Xã hội

'Cánh tay' nào kéo trẻ em khỏi 'thủy thần'?

Trong năm 2017 đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên tại Việt Nam. Nguy cơ đuối nước cao ở các vùng nghèo và khu vực vùng sâu, vùng xa cũng cho thấy sự chưa bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ xã hội của trẻ em. Làm gì để khắc phục điểm yếu này?

Không được học bơi và thiếu sự quan tâm của gia đình, cộng đồng, những đứa trẻ đối mặt với nguy cơ cao tử vong vì đuối nước.

Gia đình, dòng họ trong một lúc mất vài đứa con, cháu vì đuối nước

Trong năm 2017 vừa qua, hàng loạt vụ trẻ em đuối nước thương tâm đã xảy ra như vụ: 5 em học sinh chết đuối ở Sóc Sơn, Hà Nội; cố vớt bóng, hai chị em rơi xuống đập nước Trình Bật tại xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An; Tắm hồ cạnh trường, 2 em học sinh thiệt mạng ở xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa...

Có những vụ gia đình, dòng họ trong một lúc mất vài đứa con, cháu vì đuối nước như vụ hai anh em thiệt mạng ở bể nước gia đình tại xã Luận Khê, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa tháng 7/2017.

Anh Lương Văn Q. (ngụ tại thôn Chiềng, xã Luận Khê) đi làm đồng trở về nhà nhưng không thấy 2 con nhỏ là Lương Gia Nh. (SN 2014) và Lương Gia Ngh. (SN 2013) nên đã hô hoán mọi người đi tìm. Khi tìm ra bể nước, người cha chết lặng khi nhìn thấy 2 con trai chết đuối dưới bể nước sinh hoạt của gia đình.

Trước đó, khi đi làm, anh Q. đã để 2 con ở nhà chơi với nhau. Trong lúc không có người lớn, hai anh em đã trèo vào bể nước không che đậy của gia đình tắm dẫn tới chết đuối thương tâm. Rồi vụ cả dòng họ khóc thương 4 anh em đuối nước tại làng Sở Hạ, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Trước đó các em học sinh ra ao nước để tắm và tập bơi. Trong khi các em này đang tắm thì có một số học sinh chạy lên bờ kêu cứu vì có học sinh đuối nước. Phát hiện sự việc, hai anh Đặng Văn Điều (32 tuổi) và Đặng Văn Trình (37 tuổi) đã lao xuống cứu nhưng cũng bị đuối nước và tử vong. Hai nạn nhân khác là Đặng Thế Anh (13 tuổi), Đặng Tuấn Vũ (14 tuổi). Tất cả các nạn nhân đều là người địa phương và có quan hệ họ hàng...

Theo thống kê của Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, trong năm 2017 đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên tại Việt Nam. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm khoảng 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích.

Năm 2016, hơn 2.000 trẻ em bị tử vong vì đuối nước. Số liệu từ Phòng ngừa tai nạn thương tích bất ngờ, Cục Quản lý bệnh không lây nhiễm, Người khuyết tật, Phòng ngừa bạo lực và thương tật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Geneva cũng cho thấy, tỷ lệ đuối nước ở Việt Nam là 6,7%, cao nhất trong khu vực Tây Thái Bình Dương - khu vực có 78.000 người chết vì đuối nước mỗi năm.

Phải dạy bơi lội và tăng cường giám sát trẻ em

Lý giải về nguyên nhân tỷ lệ trẻ em đuối nước ở Việt Nam cao tại Hội thảo tham vấn quốc gia về chương trình phòng chống đuối nước trẻ em do Bộ LĐ- TBXH phối hợp với WHO, Bloomberg Philanthropies tổ chức ngày 23/1, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Hồng Lan cho rằng vì Việt Nam có hệ thống sông ngòi phức tạp, chính điều này đã gây ra nguy cơ lớn về đuối nước trẻ em cũng như đặt ra vấn đề cấp thiết phải bảo vệ trẻ em khỏi đuối nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu cơ sở vật chất cần thiết để có những lớp học bơi, trong khi đó, trẻ em và gia đình còn thiếu nhận thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình. Ông Kidong Park, Đại diện WHO Việt Nam cũng nhận định: “Nguy cơ đuối nước cao ở các vùng nghèo và khu vực vùng sâu, vùng xa cũng cho thấy sự chưa bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ xã hội của trẻ em”.

Nhằm xây dựng dự thảo các can thiệp chính của dự án, thảo luận các cơ chế phối hợp, giám sát và giám sát dự án ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, đồng thời cung cấp thông tin cập nhật về các can thiệp hiệu quả cho việc ngăn ngừa đuối nước, theo các chuyện gia đến từ các tổ chức quốc tế như WHO, Bloomberg Philanthropies và Trung tâm nghiên cứu đuối nước quốc tế Bangladesh thì việc Việt Nam học hỏi kinh nghiệm phòng chống đuối nước ở trẻ em của Bangladesh với sự tham gia của gia đình, chính quyền địa phương cũng như cộng đồng là chìa khóa cho sự thành công của các biện pháp can thiệp. Còn các can thiệp chính được WHO khuyến cáo là dạy bơi lội và tăng cường giám sát trẻ em thông qua các trung tâm giữ trẻ ban ngày.

Sáng kiến của Bloomberg về giải quyết vấn đề đuối nước toàn cầu được thực hiện trong giai đoạn 2018 — 2022 bằng 2 hợp phần. Ở Việt Nam, Dự án sẽ được tiến hành ở 6 tỉnh có nguy cơ đuối nước cao, khu vực miền núi phía Bắc (Lào Cai, Yên Bái): Đồng bằng sông Hồng (Ninh Bình); Miền Trung — Tây Nguyên (Quảng Bình, Kon Tum) và Đồng bằng sông Mekong (Đồng Tháp). Bà Kelly Larson, đại diện tổ chức Bloomberg Philanthropies cho rằng: “Việt Nam đã thể hiện cam kết cao trong việc ngăn ngừa đuối nước với sự tham gia của nhiều bộ, ngành khác nhau và chúng tôi mong đợi những cam kết sẽ được thực hiện hiệu quả”.

Tác giả: Hồng Minh

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok