Giải trí

Cát Phượng: Bán máu, mượn nợ nuôi 3 người em và...

Cuộc đời cô Cát (nghệ sĩ Cát Phượng) đầy trắc trở. Hết biến cố này đến biến cố khác nối tiếp nhau tìm đến như những đợt sóng chưa bao giờ thôi...


Bị đuổi học vì đắt show

Hồi nhỏ mỗi lần nấu cơm, giặt đồ, cho heo ăn... tôi thường vừa làm vừa hát nghêu ngao. Tôi đóng tuồng, diễn kịch một mình. Có lần trời mưa rất to, tôi mang mấy cái nồi ra ngoài mưa, lấy tro trấu chùi từ đen thành trắng. Vừa chùi nồi, tôi vừa hát vừa diễn tuồng.

Tôi coi mấy cái nồi là mấy con người, chỉ cái nồi này tôi nói, chỉ cái nồi kia tôi hát... Người ngoài nhìn chắc sẽ nghĩ tôi điên. Nhưng có lẽ vì vậy mà cha tôi nói "Con học hết lớp 12, cha sẽ cho lên Sài Gòn thi vô trường Quốc gia Âm nhạc".

Ước mơ trở thành nghệ sĩ trong tôi bừng cháy từ đó...

Hồi đó, cha tôi là nhà báo kỳ cựu ở tờ Điện ảnh và Kịch trường với bút danh Huỳnh Kỳ. Thời nghệ sĩ Bạch Tuyết, Ngọc Giàu đều biết cha tôi. Ông nổi tiếng trong giới phê bình lý luận nghệ thuật. Có lẽ tôi được hưởng cái máu nghệ sĩ cũng từ cha.

Một lần nọ, vô tình tôi thấy tờ báo cha đang đọc có ḍòng chữ "Tuyển diễn viên điện ảnh hệ B" (đóng học phí), tôi xin cha đi thi nhưng ông lại không chịu.

Lúc nhỏ, thấy tôi mê hát, mê kịch nên cha nói vậy nhưng công việc của ông tiếp xúc nhiều với nghệ sĩ, ông biết nghề này cực khổ thế nào. Ông lại sợ nghề làm tôi hư nên bảo: "Trồng trầu trồng lộn dây tiêu/ Con theo hát bội mẹ liều con hư"

Nghệ sĩ Cát Phượng.
Nhưng nhờ mẹ thuyết phục kèm lời hứa của tôi "Con sẽ không hư. Cha cho con theo nghề, nếu không làm được con sẽ quay về quê". Cuối cùng tôi cũng được cha cho đi học trường Sân khấu nghệ thuật 2. Học được 3, 4 tháng thì lớp tan rã vì không ai đóng tiền.

Lần thứ nhất trong đời tôi chông chênh. Tôi khóc, tủi thân vì ước mơ của mình tan biến!

Hết lớp 12, tôi theo cha lên Sài Gòn. Rồi một ngày, tôi lại đọc báo thấy trường Sân khấu Nghệ thuật 2 tuyển sinh hệ A (không phải đóng học phí). Tôi như sống lại...

Tôi đăng ký thi và trúng tuyển. Tôi được nhận học bổng 70.000 đồng. Với năm 1990, đó là một số tiền rất lớn. Tôi vui đến nỗi cả đêm không ngủ được, cứ cười khúc khích như một con điên.

Tôi học khóa 14 do thầy Trần Ngọc Giàu chủ nhiệm. Những ngày đầu vào trường nhận lớp, tôi nghe các anh chị khóa trên nói "học thầy Trần Ngọc Giàu là nhất vì thầy rất giỏi", lòng tôi lại càng phấn khởi.

Nhưng vào lớp được 5 tháng tôi vẫn chẳng thấy bóng dáng thầy đâu. Thầy không một lần vào lớp vì thời điểm đó, thầy đi tỉnh rất nhiều để dựng những vở cải lương.

Ngày ấy, phim "mì ăn liền" rất nhiều. Tôi được mời đi quay từ vai quần chúng đến vai có thoại. Rồi quay karaoke. Cát xê 1.500.000, 2.000.000, 3.000.000 đồng một phim. Đó là một số tiền quá lớn vào những năm 1994. Tôi về ký túc xá chia tiền cho các bạn ăn, về quê...

Còn đang sung sướng vì cảm giác vừa được đi quay vừa có tiền chưa được bao lâu thì tôi nhận được giấy quyết định đuổi Học của Ban giám hiệu. Lý do là vì thầy cô không cho sinh viên ra ngoài quay phim hay đi diễn sớm. Mắt tôi hoa lên. Đầu óc quay mòng mòng...

Lần thứ hai trong đời tôi lại chông chênh!

Trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến cố; ở thời điểm hiện tại nghệ sĩ Cát Phượng giờ là một trong những ngôi sao lớn của showbiz Việt.
Mượn nợ nuôi 3 người em...

Bị đuổi học cũng có nghĩa là tôi không được ở trong ký túc xá. Nhưng tôi cũng không biết phải đi đâu nên đành lén lút trong ký túc. Mỗi lần trường vô kiểm tra, anh Vọng bảo vệ lại báo cho tôi biết. Những lần như thế, tôi ra quán cà phê ngồi chờ đến sáng lại mò vào ký túc ngủ.

Nhưng cũng có lúc không ai gọi đi show, tôi đói meo đói mốc. Tôi uống nước thật no để chống đói nhưng cũng không thể kéo dài mãi. Vậy là tôi đi bán máu lấy 20.000 đồng mua thùng mì gói ăn dần. Tôi ăn mì gói riết đến giờ nhìn thấy mì tôi ngán đến tận cổ.

Trong lúc chông chênh ấy, anh Minh Nhí rủ: "Cô Cát, anh thấy cô ở ký túc xá cực quá hay là anh em mình đi thuê nhà ở chung"? Biệt danh "Cô Cát" của tôi có từ ngày đó.

Tôi không suy nghĩ gì và gật đầu ngay. Hai anh em tôi thuê một căn gác với giá 200.000 đồng một tháng. Vài ngày sau, anh Minh Nhí rủ thêm anh Lý Hải về ở cùng.

Được vài năm, anh Lý Hải mua nhà và rời nhóm. Một hai năm sau, anh Minh Nhí cũng mua nhà và chuyển đi. Chỉ còn mình tôi lủi thủi!

Rồi mấy đứa em của tôi ở dưới quê lên. Chị em tôi ở cùng nhau. Cuộc sống của tôi càng cơ cực, khốn đốn hơn với các em. Show không có, tôi phải nuôi 3 đứa em bằng nợ. Nghĩa là tôi mượn nợ nuôi các em rồi đi làm trả dần.

Cho tới ngày các em tôi trưởng thành. Một đứa quay trở về quê. Hai đứa ở lại Sài Gòn với tôi. Tôi gả chồng cho đứa em gái. Tôi cưới vợ cho thằng em trai... rồi tôi nghĩ đến thân mình. Năm đó tôi đă 34 tuổi!

Cát Phượng và Bom (tên thân mật) của con trai chị.
Tôi cũng đẻ con. Những tưởng cuộc đời tôi đã và sẽ yên ổn vui vẻ... nhưng không, lại một lần nữa đời tôi chông chênh! Tôi và Thái Hòa ly dị. Sau đó tôi một mình nuôi con, một mình lèo lái chống chọi!

Các em tôi giờ đă ổn. Đứa em gái ngày nào đứt gánh giữa đường giờ cũng may mắn tìm được hạnh phúc với người đến sau. Vợ chồng nó đă định cư ở Mỹ. Hai cậu em trai tôi giờ cũng rất ổn, vợ con đề huề hạnh phúc.

Đó là niềm vui lớn nhất của đời tôi!

Sau Thái Hòa, tôi cũng yêu thương người khác nhưng tôi biết cuộc sống hiện tại của mình có an mà không ổn! Thầy coi tướng nói tôi có tình yêu nhưng không bao giờ có được một mái ấm trọn vẹn và đúng nghĩa như người ta!

Cuộc đời, khó ai đoán trước được bất cứ điều gì. Thấy đó mà cũng mất ngay đó. Hạnh phúc rất gần, hạnh phúc cũng rất xa xôi! Mọi chuyện ở đời là vô thường. Và tôi biết, những ngày tháng sau... đời tôi sẽ lại một lần nữa chông chênh!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok