quan sát, động thái tuyên bố độc lập đơn phương của Catalonia sẽ đối mặt với những hậu quả được dự đoán trước đó.

Trước tiên, khu vực này sẽ bị cô lập về mặt ngoại giao khi Mỹ và một số nước châu Âu như Pháp và Đức đã lên tiếng bác bỏ cái gọi là “nước cộng hòa Catalonia”, cũng như ủng hộ chính quyền Rajoy thống nhất đất nước.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định, Liên minh châu Âu chỉ làm việc với Chính phủ Trung ương Tây Ban Nha.

Ngoài ra, chính trong nội bộ Catalonia cũng không yên ả khi 2 phe độc lập và phản đối đang so kè lẫn nhau. Nền kinh tế thịnh vượng của khu vực này có thể sẽ bị tê liệt trong thời gian dài nếu các cuộc đối đầu diễn ra.

Mặc dù Chính phủ Tây Ban Nha dường như không cho thấy ý định sẽ sử dụng các lực lượng cưỡng chế do muốn tránh đi vào vết xe đổ bạo lực giống cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10, nhiều người vẫn cho rằng các cuộc đình công dài ngày của người lao động sẽ khiến nền sản xuất bị ngừng trệ.

Kể từ khi khủng hoảng nổ ra, Catalonia gặp nhiều tổn thất khi có hàng trăm công ty, tập đoàn lớn rời bỏ nơi đây vì lo ngại bất ổn. Trong khi đó, khu vực này đang nợ Chính phủ Madrid 61 tỷ USD.

Tác giả: Quốc Vinh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok