Kinh tế

Cạnh tranh bẩn: 'Những cuộc hốt xác chớp nhoáng'

Sau cuộc chiến nước mắm, người ta lo ngại, liệu những cuộc cạnh tranh bẩn có còn tiếp tục tái diễn?. Kêu gọi đạo đức kinh doanh liệu có đủ?

Cạnh tranh bẩn, lợi bất cập hại

Không phải lần đầu tiên, người tiêu dùng Việt Nam bị dắt mũi với những thông tin cực độc, cực bẩn vô căn cứ kiểu như "nước mắm nhiễm thạch tín" vừa rồi.

Cuối 2011, thực khách ở nhiều tỉnh hoang mang tột độ khi có thông tin, rượu Vodka Men (thuộc Công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Aroma) bẩn như nước cống. Tại nhiều nhà hàng ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ, Quảng Bình... xuất hiện những nhân viên marketing công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam, chủ sở hữu nhãn hiệu rượu Vodka AvinaA đã tổ chức test chất lượng 2 loại rượu bằng phương pháp điện phân.

Kết quả sau điện phân, cốc rượu Vodka Men bị vẩn đục, chuyển màu đen, hàm ý nhiễm kim loại nặng, còn rượu Vodka AvinaA vẫn nguyên màu trong suốt.

Vụ việc được chủ Vodka Men kiện lên Cục Quản lý cạnh tranh. Cuộc điều tra về sau đã đưa ra kết luận, việc test rượu bằng điện phân như trên là không có cơ sở. Và hành động đó bị cho là cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật. Nhưng thông tin từ ông chủ rượu Vodka AvinaA cũng cho biết, chính sản phẩm của mình đã bị đối thủ chơi xấu từ trước như đổ nước vo gạo vào rượu, bỏ muối vào rượu trước khi test chất lượng.

Dù rằng, các ông chủ sản xuất rượu thanh minh, có thể đổ lỗi cho việc "nhân viên tự ý làm" hay thanh minh mình chỉ là nạn nhân của đối thủ thì người tiêu dùng vẫn không thể không nghĩ khác đi rằng, đây chính là cuộc "cạnh tranh bẩn".

Và cuộc chiến nước mắm cũng tương tự như vậy!

Với kết luận của Bộ Y tế, nước mắm truyền thống, độ đạm cao được giải oan! Nhưng không ai chắc rằng, trong vụ việc này, chỉ có những nhà sản xuất nước mắm công nghiệp là nghi can gây ra vụ việc. Bởi cũng đã có không ít ý kiến cho rằng, cần làm rõ, liệu những nhà sản xuất nước mắm truyền thống có vai trò gì không khi có thông điệp "nước mắm công nghiệp chỉ là nước lã cộng hoá chất" tung ra trước đó?

Cuộc chiến nước mắm đã khiến cho bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cảm thấy đau xót gọi đó là "cuộc tổng tiến công và hốt xác chớp nhoáng".

10 năm trước, vụ việc nước tương chứa chất 3-MCPD- một chất được coi là có nguy cơ gây ung thư đã gây xôn xao dư luận. Các cuộc khảo sát, công bố tỷ lệ nước tương chứa chất này đều nhắm đến những nhà sản xuất nước tương truyền thống và hệ quả là, hàng chục doanh nghiệp này đã phải đóng cửa. Sau một thời gian, thị trường xuất hiện những nhãn hiệu nước tương "sạch".

Các ông chủ nước tương công nghiệp đã được lợi từ cuộc khủng hoảng niềm tin đó.

Nước mắm làm theo phương pháp truyền thống (ảnh: theo Zing)

Bà Hạnh bày tỏ "buồn cho vai trò đại gia" ở Việt Nam, khi đại gia thì giàu lên mà nền kinh tế lại nghèo đi.

"Đánh vào nỗi sợ hãi rồi sau đó, xuất hiện như một vị anh hùng cứu niềm tin của khách hàng" là chiêu trò mà có không ít thương hiệu áp dụng. Và thông thường, nếu không có hành vi vi phạm nào bị phát hiện thì chiến thắng sẽ thuộc về thương hiệu đó", ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Marketing của một DN sản xuất hàng tiêu dùng tại Hà Nội chia sẻ.

Ông Kiên nói: Người tiêu dùng có thể chịu thiệt hại lớn khi thông tin bị tung hoả mù. Nhưng ngày nay, khi cộng đồng mạng xã hội Facebook phát triển thì "bổn cũ soạn lại" 10 năm trước sẽ khó mà thành công. Những doanh nghiệp chân chính cũng sẽ được chính cộng đồng bảo vệ như một phản xạ tự nhiên.

Truyền thông tường minh, đạo đức ở đâu?

Các chuyên gia về marketing và truyền thông đều thống nhất một điều rằng, kinh doanh cần có đạo đức, truyền thông phải tường minh và luật lệ phải chặt chẽ thì sẽ góp phần giảm đi những cuộc cạnh tranh bẩn như vậy.

Chia sẻ với Vietnamnet, ông Lý Trường Chiến, một sáng lập viên Hội Marketing Việt Nam nói: "Đạo đức kinh doanh là điều căn bản nhất cho sự phát triển bền vững của bất cứ thương hiệu nào. Còn nếu phát triển theo kiểu mưu ma chước quỷ thì sau một thời gian, rồi cũng sẽ bị lật tẩy và không thể tồn tại lâu dài".

"Các tổ chức xã hội có thể hợp tác, nhận tài trợ của các doanh nghiệp cho một hoạt động nào đó, nhưng cái quan trọng nhất là hoạt động đó đúng- sai ra sao?. Nếu gián tiếp, nó tạo ra một cuộc cạnh tranh không lành mạnh thì người có đạo đức sẽ không làm, dù khoản tài trợ lớn cỡ nào", ông Chiến nói.

Ông Vũ Trung Kiên cũng cho rằng: "Thị trường lành mạnh cần yếu tố văn hoá kinh doanh và chế tài. Tôi từng làm việc ở những DN lớn, họ luôn khuyến cáo nhân viên bán hàng của mình là không nói vào các điểm xấu của đối thủ mà chỉ đưa ra điểm mạnh của mình. Đó là văn hoá của doanh nghiệp đa quốc gia"

"Chừng nào ta bước ra thế giới với các DN như vậy thì DN Việt sẽ phát triển bền vững. Nhưng tôi rất tiếc khi thấy ở ta, các DN không thể bắt tay cùng nhau để khai phá một thị trường lớn hơn mà lại đi tấn công nhau và rồi, làm cho nhau nhỏ đi", ông Kiên nói.

Nhưng bên cạnh việc trông chờ vào đạo đức kinh doanh, ông Lý Trường Chiến nhấn mạnh: "Để hạn chế những cuộc chiến cạnh tranh xấu như vậy thì giới truyền thông càng phải tường minh và đa chiều hơn, thậm chí, phải lật lại vấn đề, kiểm chứng rõ, phản biện... Có như vậy, chúng ta mới có thể bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của những DN thấp cổ bé họng".

Nói đến đây, dư luận không khỏi băn khoăn khi cuộc họp báo Chính phủ tháng 11 vừa qua, đã công bố, cuộc khảo sát về chất lượng nước mắm của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) là do Công ty truyền thông T&A- một đơn vị rất có thương hiệu trong lĩnh vực xử lý khủng hoảng - là đơn vị tài trợ.

Câu chuyện có lẽ chưa dừng ở đây!

Tác giả bài viết: Phạm Huyền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok