Giáo dục

Cần giảm áp lực trước kì thi để có kết quả tốt nhất

Áp lực từ gia đình, từ bạn bè, từ những kiến thức “chất đống” như núi chắc chắn sẽ khiến bạn không khỏi lo lắng.

Đang trong thời gian chạy nước rút cho kì thi THPT Quốc Gia vỏn vẹn còn chưa tới 20 ngày nữa, trước kì thi rất quan trọng ấy, áp lực là điều khó tránh khỏi. Áp lực từ gia đình, từ bạn bè, từ những kiến thức "chất đống" như núi chắc chắn sẽ khiến bạn không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, để có một kì thi thành công và đúng với năng lực của bản thân, cần phải "loại ngay" áp lực để có được kết quả tốt nhất.


"Em không thể ngủ được"

Chia sẻ của bạn Võ Ngọc Trâm- một học sinh trường THPT Đông Hà sắp sửa bước vào kì thi THPT Quốc Gia. Nhìn em tỏ rõ sự mệt mỏi và lo lắng, em cho biết: "Mấy hôm nay em không thể ngủ được, dù đã học đến rất khuya tuy nhiên nhắm mắt lại là em rất lo lắng. Càng học em càng thấy nhiều kiến thức còn thiếu. Em mong từng ngày để nhanh chóng kết thúc kì thi này." Đó không chỉ là khó khăn mà riêng Trâm gặp phải, hầu như sĩ tử nào đều có tâm lí chung như vậy. Những ngày học nước rút, lượng kiến thức thì vô hạn, càng học mới cảm thấy mình còn "hổng" rất nhiều, lo lắng cho tương lai, áp lực trước kì thi quan trọng, đã có không ít những câu chuyện thương tâm vì quá áp lực – các em đã chọn con đường dại dột để không phải đối mặt với nó. Dù cho Bộ GD&ĐT đã tìm nhiều biện pháp để cải cách tuyển sinh nhằm giảm áp lực cho các em, tuy nhiên điều đó vẫn chưa thực sự triệt để bởi vì tính chất quan trọng của kì thi. "Không lo sao được hở anh" – Trâm chia sẻ thêm – "Kì thi này quyết định đến ngành nghề sau này, bố mẹ tuy không phải quá áp đặt, tuy nhiên cũng dõi theo em từng bước một, kể cả họ hàng nội ngoại đều hỏi han khiến em cảm thấy rất áp lực. Bây giờ mọi thứ đều gác lại cho kì thi, ngay cả lúc ăn hay ngủ em cũng đều nghĩ đến nó. Thực sự em rất lo." Đó là tâm lí của sĩ tử những ngày gần kề, mọi thứ đè nặng từ trong suy nghĩ đến việc làm. Chạy đôn chạy đáo để học thêm, "cày" liên tục hàng giờ để cố "nhét" thêm kiến thức.

Đừng tự mình tạo ra áp lực

Nếu bạn muốn có được một kì thi thành công, trước tiên phải chuẩn bị thật tốt mọi thứ và tâm lí là điều cần phải rèn ngay từ bây giờ. Nhiều bạn học rất tốt, nhưng vì quá lo lắng nên đổ bệnh, không thể ôn tập thậm chí không tham gia kì thi được. Nhiều trường hợp vào phòng thi "quá run" nên không thể làm bài và buộc phải bỏ lỡ, nhiều bạn mất bình tĩnh dẫn đến sai sót không đáng có. Rất nhiều câu chuyện "dở khóc dở cười" vì quá áp lực của sĩ tử qua mỗi mùa thi. Áp lực một phần do chính bạn tạo ra, lo lắng "không biết mình học thế đã đủ chưa?"; "Không biết năm nay đề ra dạng gì?" hay "Lỡ mình rớt thì làm sao đây?",... rất nhiều câu hỏi các bạn tự đặt ra và vô tình làm bản thân mình thêm áp lực. Luôn suy nghĩ lo lắng khiến việc ôn tập không thể tập trung được, không phải học nhiều là hiệu quả, cách học hiệu quả là học với sự thoải mái và tập trung cao độ. Học trong áp lực chẳng khác gì bạn đang học "vẹt" rất khó nắm bắt và sẽ chóng quên. Vì vậy, ngay từ bây giờ bạn cần tạo tâm lí thoải mái cho bản thân, yên tâm ôn tập theo đúng nội dung trong sách giáo khoa, dẹp bỏ ngay những lo lắng cho tương lai hay "sợ hãi" khi nghĩ về lúc vào phòng thi. Tâm lí thoải mái, không lo lắng, tự tin vào bản thân và lên thời gian biểu ôn tập một cách khoa học. Đừng tự mình làm hại mình trước những lo lắng không đáng có, hãy nhớ thoải mái và tập trung cao độ mỗi khi ngồi vào bàn nếu bạn không muốn tự mình đánh mất thành công.


