Xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) là vùng đất sâu hút giữa đại ngàn Trường Sơn, là một trong những xã khó khăn bậc nhất của tỉnh Quảng Bình. Địa phương này có rất nhiều bản làng nằm sâu trong rừng, chưa có điện, đường đi lại cũng vô cùng khó khăn. Cũng chính vì vậy, công tác giảng dạy của những người giáo viên cắm bản nơi đây cũng đầy gian truân, vất vả.
Điểm trường bản Troi là một trong những điểm của xã Thượng Trạch. Điểm trường này hiện có tất cả 17 học sinh và được chia làm 2 lớp ghép. Đối với học sinh nơi đây, cuộc sống các em luôn thiếu thốn, từ ăn mặc cho đến sách vở. Những những cuốn sách cũ nhàu được sử dụng qua nhiều thế hệ học trò đã không phải là điều xa lạ.
Học sinh bản Troi, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình |
Đối với những người thầy cắm bản, hình ảnh các em học sinh co ro trong chiếc áo mỏng khi đông về, những bộ quần áo cũ sờn mặc đi mặc lại và cả những đôi chân nhem nhuốc không dày dép là điều khiến họ luôn đau đáu trong lòng.
Với tình thương dành cho học trò, muốn các em có được những cuốn sách, tập vở mới, mong các em có được những chiếc áo lành lặn, ấm áp hơn trong mùa đông, những người thầy cắm bản tại xã Thượng Trạch nhiều năm qua đã không quản ngại khó khăn, vượt hàng trăm cây số để về đồng bằng, đi vận động, xin quần áo, sách vở cho học trò của mình.
|
Những món quà đầu năm học mới của những người thầy miền xuôi dành các em học sinh dân tộc tại bản Troi. |
Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Sỹ Hà, một người giáo viên có thâm niên nhiều năm cắm bản nói đùa rằng, thầy có hai nghề, một là nghề giáo, còn nghề tay trái của thầy là “ăn xin”. Thật vậy, đối với thầy Hà và những người thầy giáo của Trường tiểu học số 2 Thượng Trạch, việc đi “ăn xin" từ lâu đã không còn là điều xa lạ. Để rồi sau những chuyến “ăn xin” đó, thầy lại gồng gánh “tay xách nách mang”, dùng xe máy cõng những bao tải quà, vượt rừng để mang niềm vui về với học sinh bản nghèo.
“Học sinh dân tộc thì mô cũng rứa, các em thiếu thốn nhiều. Nhìn các em không có quần áo mặc, không có dép để đi thương lắm, chưa nói những ngày mưa rét càng tội hơn. Thôi thì “cũ người mới ta”, ai có đồ cũ là mình xin hết, rồi đưa lên cho các em, nhìn các em vui, một người thầy như mình cũng vui theo”, thầy Hà xúc động.
Cũng chính vì lẽ đó, tình cảm của người thầy vùng cao và các em học sinh cũng như đồng bào dân tộc luôn vô cùng đặc biệt. Với những người thầy vẫn hằng ngày “cõng” con chữ lên vùng cao này, đi dân bản nhớ, ở dân bản thương, tình thầy trò cũng vì thế mà vô cùng thân thiết.
“Nhờ có thầy, bọn em mới được học cái chữ, được học làm người tốt. Thầy còn cho bọn em nhiều quần áo đẹp, giày dép và cả sách vở nữa. Thầy thương chúng em nhiều lắm, nên mỗi lần thầy về xuôi là bọn em lại nhớ, chỉ mong thầy sớm quay lại với bản để dạy chúng em học”, em Y Dụ, học sinh lớp 4, điểm trường bản Troi chia sẻ.
Thầy và trò điểm trường bản Troi, Trường tiểu học số 2 Thượng Trạch lao động đầu năm học mới |
Thầy Đỗ Hồng Thái là một giáo viên công tác tại Trường tiểu học số 2 Thượng Trạch gần 10 năm nay. Thầy đã gắn bó với nhiều bản làng của xã miền núi Thượng Trạch. Thầy Thái tâm sự rằng, những ngày đầu về với bản, thầy đã ứa nước mắt khi nhìn thấy các em mặc mỗi cái áo phông mỏng tang, đi chân đất giữa thời tiết lạnh cắt da cắt thịt, đứa nào cũng chân trần gầy rộc, đen nhẻm.
Và cũng chính từ ngày đó, mỗi lần về xuôi là thầy lại đi vận động, đi xin quần áo cũ và cả ra chợ chọn mua những bộ quần áo thật đẹp, thật ấm để mang lên cho học trò. Với thầy Thái, nhìn đám học trò xúm xít hớn hở khoe chiếc áo ấm, nâng niu những cuốn sách, có lẽ không có niềm vui nào hơn thế.
“Cứ mỗi lần về xuôi lên là lại túi trước túi sau, đưa được nhiều quà lên là mình cảm thấy vui sướng lắm. Cứ nghĩ đến các em đang chờ mình trên bản thì những vất vả trên đường đi dường như tan biến. Lần nào mình hay các thầy giáo khác lên là các em lại ùa ra đón, cũng chính vì vậy mà càng ngày mình càng muốn gắn bó với bản, với học sinh dân tộc”, thầy Thái kể lại.
Là một người thầy nhiều năm cắm bản, trong hành trang của thầy Nguyễn Sỹ Hà mỗi lần về xuôi lên chưa bao giờ thiếu những gói bánh, gói kẹo để động viên học trò |
Hành trình “cõng” cái chữ lên vùng cao có lẽ còn rất nhiều khó khăn. Những vất vả, gian nan vẫn còn chờ đợi những giáo viên cắm bản ở phía trước. Thế nhưng với lòng nhiệt huyết, đam mê nghề nghiệp và tình thương với học sinh dân tộc, những giáo viên vùng cao sẽ còn tiếp tục nỗ lực, không ngại băng rừng, lội suối, để bám bản, nuôi dưỡng ước mơ cho con em đồng bào nơi rẻo cao.
Để một ngày không xa, những con chữ của thầy sẽ giúp đồng bào dân tộc nâng cao đời sống, xây dựng bản làng, giảm bớt vòng luẩn quẩn của cái đói, cái nghèo nơi vùng sâu biên giới.
Tác giả: Tiến Thành
Nguồn tin: Báo Dân trí