► Kỳ 3: Phát lộ hàng tạ vàng bên con suối
► Kỳ 2: Những câu chuyện có thật về kho báu khủng ở đại ngàn Trường Sơn
► Kỳ 4: Người đàn ông săn vàng xuyên 2 thế kỷ
Kỳ 5 (kỳ cuối): Cái chết của dị nhân và ẩn số kho báu chưa có lời giải
Nhắc lại câu chuyện của kỳ trước, dị nhân Nguyễn Hồng Công sau mấy chục năm tìm kiếm, đã có 2 lần tuyên bố chắc nịch đã tìm thấy kho báu ở núi Mã Cú và đòi ăn chia. Đoàn công tác của tỉnh hai lần tìm về xã Hóa Sơn (Minh Hóa, Quảng Bình) nhưng đều về tay không. Từ đó trở đi, chả một ai tin tưởng vào những lời tuyên bố của dị nhân này nữa. Có người còn bảo ông bị hoang tưởng.
Riêng bản thân dị nhân không chấp nhận nổi sự thật ấy, một phần khác là tất cả vốn liếng của mình đã đổ hết cho giấc mơ tìm vàng Hóa Sơn, không lẽ ra về tay trắng, nên ông Nguyễn Hồng Công ngày càng lún sâu vào niềm tin của chính mình. Thậm chí, nhiều lần công an huyện Minh Hóa, công an xã Hóa Sơn, tìm vào xử phạt, dị nhân trốn mất tích. Công an về, ông lại xuất hiện và… tiếp tục đào bới.
Chiều giấc mơ của chồng, người vợ đã cầm cố nhà cửa. Ông Công bỏ luôn việc ở cơ quan để đeo đuổi giấc mơ ấy. Nhưng rồi vàng mãi không có, nhà cửa tan hoang, vợ con ly tán hết cả.
Một thời gian dài sau đó, chẳng ai ở Hóa Sơn buồn quan tâm đến câu chuyện tìm vàng trên núi Mã Cú, cũng không biết dị nhân Nguyễn Hồng Công ở đâu nữa. Mọi người đều nghĩ rằng ông đã từ bỏ giấc mơ tìm kho báu vua Hàm Nghi, trở về với cuộc sống như một người bình thường. Nhưng bất ngờ, đến tháng 6/2011, ông lại xuất hiện và ra tuyên bố đã giải mã được bí ẩn kho báu, nếu sai sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, và lại tiếp tục đòi…ăn chia. Nhưng lần này không một ai để ý những gì dị nhân đã nói nữa.
Lán của ông Nguyễn Hồng Công trên núi Mã Cú. Ảnh tư liệu
"Dị nhân" Nguyễn Hồng Công đành phải bỏ tiền túi ra thuê mấy thanh niên vào trong núi để làm nhân chứng tận mắt công trình của mình. Tuy nhiên, khi cạy nắp hầm, tất cả đều trống trơn, trơ trọi. Ông Công suy sụp. Một anh thanh niên lắc đầu an ủi: “Chắc là ông đã tìm thấy dấu tích, nhưng không biết sẽ đào tiếp theo hướng nào, đông, nam, hay bắc… Có thể tọa độ không đúng, hoặc trên tấm họa đồ có thêm điều gì đó bí ẩn mà chưa phát hiện ra nổi. Thôi dù sao thì đến giờ ông cũng đào xuyên 2 thế kỷ rồi đó, nghe lời bọn cháu hãy trở về Sài Gòn…”. Dị nhân không nghe, đuổi mấy thanh niên xuống núi.
Nhắc lại sự việc này, một cụ già trong vùng ngán ngẩm: “Vùng đất Minh Hóa chắc chắn vẫn còn kho báu của nhà vua, nhưng người ta có gia phả còn tìm không ra, thì chúng tôi dân lao động bình thường mong gì tìm ra nổi. Nếu ai đó có duyên ắt sau này sẽ vô tình bắt gặp”.
Thời gian cứ thế trôi, một phần vì tuổi đã cao, một phần có lẽ suốt ngày thiếu dưỡng khí vì chui rúc trong hầm, phần nữa ăn uống kham khổ, nên sức khỏe ông rất kém. Dân Hóa Sơn nhiều lần phát hiện ra ông Công suýt chết khi đi qua hệ thống địa đạo chằng chịt trên núi Mã Cú. Có lúc, các bác sĩ đã chẩn đoán ông bị bệnh lao nặng, phải nằm viện điều trị. Nhưng sau khi uống thuốc được vài ngày, dị nhân đã bỏ trốn trở về lán trại.
Mộ của dị nhân dưới chân núi Mã Cú
Sau cơn bão số 10 (tháng 10/2013), dân sống dưới chân núi đã quá lâu không thấy dị nhân xuống mua gạo muối như những lần trước, liền thông báo lên chính quyền xã. Mọi người tìm vào trong lán trại thì phát hiện ra cửa đã bị khóa từ bên trong, có mùi hôi thối bốc ra.
