Trong nước

Cần 17.000 tỷ đồng để di dời trụ sở 13 Bộ, ngành khỏi trung tâm

Với 3 phương án di dời trụ sở các Bộ, ngành, đơn vị nghiên cứu chỉ ra nhu cầu tài chính dao động từ 12.000 đến 17.000 tỷ đồng.

Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) vừa gửi Bộ trưởng Xây dựng báo cáo bổ sung phương án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các bộ, ngành trung ương tại Hà Nội. Cơ quan này đưa ra 3 phương án di dời.

Phương án thứ nhất, VIUP đề xuất di chuyển trụ sở 12 bộ, ngành về khu vực Tây Hồ Tây trên khu đất có diện tích 35 ha. Các Bộ sẽ di chuyển về đây gồm Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Công Thương, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh Xã hội, Y tế, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Thông tin & Truyền thông, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Riêng trụ sở Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang xây dựng tại Mễ Trì Hạ.

Với phương án này, bình quân mỗi cơ quan sẽ được xây dựng trên diện tích từ 1,5 đến 2 ha. Tổng số người làm việc dự kiến khoảng 14.000 người. VIUP cũng tính toán, với các công trình có chiều cao dự kiến 15-20 tầng và 3-4 tầng ngầm thì số vốn cần cho việc di dời vào khoảng 11.897 tỷ đồng.

Đơn vị nghiên cứu cũng cho biết, nguồn vốn này sẽ được huy động từ chuyển đổi 50 ha tại Mễ Trì Hạ thu về 10.000 tỷ đồng, vốn chuyển đổi đất trụ sở cũ gần 1.900 tỷ đồng.

Trụ sở mới của Bộ Nội vụ trên đường Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Võ Hải

Trụ sở mới của Bộ Nội vụ trên đường Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Võ Hải

Phương án thứ hai là đề xuất chuyển 12 trụ sở bộ, ngành và Bảo hiểm Việt Nam về Mễ Trì Hạ. Theo đó, bình quân mỗi cơ quan sẽ có diện tích 1,8-3 ha. Phần diện tích còn lại được dùng để bố trí hồ điều hòa, nhà khách, nhà công vụ, công viên cảnh quan... Do tính cả nhân sự của Bảo hiểm Việt Nam nên tổng số người làm việc dự kiến khoảng 15.000 người.

Với phương án này, cần khoảng 14.326 tỷ đồng để di dời. Trong đó nguồn vốn từ việc chuyển đổi 20 ha đất khu vực Tây Hồ Tây khoảng 8.000 tỷ đồng, chuyển đổi cơ sở cũ gần 6.330 tỷ đồng.

Phương án thứ ba, VIUP đề xuất sẽ bố trí 13 cơ quan tại 2 khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì Hạ. Trong đó 20 ha tại Tây Hồ Tây bố trí 6 bộ, ngành, bình quân 2-3 ha mỗi cơ quan. Ở Mễ Trì Hạ, trên 55 ha sẽ bố trí 7 cơ quan với diện tích 3-4 ha mỗi đơn vị.

Với phương án này, việc chuyển đổi 13 cơ quan cần 17.000 tỷ đồng, trong đó vốn chuyển đổi cơ sở cũ 12.000 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước 5.000 tỷ đồng.

Đơn vị nghiên cứu cũng đưa ra đánh giá về ưu, nhược điểm của từng phương án. Trong đó, ở phương án thứ 3 giúp các bộ, ngành có diện tích đất lớn song gây khó khăn về việc bố trí nguồn lực nhà nước.

Bên cạnh đó, theo VIUP, mỗi phương án cũng tạo nên áp lực giao thông với từng khu vực. Cụ thể, tại khu vực Tây Hồ Tây có hạ tầng đồng bộ, các dự án hiện tại có mật độ dân số trung bình thấp. Theo đó, việc phát triển mới 10.000 đến 14.000 người làm việc nằm trong kế hoạch tính toán quy hoạch của khu vực Tây Hồ Tây, cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng được. Trong khi đó, các tuyến giao thông khu vực Mễ Trì theo VIUP đánh giá hiện chịu áp lực tắc nghẽn giao thông rất lớn, quá tải hạ tầng.

Với phương án phân chia trụ sở làm việc thành 2 khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì, theo đơn vị nghiên cứu sẽ góp phần phân tán lượng người làm việc, giảm nguy cơ chất tải lớn tới hạ tầng.

Kế hoạch di dời trụ sở các Bộ, ngành khỏi trung tâm đã được đề ra từ nhiều năm trước và một số Bộ, ngành đã chuyển về trụ sở mới ở phía Tây thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh vướng mắc về nguồn vốn để triển khai thì một trong những vấn đề khiến việc di dời chậm trễ là dù được cấp đất xây trụ sở mới, nhưng các bộ ngành không bàn giao lại cơ sở cũ nằm trong quận trung tâm thủ đô.

Tác giả: Nguyễn Hà

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok