Giáo dục

Cấm dạy thêm: Giáo viên hãy đấu tranh, đừng than vãn

Theo cô Nguyễn Thị Lâm, giáo viên hãy đấu tranh để giải quyết từ gốc rễ là tăng lương, giảm chương trình học, thay đổi cách kiểm tra, đừng than là không đủ sống nữa.

Chia sẻ với Zing.vn, cô Nguyễn Thị Lâm - Giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM có góc nhìn bao quát về vấn đề dạy, học thêm:

Về chuyện cấm dạy thêm, học thêm, tôi vốn định không nói gì, vì vốn dĩ nó cũng chẳng ảnh hưởng tới tôi. Nhưng gần đây nghe và thấy nhiều ý kiến có vẻ “đao to búa lớn” hay kiểu như “đứng bên bờ của đói nghèo để lên tiếng”, hay thậm chí “thấy nhục với nghề”, tôi thấy không đồng tình.

Tôi chỉ muốn chia sẻ mang tính chất đơn giản hóa vấn đề dạy, học thêm mà thôi.

Ảnh minh họa: Q.N.


Nghĩ gì về học thêm?


Trước hết, hồi còn là học sinh, tôi thấy ghét việc học thêm. Học thêm gần như trở thành nỗi ám ảnh. Cứ vào học một thời gian, nghe bạn bè rủ nhau đi học thêm là tôi lo sốt vó.

Suốt 12 năm, tôi chưa từng đi học thêm, chỉ trừ một lần thầy mở lớp luyện đề thi đại học môn Vật lý, tập hợp tất cả học sinh giỏi của trường. Tôi ham hố đi theo, nhưng được vài bữa nhận ra đó không phải đam mê của mình, nên bỏ.

Còn đa số các bạn đi học thêm hồi đó đều học chính giáo viên đang đứng lớp mình nên luôn biết trước dạng đề kiểm tra (đôi khi chỉ thay số vào là xong), được thầy cô nhớ tên, nhớ mặt, được nâng niu hơn trên lớp, được ưu ái hơn trong điểm số hay cơ hội gỡ gạc.

Chuyện ấy gây ác cảm với tôi và với những bạn không đi học thêm. Tôi thấy rõ ràng sự thiên vị và nhìn giáo viên ấy với đôi mắt không mấy thiện cảm.

Những bạn học khá đành phải vác cặp đi học thêm để không thua mấy bạn trung bình nhờ đi học thêm mà thành khá. Còn lại vài đứa như tôi (do nhà nghèo không có tiền đi học thêm, hoặc phải dành thời gian đó đi phụ ba mẹ ngoài rẫy, hoặc dành riêng cho đam mê của mình như đọc sách hay viết lách... và cảm thấy việc học trên trường và tự học là đủ) không đi học thêm.

Chúng tôi đã phải liên kết lại, làm thân với vài bạn đi học thêm để hỏi dạng đề, biết những bài mở rộng chắc chắn sẽ có trong giờ kiểm tra, rồi hợp sức tự giải để đối phó.

Nhờ vậy, chúng tôi vượt qua những ngày tháng ấy, và biết cách tự học. Ngay kỳ thi đại học tôi cũng tự ôn chứ không đăng ký một khóa ôn nào. Tôi vẫn thừa 1 điểm để đậu (cũng có thể do tôi thi khối C nên không cần ôn chăng?).

Sau này, tôi hiểu hơn về chuyện học thêm. Tôi ủng hộ học thêm, nếu được đưa về đúng bản chất của nó.

Bản chất của học thêm là gì?

Theo tôi, bản chất của học thêm, là mấy dạng sau:

Học thêm để cho học sinh quá yếu lấy lại kiến thức căn bản, để có thể ra trường, rồi học nghề và tìm công việc phù hợp năng lực. Tại sao cứ đòi giỏi, đòi vào đại học rồi không tìm được việc làm, trong khi những nghề nghiệp bình thường, cần cho xã hội và có thể kiếm được bộn tiền như cắt tóc, trang điểm, may đồ, nấu ăn, kết hoa lá, hàn xì, sửa xe... lại đang thiếu người?

Bao giờ xã hội thay đổi quan niệm, suy nghĩ như Nguyễn Tuân, nghề nào cũng có cái đẹp, ai yêu nghề và hết lòng vì nghề cũng sẽ là nghệ sĩ tài hoa trong nghề của mình?

Học thêm là để bồi dưỡng học sinh giỏi, để các bạn thỏa được đam mê và có đủ năng lực để theo đuổi đam mê ấy. Học sinh bây giờ thường ít đam mê, hoặc ít khi chịu theo đuổi đam mê đến cùng. Đó là thiệt thòi cho chúng ta. Khi không có đam mê, chúng ta sẽ sống bình thường lắm, hời hợt lắm và dễ thỏa mãn lắm.

Và hiện nay, cần hơn cả là học thêm nhiều kỹ năng mềm để trở thành người khỏe mạnh và tử tế, để có thể sống sót trong những điều kiện khó khăn, để biết thích nghi với hoàn cảnh sống, để hợp tác tốt với mọi người, để biết đấu tranh và bảo vệ cho cái đúng... Thế giới thay đổi rồi, cần biết cái gì là quan trọng để hòa nhập và theo kịp nhân loại.

Nền giáo dục của mình đã quá chú trọng sự toàn diện, quá đề cao chuyện danh hiệu học sinh giỏi này nọ, để rồi cứ chạy theo học thêm để đạt thành tích giỏi toàn diện, mà không hiểu rằng, tìm cho mình một đam mê, phát triển năng lực riêng của bản thân và biết sống tự lập và tử tế trong cuộc đời này mới là điều quan trọng nhất.

Nghĩ về chuyện cấm dạy thêm, học thêm

Đơn giản thế này, hãy trả lời cho câu hỏi, việc học thêm và dạy thêm, cái nào có trước?

Nếu chuyện học thêm có trước, là do nhu cầu của phụ huynh, học sinh với những lý do nào đó mà tìm đến giáo viên, thì hãy để phụ huynh, học sinh lên tiếng. Đó là quyền lợi của họ, là nhu cầu của họ. Lệnh cấm làm ảnh hưởng nhu cầu chính đáng của họ, thì họ là người lên tiếng mới đúng chứ?

Tại sao giáo viên lại lên tiếng, mà lên tiếng gay gắt làm chi, khóc lóc làm chi, bi ai làm chi để cho có nhiều người gọi chúng ta là “biến học trò thành công cụ kiếm tiền”, nhìn chúng ta với ánh mắt không thiện cảm vì “chúng ta đang lên tiếng vì nồi cơm chén gạo”?

Nếu chuyện dạy thêm có trước, thì do đâu? Do đồng lương không đủ sống? Do chương trình quá nặng mà thời gian trong trường không đủ? Do thi cử nặng nề và giáo viên lo cho học sinh không đủ sức đạt yêu cầu?

Nếu vậy, thì phải giải quyết từ gốc rễ, tức là đấu tranh để tăng lương, giảm tải chương trình, thay đổi cách kiểm tra đánh giá. Như vậy, giáo viên vừa có đời sống ổn định, vừa yên tâm với nghề, vừa có thời gian mở rộng hiểu biết và nâng cao tay nghề, đưa tâm huyết vào từng bài giảng trên lớp, làm sao biến giờ học thành những giờ say mê dạy và học của thầy và trò chứ không phải là để đối phó. Nếu vậy thì đừng than là nhục, là chết đói, là triệt đường sống, là vân vân đủ kiểu cảm xúc bi ai nữa.

Tôi, một giáo viên dạy Văn, chưa từng thấy nhục vì nghề, chưa từng nản vì nghề. Tôi nhìn đơn giản vấn đề thôi. Đồng lương trả cho tôi vẫn là nguồn thu chính (phải chăng nhiều người đã xem thu nhập từ việc dạy thêm là chính nên lệnh cấm làm họ bức xúc đến vậy? Phải chăng vậy mà họ quên mất đi chuyện lương thấp, và khi lệnh cấm xảy ra thì họ cũng quên mất chuyện đấu tranh cho đồng lương nào?).

Và tôi luôn so sánh mình với các thầy cô dạy các môn bị xem là môn phụ, không bao giờ có học sinh như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân, Thể dục, Mỹ thuật... Họ vẫn luôn yêu nghề, vẫn miệt mài với những bài giảng đó thôi.

Vậy, nếu cần lên tiếng, tôi sẽ lên tiếng cho những điều chung nhất, là đồng lương, là chương trình học, là cách ra đề và kiểm tra, cách thi cử...

Còn chuyện dạy thêm, học thêm, tôi để cho học sinh và phụ huynh lên tiếng. Họ cần, chúng ta dạy. Họ không cần, chúng ta vẫn yêu nghề và vẫn sẽ say mê với những bài giảng trên lớp.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Lâm Giáo viên tại TP HCM

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok