Từ năm 2012 đến nay, diện tích đất nông nghiệp của người dân tại vùng hạ lưu dọc 2 bờ sông Mã thuộc 2 xã Cẩm Tân và Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) bị sạt lở ngày một nghiêm trọng do hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp tại các mỏ 45, 46, 47 gây ra. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN |
Hiện diện tích sạt lở ngày càng lớn, có đoạn ăn sâu vào bãi bồi khoảng 10 mét, ảnh hưởng đến đất nông nghiệp của nhân dân.
Được biết, năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định cấp phép khai thác hai mỏ cát 45, 46 thuộc xã Cẩm Vân và mỏ 47 thuộc xã Cẩm Tân cho các doanh nghiệp với thời hạn 5 năm. Đến tháng 7/2017, các doanh nghiệp ngừng hoạt động tại đây do đã hết hạn khai thác.
Tới tháng 6/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ra quyết định cho phép doanh nghiệp Thắng Hiền thăm dò khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng tại mỏ cát số 45, thuộc địa phận xã Cẩm Vân.
Theo người dân, những năm gần đây, doanh nghiệp khai thác cát rầm rộ tại các mỏ cát số 45, 46, 47, cộng thêm nhiều đợt mưa lũ đã gây ra tình trạng sạt lở đất nông nghiệp bên bờ sông.
Tại thôn Quan Bằng, xã Cẩm Vân, diện tích sạt lở bờ sông tương đối lớn, nước sông đã chạm đất nông nghiệp của người dân. Một số gia đình lo sợ sạt lở nên đã di dời.
Ông Phạm Hồng Quân, thôn Quan Bằng, xã Cẩm Vân cho biết, tình trạng sạt lở đất luôn xảy ra, mỗi năm lấn vào 3-4 mét đất. Nhà ông hiện nay chỉ cách bờ sông 13 mét.
Nếu không có giải pháp khắc phục khoảng 5, 6 năm tới, nước sông sẽ vào đến nhà. Ông Quân mong muốn các cấp, ngành sớm xây kè bờ sông để phòng sạt lở.
Tại thôn Vân Trai, xã Cẩm Vân, diện tích đất bờ sông sạt lở đã ăn sâu vào bãi bồi 10 mét và ảnh hưởng tới đất nông nghiệp. Nhiều diện tích đất trồng cây ngô bị cuốn trôi xuống sông Mã.
Ông Nguyễn Ngọc Văn, Trưởng thôn Vân Trai cho hay, từ khi hình thành các mỏ cát, nơi đây hay bị sạt lở. Hiện cả thôn đã mất 5 ha đất sản xuất, mong Nhà nước sớm tạo kè chống sạt lở.
Theo ông Trương Công Hòa, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân, việc sạt lở bờ sông Mã hiện chưa rõ nguyên nhân vì địa điểm doanh nghiệp đã khai thác chưa xảy ra tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, vùng hạ lưu, thượng lưu đã có sạt lở.
Hiện UBND tỉnh đã đồng ý cho hai doanh nghiệp thăm dò trữ lượng cát. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm báo cáo xã và UBND huyện Cẩm Thủy về trữ lượng nhưng đến nay chưa có báo cáo.
Ông Nguyễn Khắc Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Thủy cho biết, tháng 7/2017, các mỏ cát 45, 46, 47 hết hạn nên ba doanh nghiệp dừng hoạt động khai thác. Trước ý kiến cử tri các xã Cẩm Vân và Cẩm Tân, UBND huyện đã lập đoàn kiểm tra vào năm 2017.
Kết quả kiểm tra cho thấy có hiện tượng sạt lở tại khu vực bãi Vân, thôn Vân Trai, bãi Gò thôn Eo Lê. Đến tháng 7/2018, nhiều vị trí tại các xã Cẩm Vân, Cẩm Tân đã bị sạt lở.
Để hạn chế sạt lở, UBND huyện cập nhật thời tiết, thông báo cho bà con nhằm giảm thiệt hại, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng đầu tư xây bờ kè chống sạt lở tại thôn Quan Bằng.
Tỉnh Thanh Hóa cần sớm có phương án khắc phục sạt lở đất bên bờ sông Mã, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân./.
Tác giả: Nguyễn Nam
Nguồn tin: Báo TTXVN