Bố mẹ hãy là những người bạn đồng hành cùng con cái

Nếu bố mẹ hay gia đình tạo ra áp lực cho bạn, hãy nhớ rằng mình đã 18 tuổi. Bạn đủ lớn để có thể có những quyết định riêng cho bản thân. Tất nhiên cần tham khảo ý kiến của gia đình, cân nhắc kĩ lưỡng và chọn ngành nghề sao cho phù hợp. Bố mẹ luôn kì vọng rất nhiều vào con cái, mong muốn định hướng cho con theo những ngành "hot", tuy nhiên chính điều đó vô tình lại tạo ra những áp lực đè nặng lên chính đôi vai của con mình. Mỗi phụ huynh cần tôn trọng và lắng nge ý kiến của con, trao đổi và tìm tiếng nói chung với con của mình. Nếu bố mẹ cứ đòi hỏi bạn phải thế này, phải đạt được điểm cao hay học ngành "hot" thì bạn nên có buổi nói chuyện với bố mẹ, lắng nge nhiều lời khuyên và đưa ra quyết định cho bản thân. Nếu bị áp đặt, hãy tạm gác lại chuyện đó để tập trung thi thật tốt, sau khi có kết quả chứng minh năng lực bản thân, hãy lấy đó để thuyết phục bố mẹ tin tưởng ở bạn. Đừng quá lo lắng, bố mẹ luôn muốn điều tốt nhất cho bạn mà thôi. Với phụ huynh cũng vậy, hãy là những người bạn đồng hành cùng con cái. Luôn ở bên để lắng nge tâm tư, nguyện vọng của con, hãy tin tưởng và tập cho con tính tự lập, tự quyết định và chịu trách nhiệm về những việc làm đó. Đừng gây áp đặt mà hãy định hướng cho con. Gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc cho các sĩ tử, dù lo lắng thì quý vị phụ huynh cũng không nên thể hiện điều đó quá nhiều, vô tình sẽ gây áp lực. Để con cái có tâm lí thoải mái là điều cần thiết khi đứng trước kì thi quan trọng đang gần kề.

Một vài điều bạn nên làm để giảm áp lực

Áp lực là không thể tránh khỏi, tuy nhiên hãy giảm nó đến mức thấp nhất có thể. Bạn không nên suy nghĩ quá nhiều mà thay vào đó là tập trung để ôn luyện lại kiến thức. Bây giờ không phải là lúc để trau dồi, mà là lúc ôn lại kiến thức cho thật chắc chắn. Tự tin trước những gì mình đã học được. Bạn nên dành một ít thời gian để thư giãn hay vận động nhẹ, hạn chế "cày đêm" sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Ăn uống đủ dưỡng chất và ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Nhớ không ăn tùy tiện hay quá nhiều, sẽ không tốt một tí nào cả. Những lúc lo lắng, hãy phụ giúp bố mẹ việc nhà hoặc ghé nhà bạn bè để trò chuyện, trao đổi việc học. Bạn nhớ giữ gìn sức khỏe, lịch trình ôn tập khoa học, dành nhiều thời gian rãnh cho gia đình. Nhớ tự tin vào bản thân mình, nếu quá căng thẳng hãy chia sẻ điều đó với bố mẹ hoặc những người bạn thân, bạn sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều. Vào phòng thi nhớ bình tĩnh, hít thở thật sâu và đều đặn, trước khi vào phòng cũng nên trò chuyện với những thí sinh cùng phòng thi, làm quen nhau sẽ giúp bạn cảm thấy gần gũi và giảm áp lực hơn.

Muốn có một kì thi thành công, trước tiên bạn phải vượt qua áp lực của chính bản thân mình. Căng thẳng sẽ phá vỡ tất cả, một kì thì đòi hỏi tập trung cao độ, bạn phải "dẹp" ngay sự lo lắng để chuẩn bị "đối mặt" với nó. Áp lực hay không phần nhiều là do suy nghĩ tiêu cực ở bạn gây ra, tự mình vượt qua áp lực để có được một kì thi thành công hay chí ít bạn cũng không phải hối hận vì những điều không đáng có.

Tác giả bài viết: Nguyễn Huy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok