Được nghe thời gian gần đây, người dân ấp Cây Thông Ngoài (xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc) cứ trời mưa là “lo nơm nớp” vì sợ ngập lụt, sạt lở. Nguyên nhân xuất phát từ việc có nhiều gia đình xây nhà và kè bê tông lấn suối Cau 2 gây ách tắc dòng chảy.
Thoạt đầu, khi nghe câu chuyện đó, tôi rất bức xúc vì sự tham lam, ích kỷ, thiển cận và vô ý thức của những hộ dân có nhà sát suối. Chỉ vì chút lợi ích của mình mà đánh đổi sự an toàn, bình yên của cả một vùng đất.
Nhưng khi tìm hiểu kỹ sự việc, hóa ra, những người dân đó lại… không hoàn toàn có lỗi. Ít nhất trên phương diện giấy tờ. Mà người thực sự có lỗi ở đây là những cán bộ đo đạc đất đai năm xưa đã “bấm nhầm” tọa độ cho hơn chục hộ dân sống ven suối (theo tọa độ được bộ Tài nguyên – Môi trường đo đạc). Từ đó, tọa độ đất lấn sang các đoạn suối và diện tích này đã được cấp sổ đỏ, đương nhiên trên giấy tờ, nó thuộc quyền sở hữu của người dân.
Nhiều hộ dân xây nhà, xây kè lấn chiếm lòng suối khiến dòng chảy của nước bị cản trở. Ảnh: CAND. |
Không biết những người dân ở Phú Quốc cảm thấy thế nào chứ với một kẻ bất mãn số phận như tôi, tôi cảm thấy “quý trọng” sự nhầm lẫn của các cán bộ địa chính đó vô cùng?!
Chẳng là số tôi có cô gắng phấn đấu, xoay xở thế nào cũng cứ “nhàng nhàng”, mãi không thể thành “đại gia”. Vì thế nên trong đầu tôi lúc nào cũng đau đáu khát vọng làm giàu. Và đương nhiên, “sự nhầm lẫn” của các cán bộ địa chính ở Phú Quốc càng khiến tôi phải trăn trở hơn về “số phận” của mình…
Kể mà các cán bộ địa chính nơi tôi làm việc cũng “bấm nhầm” như các cán bộ ở Phú Quốc thì chắc chắn giờ đây tôi đã được thỏa mãn với mong ước “đại gia” của mình. Bởi cạnh nhà tôi không phải sông, suối, chẳng phải núi, đồi. Cạnh nhà tôi là một bãi đất bỏ hoang. Mà tấc đất là tấc vàng, chỉ cần “nhầm” một “tấc đất” về phía mảnh đất bỏ hoang kia, dù hậu quả có là sự tranh chấp nảy lửa, có là mất tình làng nghĩa xóm, tôi cũng mãn nguyện.
Mà có lẽ không chỉ có mình tôi mong muốn được làm việc cùng những cán bộ đo đạc “bấm nhầm”. UBND thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Thanh Hóa) chắc hẳn cũng mong muốn được làm việc với những nhân sự hay “nhầm lẫn” như vậy. Bởi sự “nhầm lẫn” sẽ dễ dàng giúp chính quyền nơi đó hiện thực hóa những “dự đoán” về ảnh hưởng của thiên tai lên vùng đất của mình.
Đương nhiên, khi mảnh đất của những hộ gia đình ở Hồng Lĩnh bị sạt lở, ngập lụt thật thì chắc chắn rằng câu chuyện lùm xùm ở Thanh Hóa liên quan đến dự án đất tái định cư khẩn cấp cho người dân sẽ chẳng khiến dư luận phải phẫn nộ, lên án như thế.
Tuy nhiên, đó là mong ước của một số người dân ở những vùng đất khác. Còn ở huyện Phú Quốc, sau khi phải gánh chịu hậu quả nhãn tiền của sự "nhầm lẫn" thì chắc chắn họ chẳng mong có bất cứ một sai sót gì trong công tác quản lý nữa.
Chúng ta trách người dân thiển cận, tham lam. Tại sao không trách những cán bộ năm xưa đã bất cẩn?
Tác giả: Bảo Trang
Nguồn tin: Báo Người đưa tin