Theo cơ quan quản lý Angkor, pho tượng mới tìm được cao gần 2 mét, được tạc từ cuối thế kỷ 12 đến đầu thế kỷ 13 đã được phát hiện trong đợt khai quật hôm 29/7.
Các nhà khảo cổ Campuchia và chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore đã tìm thấy pho tượng nằm cách mặt đất khoảng 40 cm khi đang khai quật khu vực một bệnh viện từ thời kỳ Angkor được xây dựng dưới chiều đại Vua Jayavarman VII.
Mặc dù phần cánh tay và chân của pho tượng bằng sa thạch này đã bị vỡ, nhưng những nét chạm khắc trên thân và đầu của pho tượng vẫn còn rõ nét bất chấp thời gian. Các chuyên gia dự đoán pho tượng có thể được đặt trước bệnh viện như một biểu tượng người canh gác.
Du khách tham quan đền Bayon, một phần của Angkor Wat. Ảnh: AFP/TTXVN |
Khu quần thể Angkor, một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, từng là kinh đô của Đế chế Khmer phát triển rực rỡ hồi thế kỷ 9-15 và là điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của Campuchia. Phế tích của Angkor nằm giữa rừng và vùng đất canh tác nông nghiệp về phía Bắc của Biển Hồ và phía Nam của đồi Kulen, gần thành phố Siem Reap.
Quần thể di tích Angkor có trên 1.000 ngôi đền với kích cỡ và hình dáng khác nhau mang đậm phong cách kiến trúc Khmer, được xác định là thành phố thuộc tời kỳ tiền công nghiệp lớn nhất, đông đúc nhất thế giới. Trong nhiều thập kỷ qua, một phần lớn của khu vực này đã được khai quật tuy nhiên giới chuyên gia tin rằng còn rất nhiều kho báu kiến thức quý giá vẫn nằm sâu dưới các lớp đất của di tích này.
Nguồn tin: Báo Tin tức