Dị nhân Nguyễn Hồng Công đã chết, thi thể đang trong quá trình phân hủy, đầu lệch ra khỏi giường. Nhiều người đoán rằng, ông gắng gượng dậy để gọi người đưa đi cấp cứu nhưng không kịp. Đồ đạc trong lán trại vẫn còn nguyên cùng với số tiền hơn 1 triệu đồng trong túi quần.
Khả năng ông đã chết cách thời điểm phát hiện chừng hơn 1 tuần lễ. Chính quyền đã tiến hành chôn cất thi thể của ông Công theo phong tục địa phương, táng dưới chân núi Mã Cú, nơi ông đã dành nửa cuộc đời theo đuổi giấc mơ kho báu của tiền nhân.
Các nhà khoa học cũng đã tiến hành nghiên cứu, họ kết luận khu vực mà dị nhân đã đào không có dấu hiệu gì cho thấy các tầng đất ở đó từng bị xáo trộn, như kiểu đã bị đào bới rồi lấp lại để chôn cất kho báu. Ở đó toàn là mạch đất nguyên sinh.
Nhiều người dân khẳng định rằng, ở Hóa Sơn đã không còn vàng
Nhưng câu chuyện về tấm bản đồ mà ông Công đã có được và tiến hành đào bới suốt 31 năm qua, kể cả chuyện ông thuyết phục được đoàn công tác của tỉnh 2 lần tìm về Hóa Sơn chứng thực kho vàng, sự thật là như thế nào? Ông Đinh Hồng Nhâm khi được hỏi đến đã khẳng định: “Tôi cho rằng bản đồ mà ông Nguyễn Hồng Công đang cầm đúng là bản đồ thật, được vẽ ngay tại thời điểm cất giấu. Tuy nhiên, núi Mã Cú chắc chắn không có vàng, khả năng cao nhất là tấm bản đồ này chỉ là chiêu bài đánh lừa giặc Pháp của vua Hàm Nghi. Còn những địa điểm cất giấu thật, có lẽ chỉ có đức vua mới biết”.
Chỉ biết rằng, sau sự việc đau buồn năm 2013 ở núi Mã Cú, người dân Hóa Sơn đã không còn bàn tán hay nuôi mộng tìm kiếm kho báu nữa. Họ đã hoàn toàn quay về với cuộc sống thường nhật, bình yên đã trở lại. Có chăng, những câu chuyện về vàng chỉ còn là một quá khứ ly kỳ của vùng đất nằm lọt thỏm giữa bốn bề bát ngát núi non của đại ngàn Trường Sơn.
Kho báu của vua Hàm Nghi vẫn còn là một ẩn số giữa đại ngàn Trường Sơn
Cũng có người bảo rằng, thực ra vua Hàm Nghi cùng đoàn hộ giá có dừng chân ở khu vực xã Hóa Sơn. Tuy nhiên, vì chạy giặc liên miên, nhà vua không còn mang theo được quá nhiều của cải. Vua đã chọn điểm cấu giấu là gốc cây Pằn Nàng cổ thụ. Và trận lũ năm 1956 đã khiến kho báu phát lộ, nhà nước đã thu hồi hết. Chúng tôi cho rằng nhận định đó có khả năng chính xác tương đối cao, bằng chứng là từ đó cho đến nay người dân Hóa Sơn không tìm thấy bất cứ dấu vết gì liên quan đến kho báu nữa.
Năm 1914 nhà truyền giáo người Pháp Henri de Pirey đã đăng trên tạp chí Bulletin des amis du vieux Huế rằng, sau khi rút khỏi kinh thành Huế, Vua Hàm Nghi đã chuyển kho báu của hoàng cung ra phía Bắc. Kho báu gồm 400 thùng đựng đầy vàng và 150 thùng đựng đầy bạc, còn lại là các thùng đựng đá quý với tổng cộng ước chừng 950 thùng. Có thông tin cho rằng Vua Hàm Nghi đã giấu kho báu trên tại một điểm bí mật ở Minh Hóa (Quảng Bình). Lại có thông tin trong suốt 3 tuần lễ sau ngày Vua Hàm Nghi rút khỏi kinh thành Huế, phần lớn kho báu trong hoàng cung đã lọt vào tay người Pháp.
Từ tư liệu đó, cộng với những thông tin thu thập được sau quá trình thâm nhập để tìm hiểu về câu chuyện lý thú một thời gây xôn xao dư luận ở đại ngàn Trường Sơn này, rõ ràng kho báu vua Hàm Nghi là một hiện thực lịch sử chứ không chỉ là huyền thoại hay những lời đồn thổi. Kho báu vẫn là một bí ẩn lớn của lịch sử chưa ai tìm ra lời giải đáp, và chắc chắn một điều rằng: đó không phải là một câu chuyện hoang đường.
Tác giả bài viết: Hải Minh