Những đứa trẻ ước mơ sẽ trở thành chính trị gia, kỹ sư, bác sĩ, bộ đội, công an, tài xế… nhưng cán bộ phường thì không bao giờ xuất hiện trong những ước mơ ấy. Bởi công việc làm cán bộ phường được nhìn nhận là đơn giản, không có gì đáng để ao ước.
Làm cán bộ hành chính cấp phường là một công việc vô danh, và thực tế không mấy người nhớ tên chủ tịch phường nơi mình sinh sống là gì. Rất hiếm hoi mới có cán bộ phường nổi tiếng như anh Hiếu, chị Hà ở Văn Miếu, Hà Nội. Oái oăm, đó là sự nổi tiếng không một ai mong muốn.
Trong hệ thống tổ chức chính quyền, những cán bộ phường như anh Hiếu, chị Hà là những người gần gũi công chúng nhất. Họ vừa là cánh tay, vừa là bộ mặt của chính quyền để thực hiện nhiệm vụ giao tiếp với công dân.
Một đứa trẻ sinh ra, một người già qua đời, những cặp đôi chung sống… tất cả những thủ tục cơ bản nhất trong cuộc đời chúng ta đều đi qua bàn tay xử lý của cán bộ cấp phường. Nói một cách khác, cán bộ phường can dự vào cuộc sống của tất cả chúng ta. Song, chúng ta chỉ để ý đến họ trong những tình huống kiểu anh Hiếu, chị Hà, khi chúng ta có cảm xúc tiêu cực với việc bị nhiễu nhương, hành hạ.
UBND phường Văn Miếu, Hà Nội, nơi vừa xảy ra vụ lùm xùm "chậm cấp giấy chứng tử" |
Không một ai muốn nhìn thấy cán bộ cấp phường theo cách chúng ta đang nhìn những anh Hiếu, chị Hà. Nhưng không một ai phấn đấu học hành, rèn luyện để trở thành một cán bộ phường, không một đứa trẻ nào ước mơ lập thân với công việc như thế. Thậm chí, ngay cả quy định của nhà nước về tiêu chuẩn của cán bộ phường cũng vô cùng khiêm tốn.
Tiêu chuẩn của cán bộ cấp phường được quy định tại Điều 3 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ như sau:
Về độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên.
Về trình độ văn hóa: Tốt nghiệp trung học phổ thông;
Về trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của chức danh công chức được đảm nhiệm;
Về trình độ tin học: Có chứng chỉ tin học văn phòng trình độ A trở lên;
Với một công việc không đáng ước mơ, không đáng là lựa chọn lập thân, không đòi hỏi tiêu chuẩn cao (đồng nghĩa với mức độ ghi nhận của nhà nước không cao), điều đó có nghĩa cán bộ phường ở vị trí rất khiêm tốn trong các nấc thang xã hội.
Cán bộ phường, là cánh tay, là bộ mặt của chính quyền trong giao tiếp với nhân dân, họ cũng giống như giao dịch viên là bộ mặt của ngân hàng khi giao tiếp với khách hàng, giống người thu ngân là bộ mặt của siêu thị. Vậy điều gì khiến họ quên đi trách nhiệm công bộc, trách nhiệm công chức.
Những cán bộ phường ngồi sau ô kính của ngôi nhà uỷ ban và chứng thực cuộc đời của hàng vạn con người. Thiếu con dấu từ bàn tay họ đóng, các giao dịch dân sự không thể thành công, những đứa bé sẽ không có tên, những đôi uyên ương không thể về một nhà, những cụ già qua đời có thể không được chôn…
Nếu như họ nhìn tất cả những điều đó, nhìn con dấu mà họ được giao bảo quản và sử dụng như một công cụ làm việc để phục vụ khách hàng, họ sẽ chăm sóc sao cho khách hàng hài lòng nhất.
Còn nếu họ nhìn những điều đó như một thứ quyền lực của mình, họ sẽ trở thành những anh Hiếu, chị Hà.
Họ thường chọn cách nhìn thứ hai, bởi khác với những nhân viên giao dịch chăm sóc khách hàng, họ là công chức, là cán bộ, và điều đó đồng nghĩa với việc họ có một tương lai thăng tiến trên con đường quyền lực. Sự lựa chọn ấy được hình thành bởi định danh của nhà nước.
Nếu họ được định danh là người lao động của một đơn vị hành chính công với nhiệm vụ phục vụ khách hàng là công dân đến làm thủ tục. Họ sẽ phải niềm nở với các “thượng đế” nếu không muốn bị sa thải vì thái độ phục vụ.
Nếu họ được định danh là công chức nhà nước với các chức danh hành chính, họ sẽ xác định bản thân là người nắm giữ quyền lực nhà nước để ban phát cho nhân dân, họ sẽ chỉ nhìn thấy những quyền lực bé mọn của mình.
Tác giả: Phạm Trung Tuyến
Nguồn tin: Báo VietNamNet