Kinh tế

Cam xứ Nghệ kỳ vọng sẽ 'làm mưa làm gió' trên thị trường nội tiêu

Nói đến cam xứ Nghệ phải kể đến các vựa cam Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông… Tại những vùng đất này, diện tích cam vẫn không ngừng tăng lên từng ngày. Năng suất cao, giá cả tương đối ổn định, đầu ra rộng rãi đang giúp cây cam chiếm thế "thượng phong” trong các loại cây ăn quả.

Huyện Quỳ Hợp hiện có khoảng 2.000ha cam. Riêng xã Minh Hợp đã có gần 2.000 hộ trồng cam (70% dân số của xã) với tổng diện tích 1.200ha. Nhờ cây cam, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4%. Là một xã miền núi nhưng Minh Hợp có hàng trăm chiếc xe ô tô, trong đó có 200 xe con trị giá tiền tỷ/chiếc.
1cy cm dng xm thuc nhung doi keo
Cây cam đang “xâm thực” những đồi keo.

Năm 2010, người trồng cam Nghệ An đạt cột mốc mới, đánh dấu bước tiến lớn trong việc xây dựng thương hiệu khi các giống cam Vân Du, Sông Con, Xã Đoài trồng trên vùng đất thuộc các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp thương hiệu cam Vinh. Với mục đích nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng, ngoài các giống cam đã làm nên thương hiệu cam Vinh, người trồng cam nơi đây còn du nhập thêm nhiều giống mới như V2, cam Xã Đoài chín muộn, cam mát.

Việc du nhập các giống mới cũng sẽ giúp người trồng cam Nghệ An kéo dài thời gian thu hoạch, tránh được tình trạng tồn đọng hàng, bị tư thương ép giá. Nếu trước đây, thời gian thu hoạch cam trên cây chỉ 40 - 50 ngày thì nay, mùa cam hầu như khép kín thời gian trong năm, hễ loại cam này sắp thu hoạch thì các loại cam, quýt khác đã phủ hoa trắng cành.

Từ những huyện này, phong trào trồng cam còn lan rộng ra những huyện miền núi khác như Tân Kỳ, Thanh Chương, Anh Sơn… Nhiều vườn mía, chè, keo nguyên liệu… nay đã được thay bằng những vườn cam trĩu quả.

2nhieu ho du tu nhung con duong lon len doi cm
Nhiều hộ đầu tư mở những con đường lớn lên đồi cam.

Bà Trần Thị Hoa, xã Nghĩa Phúc (Tân Kỳ) cho biết, năm 2013, sau khi đi tham quan một số mô hình trồng cây ăn quả trong và ngoài tỉnh, bà quyết định chuyển các vườn mía sang trồng cam. Đến nay, gia đình bà đã có 6ha cam chuẩn bị vào thời kỳ kinh doanh. Năng suất mùa đầu có thể đạt 4 - 5 tấn/ha.

“Từ bỏ một cây trồng quen thuộc để chạy theo một đối tượng trồng mới “khó tính” là một quyết định mạo hiểm. Nhưng thời gian đã cho thấy, nếu chịu khó học hỏi, trồng đúng kỹ thuật thì cây cam sẽ cho “quả ngọt”. Trước đây trồng mía, năng suất đạt khoảng 55 tấn/ha, trừ chi phí lãi ròng khoảng 20 triệu đồng/ha/năm. Với cây cam, năng suất mùa đầu chỉ cần đạt 3 - 4 tấn/ha thì năm nay gia đình tôi cũng thu về trên 500 triệu đồng. Những năm tiếp theo, năng suất bình quân chỉ cần đạt 10 tấn/ha thì mỗi năm gia đình tôi sẽ thu hoạch gần 60 tấn cam/năm, đút túi không dưới 2 tỷ đồng, so với trồng mía thì hiệu quả hơn rất nhiều”, bà Hoa cho biết.

3cy cm phu hop voi nhieu vung dt ti nghe n
Cây cam phù hợp với nhiều vùng đất tại Nghệ An.

Cây cam “lên ngôi” là một trong những nguyên nhân khiến diện tích mía tại Tân Kỳ có dấu hiệu giảm. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Tân Kỳ, niên vụ ép 2014 - 2015 toàn huyện có 6.700ha thì niên vụ 2015 - 2016 chỉ còn 5.400ha, xu hướng giảm diện tích mía, tăng diện tích cam vẫn tiếp tục diễn ra.

Tại huyện Thanh Chương, phong trào trồng cam cũng đang nở rộ. Ông Lê Đình Toàn, xóm Hòa Liên, xã Thanh Hòa cho biết: “Trước đây, diện tích 8 sào này (4.000m2 - PV) trồng chè, gia đình tôi thu được 4 - 4,5 tấn chè búp (10 - 12 tấn/ha - PV), tính ra tổng thu chưa đến 20 triệu đồng. Những năm lại đây, tôi bỏ cây chè, trồng các loại cam như cam bù địa phương, cam V2, cam Xã Đoài… Nay cây cam cũng đã đến thời kỳ kinh doanh. Với 8 sào, tôi thu về 4 - 5 tấn cam, tính về hiệu quả kinh tế thì gấp nhiều lần so với cây chè”.

Theo số liệu thống kê của UBND huyện Thanh Chương, sau nhiều năm liên tục tăng thì đến năm 2015, diện tích chè, sắn đã bắt đầu giảm. Trong khi đó diện tích cam đang tăng và đạt trên 300ha (2015). Dấu hiệu tăng diện tích cam tại Thanh Chương vẫn chưa dừng lại.

4nho cy cm nhieu ho nong dn d co cuoc song khm kh 2
Nhờ cây cam, nhiều hộ nông dân có cuộc sống khấm khá.

Định hướng, đến năm 2020, Thanh Chương sẽ ổn định ở mức 500ha cam, trong đó có 400ha cam đến tuổi kinh doanh, tập trung tại các xã vùng Cát Ngạn như Thanh Hòa, Thanh Nho, Thanh Đức, Hạnh Lâm và xã Thanh Thủy.

Nghệ An hiện có trên 4.000ha cam, trong đó hơn 2.000ha cam thời kỳ kinh doanh, sản lượng cam hàng năm ước đạt 20.000 tấn. Với tốc độ phát triển như hiện nay, dự kiến đến năm 2020, tổng diện tích cam tại Nghệ An có thể đạt trên 5.000ha. Lúc đó, cam Vinh, cam xứ Nghệ sẽ “làm mưa làm gió” trên thị trường cả nước.

Theo Quyết định 87/2014/QĐ-UBND ngày 17/11/2014 của UBND tỉnh Nghệ An (sau này được thay bằng Quyết định 09/2016/QĐ-UBND ngày 18/1/2016), mỗi ha cam trồng mới thực hiện đúng quy trình, sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng tiền làm đất và 10.000 đồng/cây giống. Đây chính là động lực giúp nông dân các huyện tăng diện tích cam trong thời gian qua.

Tác giả bài viết: Văn Dũng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok