Ngô Văn Giang là cậu học trò nghèo hiếu học, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, cả nhà ai cũng mắc bệnh hiểm nghèo, bản thân em cũng mang trong mình căn bệnh hen phế quản khó chữa từ nhỏ, nhưng em vẫn đạt được những thành tích đáng nể trong học tập, khiến nhiều người thán phục.
Căn nhà nhỏ đơn sơ của gia đình Giang
Căn nhà nhỏ đơn sơ của gia đình Giang nằm lấp sau khóm mía nhỏ, lọt thỏm giữa vườn cây xanh. Nhìn quanh trong nhà cũng không có gì đáng giá ngoài chiếc tủ gỗ cũ kỹ, không có kính, bộ bàn ghế tiếp khách đơn sơ. Chỉ có những tấm giấy khen của Giang là được chăm chút, treo trịnh trọng giữa nhà.
Bà Phạm Thị Tuyết, mẹ Giang, ngậm ngùi tâm sự, chồng bà - người đàn ông trụ cột duy nhất trong gia đình đã sớm không còn khả năng lao động do mắc các chứng bệnh hở van tim hai lá, thiểu năng mạch vàng, rối loạn hệ thần kinh, thoái hoá cột sống, ngày ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, lần mò theo cạnh giường, cạnh tủ mới đi được.
Trong nhà Giang, có lẽ những tờ giấy chứng nhận học sinh giỏi này là tài sản quý giá nhất
Bản thân bà Tuyết cũng bị thoái hoá khớp xương nên khả năng lao động cũng hạn chế. Giang có hai chị gái, chị thứ nhất vừa tốt nghiệp khoa Kế toán của Đại học Thương mại nhưng chưa có việc làm ổn định.
Chị gái thứ là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An bị suy thận độ 3, viêm gan và hiện đang phải điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, bố Giang ốm yếu là vậy cũng phải khăn gói ra Hà Nội chăm nom con gái.
“Con bé giờ chỉ nặng 30kg. Để bố chúng nó ra chăm nom thì bác cũng lo vì là người ốm chăm người ốm, nhưng cũng đành vậy. Chứ giờ bác mà ra chăm thì ở nhà nỏ (không) biết lấy tiền mô (đâu) ra mà tiêu. Vì nhà thuộc hộ nghèo nên con bé bảo hiểm hộ nghèo nhưng còn tiền ăn, tiền sinh hoạt ngoài đó nữa, không làm thì lấy tiền mô ra. Mỗi tháng bác làm thuê cũng kiếm được khoảng 2-3 triệu, tối đến tranh thủ làm thêm chổi đót kiếm ít đồng mua mắm muối. Tiền dành dụm hàng tháng cũng để chữa bệnh hết rồi”, bà Tuyết buồn bã nói.
Bà Tuyết nghẹn ngào kể về con trai út
Kể về con trai út, bà Tuyết không khỏi nghẹn ngào, phận làm con út trong nhà, lại mang trong mình căn bệnh hen phế quản khó chữa, mỗi 3 tháng lại phải ra Hà Nội tái khám và lấy thuốc một lần nhưng hiện tại Giang gần như thay bố là trụ cột của gia đình.
Những ngày không phải đến trường, Giang đều dậy từ 4h sáng tranh thủ làm bài rồi ra đồng phụ giúp mẹ, có khi là chăn trâu cắt cỏ, có khi là việc đồng áng. Sau bữa cơm tối em lại ngồi vào bàn học bài tới 11h khuya. Mỗi ngày 24 tiếng, em cũng chỉ ngủ được 4-5 tiếng, dường như đối với em thời gian để học bao nhiêu cũng không đủ.
“Khổ rứa (thế) mà không khi mô (nào) thấy Giang kêu ca chi cả. Buổi trưa về tới nhà là em nó lại phụ giúp việc nhà hoặc ngồi vào bàn tranh thủ học lấy ít chữ. Chẳng có thời gian đi chơi như con nhà người ta, nhìn con vậy bác cũng thương lắm nhưng nhà nghèo không làm chi hơn được, chỉ thỉnh thoảng mua chút thịt, chút cá thêm vào bồi bổ cho em thôi”, mẹ Giang sụt sùi.
Vượt qua hoàn cảnh gia đình khó khăn, cậu học trò Ngô Văn Giang chưa bao giờ ngừng vươn lên trong học tập. Năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, học sinh giỏi huyện. Đặc biệt vào năm lớp 9, em đạt học sinh giỏi tỉnh 2 môn: giải nhì môn Vật lí và giải khuyến khích môn Toán.
Ngô Văn Giang, cậu học trò nghèo, bệnh tật đầy mình nhưng rất hiếu học
Trong đợt tuyển sinh vào lớp 10 năm 2015 – 2016, Giang đạt thủ khoa đầu vào của trường THPT 1-5. Trong năm học vừa qua, Giang vẫn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Ở trường, Giang luôn là học sinh hiền lành, ngoan ngoãn được thầy cô và bạn bè quý mến. Hiện em đang nằm trong đội ngũ bồi dưỡng học sinh giỏi để chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh vào năm lớp 12. Cảm động trước tấm lòng hiếu học của Giang, năm ngoái một thầy giáo trong trường đã tặng cho em chiếc xe đạp để đi học, cũng có người cho sách cũ, cặp vở.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, đôi mắt Giang lấp lánh, môi nở nụ cười: “Em mong muốn được học trong ngành quân sự hoặc trường đại học Bách khoa, sau khi ra trường tìm được việc làm ổn định, kiếm được nhiều tiền để chữa bệnh cho bố mẹ, chị gái và cho bản thân mình”.
Đó là ước mơ chính đáng của rất nhiều những thiếu niên ở tuổi của Giang, nhưng có lẽ với riêng em, trước hoàn cảnh gia đình khó khăn, tình trạng sức khoẻ ốm yêu, con đường Giang phải đi trước mắt sẽ còn rất dài và nhiều chông gai, và có lẽ cần cả những động lực, sự ủng hộ từ rất nhiều người.
Mọi ủng hộ, giúp đỡ Em Ngô Văn Giang xin gửi về: Em Ngô Văn Giang ở xóm Đông Hội 2, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An
Tác giả bài viết: Hà Phương