Bà Lê Thị Kim Phụng và bà Trần Thị Quyên cùng ngụ ấp An Viễng (xã Bình An, huyện Long Thành, Đồng Nai). Khoảng 8 giờ sáng 31-12-2016, hai bà xảy ra mâu thuẫn , cãi vã . Mọi người can ngăn nên chuyện tạm dừng ở đó, cả hai bà ai về nhà nấy.
Bên bảo bị rạch, bên nói chỉ cắn
Tuy nhiên, chưa nguôi cơn ấm ức nên khoảng năm phút sau, hai bà lại… lao vào nhau vật lộn. Cuộc xô xát khiến bà Phụng bị đứt lìa 2/3 trên ngoài vành tai trái, lộ sụn, dập nát. BV Tai Mũi Họng TP.HCM đã cắt lọc khâu lại tai cho bà và điều trị nội khoa.
Bà Phụng làm đơn yêu cầu xử lý hình sự, cho rằng bà đã bị bà Quyên dùng dao lam cắt tai. Trong khi đó, bà Quyên luôn khẳng định mình chỉ dùng răng cắn bà Phụng một nhát.
Theo kết quả giám định pháp y của Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Nai, căn cứ vào Thông tư 20/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế thì đối với thương tích mất một phần một vành tai hoặc sẹo co rúm một vành tai thì tỉ lệ tổn thương cơ thể là 5%-9%.
Do đó, tỉ lệ tổn thương cơ thể của bà Phụng do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 9%. Vật gây thương tích là vật tày (cơ quan chức năng không thu giữ được vật chứng). Cũng theo kết quả giám định pháp y, hiện vết thương của bà Phụng đã liền sẹo.
Cái tai bị đứt 2/3 hiện đã liền sẹo của bà Phụng. Ảnh: HG |
Chỉ phạt hành chính
Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Long Thành đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo khoản 2 Điều 107 BLTTHS hiện hành vì hành vi của bà Quyên không cấu thành tội phạm. Bà Quyên chỉ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi xâm hại sức khỏe của người khác theo điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013 bằng hình thức phạt tiền 2,5 triệu đồng.
VKSND huyện Long Thành cũng thống nhất quan điểm với cơ quan CSĐT.
Bà Phụng khiếu nại đến cơ quan CSĐT và VKS huyện cho rằng mình đã bị bà Quyên cắt tai bằng dao lam nhưng đều bị bác đơn. Lý do mà hai cơ quan này đưa ra là bà Quyên chỉ dùng răng cắn bà Phụng. Việc dùng răng cắn đứt 2/3 vành tai gây thương tích 9% của bà Quyên không cấu thành tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS hiện hành.
VKS tỉnh yêu cầu rút kinh nghiệm
Bà Phụng tiếp tục khiếu nại đến VKSND tỉnh Đồng Nai.
Mới đây, giải quyết khiếu nại của bà Phụng, viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai nhận định rằng nội dung đơn khiếu nại của bà Phụng là có cơ sở. Cơ quan CSĐT và VKS huyện Long Thành không khởi tố vụ án là bỏ lọt tội phạm, cần kiểm điểm rút kinh nghiệm.
“Tôi ấm ức lắm”…
Tôi yêu cầu khởi tố cả ba người là bà Quyên và hai người giúp sức cho bà Quyên đè tôi xuống đất để ra tay. Tôi bị cắt tai bằng dao lam chứ không phải bị cắn bằng răng. Hiện tai trái của tôi bị điếc, phải điều trị tại nhà, sức khỏe sa sút mà lại phải chịu nhiều ấm ức từ việc giải quyết của cơ quan chức năng. Một lời xin lỗi tôi cũng không được nhận từ những người đã gây ra thương tật cho tôi. Tôi nhiều lần xin được giám định thương tật lần hai nhưng không nơi nào giải quyết…
Bà LÊ THỊ KIM PHỤNG
Theo viện trưởng VKS tỉnh, đối chiếu với quy định pháp luật tại thời điểm xảy ra vụ việc (ngày 31-12-2016) thì hành vi dùng răng cắn tai gây thương tật 9% cho người khác là đã cấu thành tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, căn cứ vào Nghị quyết 41/2017 của Quốc hội về thi hành BLHS 2015, Công văn 276 ngày 13-9-2016 của TAND Tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội, Công văn 256 ngày 31-7-2017 của TAND Tối cao về việc thi hành khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017 và đối chiếu với quy định tại Điều 134 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 thì đến thời điểm hiện nay, hành vi của bà Quyên không còn bị quy định là tội phạm nên không đủ cơ sở để xử lý về tội cố ý gây thương tích.
Từ đó, viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai kết luận không cần thiết phải hủy quyết định giải quyết khiếu nại của viện trưởng VKSND huyện Long Thành.
Thoát tội nhờ luật mới bỏ tình tiết định tội Hành vi cắn đứt tai bà Phụng của bà Quyên thuộc trường hợp “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân”, vừa là dấu hiệu định tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 vừa là dấu hiệu định khung hình phạt theo khoản 2, khoản 3 Điều 104 BLHS hiện hành. Theo Nghị quyết 02 ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” là trường hợp “làm mất một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm mất chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm giảm chức năng hoạt động của một bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nạn nhân mà tỉ lệ thương tật dưới 11%”. Điều 134 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 đã bỏ tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân”. Do đó, với tỉ lệ thương tật 9% của nạn nhân thì hành vi của bà Quyên chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích theo luật mới. |
Tác giả: Phương Loan
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM