Giới trẻ

Cảnh quạnh hiu của nghề xe ôm thời công nghệ: "Xe ôm tụi tui sắp hết thời rồi"

Bác xe ôm già mệt mỏi ngồi trên chiếc xe cũ kỹ của mình ngắm nhìn từng dòng người chạy hối hả trên con đường quen thuộc. Ông ngồi đó khá lâu, vài tiếng đồng hồ trôi qua vẫn không có một vị khách nào đến.

Câu chuyện buồn thời công nghệ: Bác tài xế già cả ngày không chạy được một cuốc xe ôm...

Câu chuyện về người xe ôm già cả ngày không có một cuốc xe được đăng trên mạng xã hội cách đây không lâu, bất chợt khiến người ta chạnh lòng cho những con người lao động nghèo ở thành phố. Đặc biệt là những người chạy xe ôm truyền thống trong thời các dịch vụ taxi, xe ôm giá rẻ phát triển như nấm sau mưa. Thế nhưng, trong sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường, việc đào thải là không thể tránh khỏi.

Những người chạy xe ôm truyền thống đang đứng trước những thách thức không nhỏ của thị trường.


"Xe ôm tụi tui sắp hết thời rồi!"

Lão xe ôm già mệt mỏi ngồi trên chiếc xe cũ kỹ của mình ngắm nhìn từng dòng người chạy hối hả trên con đường quen thuộc. Ông ngồi đó khá lâu, vài tiếng đồng hồ trôi qua vẫn không có một vị khách nào đến.

"Ế khách là chuyện bình thường rồi. Trước đây ngày nào cũng kiếm trung bình được vài ba trăm, chứ giờ chạy một ngày được hơn 100.000 đồng là mừng lắm rồi! Có ngày ngồi từ sáng tới chiều không có khách cũng đành ngậm ngùi đi về" - chú Liêm buồn thiu kể.

Chú Liêm cười buồn thiu, vì chuyện ế ẩm đã quá quen thuộc, đành phải chấp nhận.

Chú Liêm (56 tuổi, Quãng Ngãi) trước đây làm nhân viên bảo vệ, nhưng từ lúc sức khỏe yếu đi, ông không đủ sức để thức đêm làm việc nữa nên đành chuyển sang chạy xe ôm kiếm sống. Ông chạy xe ôm cũng được khoảng 4 năm nay, vợ ông thì bán hàng rong, cả hai vợ chồng cùng cố gắng làm thì cũng đủ lo chi phí sinh hoạt cho vợ chồng và 2 đứa con đang tuổi ăn học.

Gia đình chú phải chật vật hơn vì nguồn thu nhập của chú đã bị giảm nhiều.

Thế nhưng ông tâm sự rằng khoảng 1 năm trở lại đây, gia đình ông chật vật hơn rất nhiều, vì thu nhập chính của ông bị giảm đi đáng kể. "Người dân bắt đầu quen với dịch vụ taxi, xe ôm giá rẻ, hiện đại bây giờ nên họ chuyển sang đi dịch vụ đó cho khỏe. Thử nghĩ coi, trời nắng chỉ cần nhấn nhấn vài cái vào điện thoại là có người đến tận nhà rước đi thì ai mà chẳng thích. Rồi cũng dần dần những người như chúng tôi vắng khách hẳn" - ông chia sẻ.

Chú Hùng (62 tuổi) cũng cho biết: "Không có gì làm mới phải đi chạy xe ôm. Chứ giờ mà ông tài xế nào dám nói một ngày chạy được 300.000 - 400.000 đồng là nói xạo. Giờ xe ôm truyền thống hết thời rồi. Tụi chú có bữa ngồi từ 5h sáng đến 9h, 10h đêm mà không có khách cũng đành chịu lỗ tiền vốn. Mấy bữa như vậy thì đành nhịn ăn để có tiền đổ xăng cho hôm sau".

Ngồi cả ngày không có khách cũng là chuyện khá quen thuộc với họ.

Chú Hùng không vợ con, thuê phòng trọ cùng 2 người quen làm bảo vệ, rồi chia nhau tiền phòng. Mỗi tháng trung bình phải trả 600.000 đồng cho tiền phòng, rồi các chi phí ăn uống, thuốc men khi đau yếu, đó là chưa kể phí xăng xe, hay sửa chữa khi hư hỏng. Thế nên với thu nhập lèo tèo như hiện nay, việc nhịn ăn để đóng tiền nhà là chuyện thường xuyên xảy ra.

Tôi hỏi các chú: "Sao chú không thử nghiên cứu cách để chuyển sang chạy Grab, hay Uber để thu nhập ổn định hơn?". Họ ngậm ngùi bảo rằng: "Con nhìn cái xe chú coi, nó tàn lắm rồi hãng nào cho chạy. Rồi chú cũng không rành sử dụng điện thoại lướt lướt, chạm chạm, nên sao mà chuyển qua làm được. Mà lỡ có biết thì cũng không biết liên hệ như thế nào với công ty để xin đi làm".

Các chú đều đã lớn tuổi nên không theo kịp công nghệ hiện đại bây giờ.

Ngưng một tí rồi chú nói thêm: "Chú lớn tuổi rồi, nên đành chấp nhận, được đồng nào thì mừng đồng nấy. Mình nghèo rồi, giờ nghèo hơn chút xíu cũng chịu được. Mắm muối rồi cũng qua bữa thôi".

Tồn tại những con sâu làm rầu nồi canh

Bạn Minh Lâm (24 tuổi) chia sẻ: "Hồi tháng trước mình có dịp vào Sài gòn chơi, lúc đến bến xe miền Đông thấy mấy chú xe ôm mời đi, mình hỏi giá thì mấy chú hét giá 80.000 đồng, trong khi cùng đoạn đường ấy bên Uber phí chỉ có 40.000 đồng. Sau này mình không bao giờ gọi xe ôm nữa, các chú cứ thấy người lạ là chặt chém chẳng thương tiếc".

Tồn tại những xe ôm "đểu" làm ảnh hưởng đến hình ảnh chung của những người lái xe ôm.

Cùng bức xúc với Minh Lâm, cô bạn Lương Yến tâm sự: "Các chú xe ôm cũng hay có kiểu vẽ đường rồi xin thêm tiền, làm mình rất khó chịu. Không phải là mình đánh đồng tất cả nhưng gặp nhiều trường hợp như vậy khiến mình có ác cảm với họ".

Rõ ràng những câu chuyện trên không phải là hiếm trên thực tế. Tuy không phải tất cả người chạy xe ôm đều như vậy, nhưng vô tình người làm không tốt đã ảnh hưởng nhiều đến bộ mặt chung của những người còn lại.

Bên cạnh đó, việc các dịch vụ xe ôm mới ra đời với giá cả phải chăng, lộ trình rõ ràng, an toàn và người dùng còn có thể phản ánh thái độ phục vụ của tài xế sau khi kết thúc hành trình đã giúp các dịch vụ này nhanh chóng lấy được lòng của khách hàng.

Với rất nhiều điểm cộng, các dịch vụ xe ôm mới đang dần chiếm được cảm tình của người dân. Nếu những người lái xe ôm truyền thống không thay đổi thì họ sẽ khó tồn tại với nghề.

Chú Hùng tâm sự: "Nhiều khi cũng bực lắm, vì họ giành hết khách của mình. Nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại thời buổi bây giờ nó vậy rồi. Không riêng gì nghề xe ôm mà nghề nào cũng có cạnh tranh. Mình làm không tốt thì không có ăn thôi, trách được ai!?".

Đào thải là quy luật tất yếu của xã hội, cái không tốt sẽ dần dần được xóa đi để nhường chỗ cho cái tốt hơn. Vẫn biết là như thế nhưng mỗi lần nghe kể về hoàn cảnh những cụ già lớn tuổi phải dầm mưa dãi nắng để mưu sinh kiếm tiền lo cho gia đình, lòng chúng ta lại xót xa. Thương cái nghèo cứ theo họ mãi không lối ra.

Đào thải là quy luật tất yếu, dẫu xót xa nhưng chúng ta không thể làm gì hơn.

Tác giả bài viết: TOÀN NGUYỄN

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok