Thế giới

Căng thẳng Mỹ-Iran kết thúc chóng vánh: Vì sao Iran "vỗ mặt" nhẹ nhàng, ông Trump cũng kiềm chế "cơn thịnh nộ"?

Về cơ bản, sức mạnh áp đảo của Mỹ có thể gây sự tàn phá không thể tưởng tượng được đối với Iran, nhưng cái giá phải trả cũng quá cao. Bởi vậy, ông Trump tin rằng sự trả đũa chỉ nên dừng lại ở đây.

Iran muốn đẩy lực lượng Mỹ ra khỏi Iraq.

Iran đã trả đũa vụ ám sát tướng Qasem Soleimani bằng cuộc tấn công vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq. Trong phản ứng mới nhất sáng ngày 9/1, Tổng thống Donald Trump tuyên bố cuộc tấn công của Iran không nghiêm trọng, cũng như không gây ra thương vong và do đó Mỹ không cần đáp trả.

Đã có những câu hỏi đặt ra về mục đích cuộc tấn công của Iran khi đợt trả đũa bằng tên lửa này được cho là không tương xứng với những tuyên bố gay gắt trước đó. Ngoài ra, câu hỏi đặt ra là vì sao ông Trump không phản ứng gì dù căn cứ Mỹ bị tấn công.

Không bất ngờ

Giới phân tích tin rằng, hành động trả đũa vụ ám sát tướng Soleimani đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới Tổng thống Donald Trump. Theo đó, Tehran muốn khẳng định rằng, mặc dù đợt tấn công hiện tại có thể kết thúc, nước này sẵn sàng có thêm các hành động đáp trả Mỹ trong tương lai.

Tiến sĩ Yossi Mansharoff, chuyên gia về Iran tại Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem (JISS) cho biết, cuộc tấn công của Iran không khiến nhiều người ngạc nhiên.

"Iran không đủ sức mạnh để đối đầu trực tiếp với quân đội Mỹ và đó là lý do tại sao họ phóng tên lửa về phía căn cứ của Mỹ. Nhưng đó là một cuộc tấn công nhỏ, không gây thương vong và Tổng thống Mỹ Trump thậm chí không muốn đáp trả điều đó, đặc biệt giữa bối cảnh nước này đang tiến tới hoạt động bầu cử”, ông nói.

Bình luận với Sputnik, nhà phân tích Trung Đông Yoni Ben-Menachem đồng tình rằng, Tehran không quan tâm đến một cuộc chiến toàn diện với Mỹ. Thay vào đó, Iran chỉ muốn làm kiệt quệ dũng khí của người Mỹ, buộc các lực lượng Mỹ (có khoảng 5000 nhân viên quân sự) rút khỏi Iraq.

Đẩy lực lượng Mỹ ra khỏi Iraq

"Iran có kế hoạch thống nhất tất cả các lực lượng dân quân Shiite tại Trung Đông với mục tiêu phá hoại ý đồ của Mỹ trong khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta có thể chứng kiến ​​các cuộc phục kích xe quân sự Mỹ, tấn công vào đại sứ quán và căn cứ, thậm chí là sử dụng các cuộc tấn công tự sát, tất cả đều nhân danh sự báo thù cho cái chết của tướng Soleimani”, nhà phân tích Ben-Menachem nêu quan điểm.

Chuyên gia này tin rằng, khi các nhân viên quân sự Mỹ thiệt mạng trở về nước, ông Trump sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rút quân khỏi Iraq. Tuy nhiên, điều này sẽ khó xảy ra, chủ yếu bởi vì một động thái như vậy của Mỹ có thể được coi là mất mặt trước Iran.

Tổng thống Trump từng tuyên bố rằng ông không có ý định rút lực lượng của mình và cảnh báo Iraq rằng họ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nếu làm theo lời của Iran.

"Tuy nhiên, trong tương lai, chính sách này có thể thay đổi và Trump có thể muốn phân tán lực lượng của mình theo cách khác trong khu vực để giảm thiểu các cuộc tấn công tiềm tàng", chuyên gia Ben-Menachem nói.

Trong trường hợp Mỹ quyết định rút quân, chuyên gia Mansharoff tin rằng, khoảng trống sẽ sớm được lấp đầy bởi các dân quân Iran. Điều này không chỉ đe dọa đến an ninh các đồng minh vùng Vịnh của Mỹ, mà lãnh thổ Iraq còn là nơi chuyển vũ khí đến Syria và Hezbollah ở Lebanon.

Vì sao ông Trump không trả đũa?

Tổng thống Trump đã có một bước đi giảm leo thang với Iran.

Theo RT, chi tiết đáng chú ý nhất trong cuộc tấn công của Iran là cách mà các tên lửa của nước này nhắm mục tiêu vào căn cứ quân sự Mỹ. Trong nhiều năm nay, Iran đã có những bước tiến đáng kể về độ tin cậy, tầm bắn và độ chính xác của lực lượng tên lửa đạn đạo.

Đã qua rồi cái thời mà kho vũ khí của Iran chỉ bao gồm các tên lửa SCUD cũ kỹ từ thời Liên Xô vốn không có sự chính xác hoàn hảo.

Cuộc tấn công tên lửa vào căn cứ Mỹ ở Iraq đã kết hợp các tên lửa tiên tiến và mới nhất, gồm Qaim 1 và Fahad-110 sở hữu tính năng dẫn đường và xác định mục tiêu.

Iran đã sử dụng những vũ khí này trước đây nhằm tấn công các mục tiêu khủng bố bên trong Syria. Nhưng đây là lần đầu tiên các vũ khí này được sử dụng để chống lại Mỹ.

Mỹ tuyên bố không có thương vong trong cuộc tấn công của Iran, cũng như tổn hại đối với căn cứ là không đáng kể. Tuy nhiên, hiện chưa rõ đây là do năng lực tên lửa Iran kém hay Iran cố tình không gây ra thương vong để tránh tình hình leo thang.

Tổng thống Trump trước đây từng tuyên bố sẽ trả đũa mạnh mẽ nếu Iran tấn công bất kỳ nhân viên quân sự hoặc cơ sở nào của Mỹ. Tuy nhiên, trong bài phát biểu sáng 9/1, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết sẽ không có phản ứng nào đáp trả vì hậu quả từ cuộc tấn công của Iran là không nghiêm trọng.

Trên thực tế, ông Trump hiểu rằng, việc tiếp tục nối dài các cuộc trả đũa với Iran sẽ dẫn đến các phản ứng dây chuyền của Iran trong việc tấn công các đồng minh trong khu vực, bao gồm Israel, Saudi Arabia và UAE.

Về cơ bản, sức mạnh áp đảo của Mỹ có thể gây sự tàn phá không thể tưởng tượng được đối với Iran, nhưng cái giá phải trả cũng quá cao. Bởi vậy, ông Trump tin rằng mọi chuyện chỉ nên dừng lại ở đây.

Tác giả: Mạnh Kiên

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: Mỹ-Iran , sức mạnh , Mỹ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok