Giáo án giống như cái áo giáo viên phải mặc khi đến trường, không thể thiếu được. Vậy mà, nhiều thầy cô từng nói vui: “Giáo án là án gông vào cổ giáo viên!”.
Câu than thở này có thể khó nghe, song nó chính là tâm sự của nhiều giáo viên khi trước đây Bộ GD-ĐT chưa cho phép sử dụng giáo án điện tử mà phải viết tay. Vì sao như vậy? Vì viết tay rất mất thời gian, ngày nào cũng phải viết, nhất là giáo viên dạy sử, địa, công dân phải dạy nhiều khối lớp, soạn nhiều giáo án (5 giáo án/ tuần).
"Chúng tôi dành thời gian cho nghiên cứu tài liệu, chọn phương pháp, phương tiện giảng dạy sao cho tiết dạy có hiệu quả..." (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Từ khi Bộ cho phép giáo viên sử dụng giáo án vi tính và giáo án trình chiếu (Powerpoint), giáo viên chúng tôi như được cởi trói. Việc soạn giáo án trở nên nhẹ nhàng, không mất thời gian nhiều nữa. Chúng tôi dành thời gian cho nghiên cứu tài liệu, chọn phương pháp, phương tiện giảng dạy sao cho tiết dạy có hiệu quả, với phương châm dạy là biến điều khó hiểu thành dễ hiểu, điều phức tạp thành điều đơn giản để học sinh dễ hiểu, dễ học, dễ nhớ và dễ vận dụng. Theo tôi, đó chính là việc góp phần nâng cao chất lượng dạy học thiết thực nhất.
Vậy mà, qua thông tin tôi được biết, hiện nay vẫn có những nơi giáo viên phải soạn giáo án… viết tay. Thật sự, tôi thấy buồn cho giáo viên nơi đó. Không biết lãnh đạo phòng giáo dục huyện X, tỉnh Y dựa trên cở sở nào mà đề ra chủ trương giáo án thì phải viết tay như vậy? Đó có phải là nhằm mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy không? Mà nếu có mục đích đó, chúng ta cần có một sự nghiên cứu tìm hiểu thực tế rồi mới kết luận, chỉ đạo thực hiện.
Ở đây, tôi có thể khẳng định rằng chủ trương “giáo án thì phải viết tay” là đi ngược xu thế của khoa học kỹ thuật. Hiện nay, chúng ta đang ở trong thời kỳ cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ tư (4.0) và Bộ GD-ĐT cũng đưa ra chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học từ lâu rồi, mà sao hôm nay huyện X lại quay về thời kỳ cách đây đã hơn mười năm!
Đã hơn 30 năm giảng dạy bộ môn Lịch sử - Giáo dục công dân ở trường THCS, tôi và những đồng nghiệp đều thừa nhận rằng soạn giáo án không phải điều quan trọng trong dạy học, mà quan trọng là phương pháp và phương tiện dạy học trên lớp. Bây giờ, nhờ có phương tiện trình chiếu mà học sinh có trực quan hình ảnh sinh động, phong phú, gây được hứng thú học tập, tiết học có hiệu quả rõ ràng hơn dạy truyền thống “bảng đen phấn trắng”.
"Chất lượng dạy học chính là lương tâm, trách nhiệm của từng người thầy" (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Nếu không cho giáo viên sử dụng giáo án vi tính cũng đồng nghĩa là không sử dụng luôn giáo án trình chiếu, đó là sự thụt lùi đáng tiếc. Nói “giáo án phải viết tay để đảm bảo chất lượng” thì cần phải xem lại có cơ sở thực tế không? Còn để quản lý, tránh trình trạng giáo viên sao chép giáo án của đồng nghiệp khác thì nên xem lại trách nhiệm của tổ trưởng, ban giám hiệu khi ký duyệt giáo án của giáo viên.
Khi giáo viên soạn giáo án không đúng theo quy định hay “đạo giáo án” thì không được duyệt để dạy, và phải có hình thức xử lý. Còn việc sao chép không phải là điều cần cấm đoán nếu kiến thức đó đúng, phù hợp với học sinh, bởi giáo viên có thể chia sẻ học tập lẫn nhau, cái chính là hiệu quả tiết dạy chứ không phải chấm giáo án.
Nhiều giáo án soạn rất công phu nhưng thực hiện dạy trên lớp không đạt hiệu quả. Ngược lại, nhiều giáo viên dạy giỏi, dạy hay không phải chỉ nhờ giáo án. Dạy học là một nghệ thuật mà mỗi giáo viên có phương pháp cách thức truyền thụ khác nhau, không nhất thiết phải bám vào giáo án, ngay cả sách giáo khoa cũng chỉ là tài liệu thôi mà.
Mong rằng các cấp quản lý tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong việc dạy học. Nếu được, nên miễn soạn giáo án mới hàng năm cho giáo viên có thâm niên giảng dạy từ 5 năm trở lên, rất nhiều thầy cô sẽ ủng hộ.
Còn chất lượng dạy học chính là lương tâm, trách nhiệm của từng người thầy, chứ không phải những bản “giáo án viết tay”.
Tác giả: Nguyễn Văn Lực
Nguồn tin: Báo VietNamNet