Theo quy định tại điều 103 Bộ Luật Lao động 2012: Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Tết đến gần, điều quan tâm duy nhất của nhiều lao động thời điểm này chính là tiền thưởng Tết |
Với quy định này, doanh nghiệp (DN) sẽ quyết định có thưởng Tết cho NLĐ hay không. Nếu có, mức thưởng bao nhiêu sẽ dựa trên những quy định tại quy chế thưởng cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của DN và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ trong năm.
Bên cạnh đó, thực tế nhiều DN còn căn cứ vào số năm làm việc (hay thường gọi là thâm niên công tác) để tính tiền thưởng Tết cho NLĐ.
Ví dụ, quy chế thưởng của Công ty A có quy định thưởng Tết Âm lịch:
1. Căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh, nếu có lãi, Công ty sẽ trích từ lợi nhuận để thưởng cho NLĐ với mức thưởng tùy thuộc vào lợi nhuận mỗi năm.
2. Mức thưởng cụ thể của từng lao động tùy thuộc vào năng suất lao động và thâm niên làm việc: Mức thưởng = Tỉ lệ thưởng x Mức bình quân tiền lương tháng của người lao động trong năm.
Trong đó, Tỉ lệ thưởng = % năng suất lao động + % thâm niên làm việc. % năng suất lao động, căn cứ vào kết quả đánh giá của trưởng bộ phận: Xuất sắc = 100%; Tốt = 80%; Khá = 60%; Trung bình = 40%; Yếu = 20%. % thâm niên làm việc, tính từ ngày ký hợp đồng chính thức đến ngày 31-12 của năm tính thưởng: Dưới 1 năm = 10%; Từ 1 - 2 năm = 30%; Từ 2 - 3 năm = 50%; Từ 3 - 4 năm = 70%; Từ 4 - 5 năm = 90%; Từ 5 năm trở lên = 100%.
3. Căn cứ quy định này, hàng năm, Giám đốc sẽ quyết định bằng văn bản cụ thể về mức thưởng đối với từng NLĐ.
Tác giả: H.Lê
Nguồn tin: Báo Người lao động