Chưa bàn chuyện nói năng đi đứng, chỉ riêng chuyện ăn cũng thấy mình nhìn chung đói và nghèo. Xưa chắc chắn vậy! Bây giờ dù khá hơn, nhưng hình bóng của nó vẫn cứ bám riết. Chắc phải mất thời gian nữa?
Vì nghèo đói nên chúng ta dùng từ ăn cơm, một loại ngũ cốc chủ lực từ hạt thóc, cho ba bữa chính trong ngày. Hình như các ngôn ngữ khác ít thấy dùng một loại ngũ cốc hay một loại bánh trái gì đó để chỉ bữa ăn. Và chỉ thiếu thốn nên mới xuất hiện các từ “ăn vã” và “ăn dè”. Chẳng biết tiếng Anh tiếng Pháp có những từ này không?
Ảnh minh họa (KT) |
Trên mâm cơm truyền thống của chúng ta cũng có món ăn, dù ít ỏi. Song nồi cơm vẫn là “nhân vật” chính. Chưa có gia đình Việt nào ăn cơm mà không có nồi cơm bên cạnh. Trên mâm có thức ăn nhưng xưa nay hình như mọi người đều mặc định thức ăn là để ăn kèm với cơm, ăn cho trôi cơm- một thứ ngũ cốc chủ lực để nhét vào làm no bụng.
Chính vì thế nên từ “ăn vã” xuất hiện để khuyến cáo và cảnh cáo những đứa trẻ háu ăn, không chịu ăn thức ăn kèm với cơm như mình. Rõ ràng có sự bất bình đẳng! Thức ăn luôn được tôn vinh, đặt ở vị trí trang trọng và đương nhiên là tâm điểm của sự chú ý, là linh hồn của mâm cơm; còn rau, cơm bị lép vế và ở chiếu dưới.
Một thói quen khá phổ biến của người dân đồng bằng Bắc Bộ là sau bữa ăn, trước khi đứng dậy rời khỏi mâm thì nhiều người hay uống một bát nước canh hoặc nước rau luộc. Khu vực đồng bằng sông Hồng thì uống bát nước rau muống luộc được vắt chanh, cho sấu, hay lá me chua; nhiều nơi còn cho thêm chút muối. Bản thân tôi hiện vẫn giữ “truyền thống quý báu” đó. Nhiều lúc tôi tự hỏi để làm gì nhỉ?
Tôi đoán ngày xưa nhìn chung đói kém, ăn chưa no nhưng cơm và thức ăn hết mất rồi, hoặc còn tí chút nhưng phải nhường cho con, cho ông bà… nên đành làm bát nước cho cái bụng khỏi “chông chênh”. Sau này một vài người còn lợi dụng bát nước cuối cùng ấy để súc cho sạch miệng. Tất nhiên vẫn nuốt vào cho đỡ lãng phí nhưng hành vi đấy không đẹp, bị cho là phàm ăn tục uống.
Với vùng đất mới miền Tây Nam Bộ thì tôi thấy hầu hết các bữa tiệc đều có món lẩu, từ sang trọng tới bình dân; từ đám giỗ, đám ma hay đám cưới… nhất nhất phải có lẩu.
Tôi hỏi thì có người bảo rằng Tây Nam bộ là vùng đất khẩn hoang. Cái nết ăn cũng chóng vánh và phiên phiến chứ không quá cầu kỳ. Trong khi đó thiên nhiên nơi đây ưu đãi, thò tay xuống ruộng có cá có tôm, đưa tay lên trời là thấy hoa, thấy trái. Chỉ cần bắc cái nồi ở bờ ruộng thì khi nước sôi cũng là lúc có thể đem về đủ tôm đủ cá, hái đủ rau để thành một nồi mang tên lẩu.
Cho tới hôm nay, nồi lẩu dù bằng điện, bằng ga hay bằng cồn, thì vẫn đóng vai trò chủ đạo và là “nhân vật” trung tâm của bữa tiệc của miền sông nước. Đôi lúc tôi tự hỏi: Nóng bức như thế này sao không chọn món khác ăn mà vẫn cứ ăn lẩu? Nhưng rồi tôi cũng tạm bằng lòng với cách lý giải: Tập quán ẩm thực từ thời khẩn hoang, còn đơn sơ nghèo khó đã di truyền tới tận hôm nay và có thể còn lâu lâu nữa. Tôi hy vọng người am tường văn hóa ẩm thực của vùng đất mới Nam Bộ này sẽ bổ sung và cung cấp thêm thông tin cho những lý giải đầy cảm tính này của tôi.
Bây giờ đời sống sung túc hơn! Tới đây chúng ta sẽ hỏi “ăn sáng, ăn chiều chưa” hoặc “dùng bữa chưa” thay cho “ăn cơm chưa”. “Ăn dè” và “ăn vã” sẽ không còn hiện diện trong đời sống ngôn ngữ của giới trẻ nữa.
Tuy nhiên, kể cả khi chúng ta đi đánh golf, hút xì gà, uống rượu vang bàn những thương vụ triệu đô thì hình bóng của cái nghèo, cái hèn, cái chưa sang truyền kiếp từ thời cụ kị xem ra nó vẫn ngự trị trong con người mỗi chúng ta. Ai khéo léo giấu được cái này thì cái khác lại lòi ra.
Chắc còn phải rèn dũa nhiều hoặc cái sang tự nó thấm vào chứ chưa chắc cố công mà học được.Và tôi nghiệm thấy cứ chân thành, mộc mạc (nhưng không suồng sã hay bỗ bã) lại được nhiều người yêu quý. Thật! Thề!./.
Tác giả: Ngô Thiệu Phong
Nguồn tin: vov.vn