Trong nước

Cán bộ nhà nước phải công khai danh tính khi dùng mạng xã hội(!?)

Một trong những nội dung quan trọng trong Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội Bộ Thông tin - Truyền thông đang soạn thảo là công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước khi sử dụng mạng xã hội phải dùng họ tên và hình ảnh thật, công khai cơ quan đang công tác.

Ngày 14/12, sau Hà Nội, Bộ Thông tin - Truyền thông tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến về việc xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam” (gọi tắt là Bộ quy tắc) tại TPHCM.

Tại hội thảo, ông Đỗ Quý Vũ - Phó viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông báo cáo kết quả nghiên cứu của Viện về Bộ quy tắc này. Theo số liệu ông Vũ cung cấp, hiện Việt Nam có 436 mạng xã hội được cấp phép, chỉ riêng facebook đã có 55 triệu người sử dụng (chiếm 57% dân số)...

Ông Đỗ Quý Vũ - Phó viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông

Ông Đỗ Quý Vũ - Phó viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông báo cáo kết quả nghiên cứu của Viện về thực tế sử dụng mạng xã hội của người dân

Mạng xã hội giúp kết nối các mối quan hệ nhanh chóng hơn, tạo nhiều tiện lợi khác cho đời sống. Tuy nhiên, một thực tế là các thông tin tiêu cực, tin giả, tin thất thiệt... trên mạng xã hội cũng gây ra rất nhiều thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức.

Theo khảo sát của chương trình nghiên cứu internet và xã hội, những phát ngôn mang tính tiêu cực trên mạng xã hội chiếm tỷ lệ rất lớn, chủ yếu tập trung ở những biểu hiện như phỉ báng người khác; vu khống, bịa đặt thông tin; kỳ thị dân tộc; kỳ thị giới tính; kỳ thị khuyết tật; kỳ thị tôn giáo...

Có mặt tại hội thảo, đại diện công ty Suntory PepsiCo Việt Nam cũng nêu ví dụ về thông tin thất thiệt trên mạng xã hội đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn đối với đơn vị này. Đó là vào tháng 6/2016, bất ngờ 1 trang tin nước ngoài có địa chỉ rất lạ lẫm đưa tin 15 em học sinh ở Tuyên Quang nhập viện sau khi uống nước Sting (1 nhãn hàng của công ty này) và sau đó 2 em qua đời.

Dù đây là tin thất thiệt, không có địa chỉ, không cơ quan chức năng xác nhận, hình minh họa cũng lấy từ 1 trang tin nước ngoài khác... nhưng rất nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ với tốc độ chóng mặt, gây hoang mang trong người tiêu dùng. Công ty này phải mất 7 - 10 ngày làm việc với facebook để tháo gỡ các thông tin sai sự thật này.

Theo ông Đỗ Quý Vũ, việc người sử dụng mạng xã hội dễ có những phát ngôn mang tính tiêu cực trên mạng xã hội là vì họ cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm.

Do đó, 1 trong những quy tắc quan trọng trong Bộ quy tắc mà Bộ Thông tin - Truyền thông đang soạn thảo là công khai. Theo đó, nhà cung cấp dịch vụ phải công khai việc thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người sử dụng. Người sử dụng dịch vụ công khai sự xuất hiện của mình trên mạng xã hội bằng cách sử dụng đúng thông tin cá nhân, tổ chức.

Cụ thể, đối với tổ chức sử dụng mạng xã hội phải công khai danh tính, đầu mối liên lạc của cá nhân có trách nhiệm phát ngôn trên trang mạng xã hội của tổ chức và cá nhân trực tiếp thực hiện quản trị, đăng tải nội dung thông tin lên trang mạng xã hội.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội, phải công khai sự xuất hiện trên mạng bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan đang công tác; ứng xử trên mạng xã hội có văn hóa, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính...

Theo ông Đỗ Quý Vũ, những quy tắc trên vẫn đang được ban soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị trước khi hoàn tất, trình cấp thẩm quyền phê duyệt ban hành.

Tác giả: Tùng Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok