Trong nước

Cần thiết thì sửa luật để giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả

ĐBQH Bùi Văn Xuyền cho rằng: “Muốn làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, người cán bộ phải có tâm huyết, trách nhiệm với người dân. Cần thiết sửa cơ chế chính sách thì cơ quan có trách nhiệm phải có động tác, kể cả là sửa luật”.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền. (Ảnh: Quochoi.vn).

Vừa qua, trong khuôn khổ chương trình phiên họp thứ 14, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo sau khi đã nghe báo cáo kể trên?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Vừa qua, ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá có câu chuyện, đơn thư khiếu nại giảm nhưng con số chưa thực chất, phân tích đánh giá chưa thấu đáo, người dân tiếp khiếu đã tồn tại nhiều năm. Nguyên nhân có nhiều, trong đó, năng lực, trình độ giải quyết ở mức độ, đó là hạn chế của cán bộ. Trách nhiệm trong tiếp công dân, giải quyết chưa đầy đủ.

Tỉ lệ giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo thấp, có Bộ chỉ 30-50%. Thêm nữa, thực thi pháp luật ở cơ sở còn nhiều hạn chế, còn nhiều vi phạm của cán bộ công chức trong vấn đề đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng giải quyết chưa thỏa đáng.

Theo đánh giá chung, báo cáo của Chính phủ chưa có tính đột phá. Đặc biệt, xác định trách nhiệm cá nhân người đứng đầu không có. Không có số liệu xử lý bao nhiêu người do năng lực, có tính cá nhân trong giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo hay không.

Vừa qua, ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực ủy ban Pháp luật cũng đã nghe và có ý kiến đóng góp rất nhiều. Tôi nghĩ rằng, cần có báo cáo cụ thể, giải pháp mang tính đột phá, đi vào thực chất hơn. Đa số báo cáo đánh giá nguyên nhân vẫn giống các năm, đó chính là tồn tại rất lớn trong báo cáo.

PV: Vậy ông đánh giá thế nào trước tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh trong giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo? Phải chăng có lợi ích nhóm dẫn đến nể nang, ngại va chạm?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Có lẽ có một phần lợi ích tạo nên sự nể nang, né tránh. Nếu giải quyết đúng thì có hậu quả của những người tiền nhiệm. Thậm chí, có những khó khăn cần phải thay đổi quyết định của những người tiền nhiệm. Bởi thế, có câu chuyện né tránh, chưa khách quan nên người dân bức xúc. Đâu đó còn hiện tượng chưa thực sự thẳng thắn nhìn nhận sai phạm, yếu kém của cơ quan Nhà nước.

Hiện nay có những vướng mắc do cả cơ chế, chính sách pháp luật. Sự phối hợp cơ quan có thẩm quyền, cấp trên, cấp dưới chưa tốt.

Chính vấn đề cơ chế, chính sách pháp luật chưa thật sự rõ ràng, có sự chồng lấn đã khiến người dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài khi chưa được giải quyết thỏa đáng. Nhiều bức xúc từ các năm cộng dồn lại dẫn đến những phản ứng không hay. Cần cơ chế đột phá, chính sách mới trong giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Điều này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền đứng ra bàn bạc, giải quyết.

PV: Như ông nói, luật pháp có những vướng mắc, vậy có cần sửa luật hay không?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Thực ra không ai đùn đẩy được, thẩm quyền mỗi người đều được quy định rõ ràng. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, người có trách nhiệm phải giải quyết đến nơi đến chốn.

Nhưng quan trọng nhất là giải quyết để người dân tâm phục, khẩu phục giữa căn cứ luật pháp và thực tiễn. Cần rõ ràng, công khai, minh bạch, giải trình, thuyết phục đối thoại một cách thấu đáo với người dân khi có khiếu nại, tố cáo. Không để các câu chuyện gây quá bức xúc.

Muốn làm tốt công tác này đòi hỏi người cán bộ phải có tâm huyết, trách nhiệm với người dân. Cần thiết sửa cơ chế chính sách thì cơ quan có trách nhiệm phải có động tác, kể cả là sửa luật. Không phải vấn đề ngày một ngày hai mà cần có thời gian. Đây cũng là vấn đề cần rất nhiều tâm sức, phải rất quyết tâm mới có thể làm được.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả: Dương Thu

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: khiếu nại , tố cáo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok